Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có ý nghĩa lớn nhất đối với dân tộc ta như thế nào

THẮNG LỢI CỦA CUỘC KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ CỨU NƯỚC MÃI MÃI LÀ NGUỒN SỨC MẠNH TO LỚN CỖ VŨ DÂN TỘC TA VỮNG BƯỚC ĐI LÊN

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã kết thúc thắng lợi bằng cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Đây là thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội trong thế kỷ XX do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, là trang sử hào hùng và mốc son chói lọi trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Ngày đăng : 25/04/2019 Xem với cỡ chữ

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có ý nghĩa lớn nhất đối với dân tộc ta như thế nào
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có ý nghĩa lớn nhất đối với dân tộc ta như thế nào

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV đã tổng kết: "Năm tháng trôi qua nhưng thắng lợi của Nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi ghi vào lịch sử dân tộc ta một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời với sự toả sáng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ của con người và đi vào lịch sử ta như những chiến công vĩ đại của thế kỷ 20. Một sự kiện có tầm quan trọng cực kỳ to lớn và tính thời đại sâu sắc".

Cuộc kháng chiến trường kỳ mà oanh liệt của dân tộc Việt Nam với đế quốc Mỹ là một thử thách lớn nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, một cuộc đụng đầu lịch sử tiêu biểu giữa hai thế lực cách mạng và phản cách mạng, giữa chủ nghĩa anh hùng cách mạng với chủ nghĩa thực dân, phản động bạo tàn.

Sau chiến tranh thế giới thứ II, đế quốc Mỹ, tên đầu sỏ đóng vai trò sen đầm quốc tế, hòng cứu nguy cho hệ thống tư bản chủ nghĩa (TBCN) suy sụp nghiêm trọng trước sự tấn công của 3 dòng thác cách mạng, đó là sự ra đời và phát triển hệ thống XHCN; Phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước; làn sóng đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng công nhân trong các nước TBCN đã chuyển chiến lược "Trả đũa ồ ạt" sang chiến lược "Phản ứng linh hoạt". Năm 1960, Mỹ chĩa mũi nhọn vào các nước XHCN và phong trào giải phóng dân tộc mà Việt Nam là một trọng điểm.

Ngay từ năm 1947, Mỹ ép Pháp dùng con bài Bảo Đại, có quân đội riêng. Năm 1941 Mỹ buộc Pháp phải công nhận chính quyền Bảo Đại, cho phép có quân đội riêng và có quyền ngoại giao. Tháng 2/1950, Mỹ chính thức công nhận chính quyền Bảo Đại, cuối năm đó, Mỹ ký với chính quyền Bảo Đại một Hiệp định viện trợ quân sự cho chính quyền Bảo Đại.

Từ đây, Mỹ ra sức đào tạo, rèn luyện một con bài mới là Ngô Đình Diệm. Tháng 7/1954, Mỹ ép Bảo Đại thay Bửu Lộc để Diệm làm Thủ tướng. Đến tháng 10/1955, thông qua cuộc trưng cầu dân ý, Ngô Đình Diệm lật đổ Bảo Đại trở thành Tổng thống, lập nên cái gọi là chính phủ "Việt Nam Cộng hoà". Đối với thực dân Pháp sa lầy Đông Dương, Mỹ ra sức viện trợ để cứu nguy Pháp khỏi bị thất bại, mặt khác chuẩn bị hất cẳng Pháp, thay chân Pháp ở Đông Dương.

Sau khi Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ, Mỹ nhảy vào Miền Nam nước ta nhằm thực hiện các mục tiêu cơ bản là: Đàn áp phong trào giải phóng dân tộc, thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam; Xây dựng miền Nam thành căn cứ quân sự chuẩn bị tấn công phe XHCN; Ngăn chặn CNXH lan sang các miền Đông Nam Á (Theo Nghị quyết Bộ chính trị 12/1962). Mỹ thực hiện Học thuyết Đô-mi-nô ở Đông Nam Á không những về quân sự, chính trị mà còn cả về kinh tế. Mỹ tưởng sẽ đè bẹp dân tộc Việt Nam nên suốt 6 đời Tổng thống Mỹ, như Harry S.Truman, Dwigt D Eisenhower (Ai-xen-hao), John F. Kennedy (Kenơdy), Lyndon B Johnson (Giôn-xơn), Richrrd Nixơn (Nich-xơn), Geral Ford (Pho) đã nối tiếp nhau theo thuyết đó xâm lược Việt Nam.

Đối với dân tộc ta, mục tiêu độc lập, thống nhất đưa cả nước đi lên CHXH đó là ước mơ cháy bỏng, nguyện vọng thiêng liêng, mục tiêu cao cả của dân tộc Việt Nam. Trải qua 9 năm kháng chiến trường kỳ chỉ mới giải phóng một nửa nước, không còn con đường nào khác là phải tiến công cách mạng, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Vì vậy, cuộc kháng chiến của Nhân dân Việt Nam trở thành cuộc đọ sức điển hình giữa cách mạng và phản cách mạng, giữa chính nghĩa và phi nghĩa, là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, mang tính chất thời đại sâu sắc. Đó chính là nguồn gốc sâu xa, nguyên nhân trực tiếp, bản chất của cuộc đụng đầu lịch sử của Nhân dân ta với đế quốc Mỹ.

Tính chất của cuộc đụng đầu lịch sử này trước hết phải khẳng định rằng, đây là cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Viêt Nam chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa do đế quốc Mỹ phát động.

Đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam với thứ chủ nghĩa thực dân mới dấu mặt, trá hình, chúng sử dụng tập đoàn Nguỵ quân, Nguỵ quyền quan liêu, quân phiệt, mang nặng hận thù giai cấp, phục vụ lợi ích Mỹ, dù chúng có sơn quét màu mè gì cũng là tay sai, là công cụ thực hiện chính sách chiến tranh của Mỹ mà thôi.

Vì vậy, đối với Việt Nam chúng ta, đây là cuộc chiến tranh chính nghĩa chống xâm lược với nội dung đấu tranh giai cấp sâu sắc và quyết liệt. Cuộc kháng chiến của Nhân dân ta không chỉ nhằm hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước mà còn là giải quyết vấn đề "ai thắng ai" giữa lực lượng cách mạng và phản cách mạng. Cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới nên cuộc kháng chiến của dân tộc ta phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp diễn ra trên toàn thế giới, vì vậy rất gay go, quyết liệt và phức tạp như chúng ta đã thấy.

Cuộc kháng chiến của ta vừa mang tính giải phóng dân tộc, vừa mang tính bảo vệ miền Bắc XHCN. Sức mạnh tổng hợp được nâng lên là trong liên minh chiến đấu giữa Việt Nam với Lào và Campuchia.

Ba nước Đông Dương từng gắn bó lâu đời, cùng chung một kẻ thù, cùng một chiến hào và luôn sát cánh bên nhau đánh giặc. Toàn Đông Dương là một chiến trường, nên trong tư duy quân sự của ta luôn đặt trong một thể thống nhất, chưa bao giờ tách chiến trường Việt Nam ra khỏi chiến trường Lào và Campuchia.

Các nước trong hệ thống XHCN và lực lượng yêu chuộng hoà bình trên thế giới luôn ủng hộ và cổ vũ nhân dân Việt Nam đánh Mỹ. Cuộc kháng chiến của dân tộc ta mang tính chất thời đại sâu sắc. Vì Mỹ không chỉ đánh bại Việt Nam mà rút kinh nghiệm để đối phó với cách mạng thế giới, răn đe ảnh hưởng của cách mạng thế giới. Còn ta đánh Mỹ không phải chỉ vì ta. Như nhà thơ Tố Hữu từng nói: "Không phải vì ta ba chục triệu người, mà còn vì ba ngàn triệu trên đời".

Cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta đánh Mỹ trong một giai đoạn lịch sử đầy khó khăn thách thức. Nước ta tạm chia làm hai miền. Hai miền Nam-Bắc tuy thực hiện hai cuộc cách mạng khác nhau, nhưng là cuộc kháng chiến của cả nước do một Đảng lãnh đạo, một lãnh tụ dẫn đường, một Nhà nước tổ chức động viên toàn dân kháng chiến, một quân đội làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc. Bấy giờ nước ta là một nước nhỏ, kinh tế chậm phát triển, dân số chỉ bằng 1/6 của Mỹ, tổng sản phẩm xã hội ở miền Bắc bằng 1/1000 của Mỹ, nếu tính cả nước là 1/325 nhưng dám đương đầu với tên đầu sỏ hung bạo nhất thế giới.

Chúng ta tiến hành cuộc kháng chiến trong điều kiện quốc tế có thuận lợi mà cũng có khó khăn nghiêm trọng. Vào những năm 60 - 70, chúng ta thuận lợi là 3 dòng thác cách mạng đang ở thế tấn công, cuộc kháng chiến của ta là chính nghĩa, Đảng lãnh đạo có đường lối quốc tế đúng đắn nên tập hợp lực lượng không chỉ trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế mà còn toàn thế giới ủng hộ, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ. Khó khăn là, sự bất hoà về quan điểm, đường lối trong phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế, do lợi ích khác nhau, do chiến lược khác nhau, do ảnh hưởng khuynh hướng hoà hiệp với chủ nghĩa đế quốc, do tính vị kỷ dân tộc. Có người lo ngại chiến tranh kéo dài sẽ lây lan chiến tranh thế giới, nên có lời khuyên và có sức ép với ta, nhất là giai đoạn cuối chiến tranh. Mỹ cũng đã lợi dụng vấn đề này, đặt ra cho ta với bao khó khăn thử thách.

Cả 2 bên vừa đánh vừa tìm hiểu đối phương. Không phải ta đã hiểu hết Mỹ và Mỹ đã hiểu ta. Mỹ leo thang chiến tranh dần, thăm do Trung Quốc, Liên Xô có can thiệp không, nhân dân thế giới có đồng tình không, nhưng vấn đề lớn là Mỹ không thể hiểu hết sức mạnh của ta. Vì vậy mà Đại hội IV đã tổng kết: "Trong cuộc chiến tranh mà đế quốc Mỹ vừa đánh vừa thí nghiệm các chiến lược kỹ thuật của chúng, một cuộc chiến tranh leo thang từng bước không có tiền lệ trong lịch sử, thì việc hiểu địch hiểu ta là một quá trình ngày càng sâu hơn, sát hơn, rõ ràng hơn, chắc chắn hơn thông qua thực tế chiến đấu và diễn biến cụ thể cuộc đọ sức trên chiến trường. Trên cơ sở phương hướng chiến lược đúng, hãy làm đi rồi thực tiễn cho phép ta hiểu rõ sự vật hơn nữa".

Cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là cuộc cuộc chiến tranh cứu nước dài ngày nhất, ác liệt nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta; đã trải qua 5 giai đoạn chiến lược, mỗi giai đoạn có nội dung chiến lược riêng, phản ánh sự phát triển của cuộc kháng chiến, đánh dấu sự chuyển biến về chất của cục diện chiến tranh, để cuối cùng thực hiện bước quyết định giành thắng lợi hoàn toàn.

44 năm đã đi qua, loài người đã đi vào thiên niên kỷ mới, nhưng thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta vẫn in dấu sâu đậm trong lòng Nhân dân ta và bạn bè tiến bộ yêu chuộng hoà bình và công lý trên thế giới và vẫn mãi mãi là nguồn sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng thành công CNXH và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Văn Lãn

Lê Thùy Trang

Lần xem: 16886

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có ý nghĩa lớn nhất đối với dân tộc ta như thế nào
Go top

Bài viết khác