Antigone là gì

Antigone là gì
Thời gian đọc: 14 phút

Tóm tắt

Như nhiều vở bi kịch khác cùng thời, Antigone (khoảng 442/441 BC) của Sophocles dựa vào tích truyện có sẵn trong thần thoại Hy Lạp. Song, khi được tổ chức lại thành một tác phẩm bi kịch hoàn chỉnh để công diễn trước công chúng, tích truyện trên không đơn thuần được Sophocles bê lại nguyên xi mà đã được ông gia công, thêm bớt hoặc sửa chữa một số tình tiết. Xác định nhiệm vụ dựng lại bối cảnh lịch sử của vở kịch để từ đó mời gọi những cách tiếp cận khả hữu, trong tiểu luận này, tôi cho rằng chúng ta cần quan tâm tới cả hai bối cảnh lịch sử: bối cảnh lịch sử của bản thân nhân vật Antigone và gia đình nàng, và bối cảnh lịch sử nơi vở bi kịch Antigone được sáng tác và công diễn. Theo đó, đối với bối cảnh thứ nhất: dựa vào những nguồn tài liệu thành văn cổ xưa nhất của những nhà biên chép thần thoại Hy Lạp, chủ yếu là dựa vào các tác giả trước và cùng thời với Sophocles như Hesiod và đặc biệt là Apollodorus, những nhà biên chép thần thoại Hy Lạp lâu nay vẫn được đánh giá là nguồn tham khảo chính cho các học giả đời sau khi nghiên cứu thần thoại Hy Lạp, tôi dựng lại phả hệ của nhân vật Antigone và gia đình nàng gắn với lịch sử của thành Thebes trong thần thoại Hy Lạp; trên cơ sở đối chiếu cốt kịch Antigone của Sophocles với tích truyện này, tôi chỉ ra sự gia công thêm bớt các tình tiết của Sophocles khi trưng dụng câu chuyện này cho cốt kịch của mình. Đối với bối cảnh thứ hai: tôi dựa vào các tài liệu nguyên cấp và thứ cấp về lịch sử Hy Lạp cổ đại, đặc biệt là về thành bang Athens, để dựng lại bối cảnh chính trị, văn hoá, kinh tế cùng các sinh hoạt kịch nghệ của Athens thời Sophocles để thấy được những tương tác phức tạp đa dạng giữa bản thân tác giả và đời sống xã hội đương thời.

Như nhiều vở bi kịch khác cùng thời, Antigone (khoảng 442/441 BC) của Sophocles dựa vào tích truyện có sẵn trong thần thoại Hy Lạp. Vốn ban đầu tồn tại dưới hình thức là các câu chuyện truyền miệng được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đến giai đoạn người Hy Lạp cổ đại tạo ra được chữ viết, thần thoại Hy Lạp bắt đầu được văn bản hoá. Kể từ đây, những câu chuyện thần thoại này tất nhiên vẫn tiếp tục tồn tại ở hình thức truyền miệng nhưng đã bắt đầu được cố định hoá vào những văn bản: nó có sự gia công của những người biên chép nó, và nó được người đời sau biết đến chủ yếu qua các nguồn văn bản hoá này. Sự văn bản hoá diễn ra ở hai hình thức chủ yếu: thứ nhất là những nhà biên chép thần thoại chuyên nghiệp, tức những người có ý thức sâu sắc về công việc sưu tầm, tập hợp, biên chép và lưu giữ các câu chuyện lâu nay được truyền miệng trong dân gian; thứ hai là những kịch tác gia thông qua việc trích xuất một hoặc một số tích truyện nào đó trong kho thần thoại Hy Lạp để sân khấu hoá, đã trở thành người lưu giữ các câu chuyện này dưới hình hài mới là kịch bản của các vở kịch. Các nhà bi kịch Hy Lạp cổ đại như Aeschylus (525/524 TCN – 456/455 TCN), Sophocles (497/496 TCN – 406/405 TCN) và Euripides (480 TCN – 406 TCN) là đại diện cho nhóm thứ hai này, trong khi đó Hesiod (sống trong quãng nửa cuối thế kỉ thứ 8 TCN và nửa đầu thế kỉ thứ 7 TCN, tác giả của Thần hệ (Theogony) và Công việc và Ngày tháng (Works and Days)) và Apollodorus (sống vào quãng thế kỉ 1 TCN, tác giả của Bibliotheca [Library][1]) có thể kể đến như là những đại diện tiêu biểu nhất cho nhóm thứ nhất.

Như vậy, có thể nói rằng, trong sự tiếp nhận của công chúng Hy Lạp cổ đại, Antigone của Sophocles, vừa quen vừa lạ, vừa mang tính tập thể lại vừa thể hiện tính cá nhân cao độ khi nó được khúc xạ qua một nghệ nhân cụ thể của một thời đại cụ thể, và tồn tại trong ngôn ngữ kịch, được dàn dựng trình diễn trong một bối cảnh văn hoá – chính trị xác định. Chính bởi đặc trưng này, theo tôi, khi tiếp cận Antigone của Sophocles, chúng ta cần quan tâm tới cả hai bối cảnh: thứ nhất là phả hệ của bản thân nhân vật Antigone và gia đình nàng đi từ phiên bản thần thoại đến phiên bản bi kịch của Sophocles, và thứ hai bối cảnh lịch sử mà vở bi kịch Antigone được sáng tác và công diễn.

Dựa vào các nguồn lưu giữ được đề cập ở trên, ta có thể tóm tắt một cách ngắn gọn các tình tiết xoay quanh phả hệ của gia đình Antigone như sau: Antigone, cùng em gái Ismene và hai người anh trai tên là Eteocles và Polynices, là con của vua Oedipus và hoàng hậu Iocaste. Hoàng hậu Iocaste vốn là vợ của Laios, vua trị vì thành bang Thebes. Một lời sấm truyền từ các vị thần cảnh báo Laios không nên có con, bởi nếu có, đứa con trai ấy sẽ là thủ phạm giết cha nó. Nhưng trong một lần say rượu, Laios đã quên lời sấm truyền, ân ái với vợ, sau đó vợ ông sinh hạ một đứa bé trai. Khi đứa trẻ được sinh ra, Laios đã xâu cái khuyên vào mắt cá chân của đứa trẻ rồi đưa nó cho một người chăn gia súc để anh ta mang vứt nó đi. Nhưng khi anh ta đem vứt đứa trẻ ở đỉnh Cithairon, những người chăn gia súc của Polybos, vua của xứ Corinth, đã phát hiện ra đứa trẻ và mang về cho hoàng hậu là Periboia. Hoàng hậu đã nhận và nuôi đứa trẻ như con đẻ của mình, chữa lành mắt cá chân của cậu bé và đặt tên cậu bé là Oedipus, với ý nghĩa là “bàn chân bị sưng tấy”. Oedipus lớn lên và vượt trội về sức khoẻ so với bạn đồng lứa. Đám bạn trở nên ganh ghét và do đó đã trêu chọc mắng chửi cậu là một đứa con hoang. Oedipus chất vấn hoàng hậu Periboia về gốc gác của mình nhưng bà không chịu nói cho chàng biết sự thực, vì vậy chàng đã đi đến Delphi để cầu xin thánh thần nói cho chàng biết ai là bố mẹ thực của chàng. Thần phán bảo rằng chàng không nên quay trở lại quê hương bản quán của mình bởi nếu chàng làm vậy, chàng sẽ giết cha và ngủ với mẹ. Nghe thấy điều này, và tin rằng mình thực sự sinh ra ở nơi chàng đang sống cùng cha mẹ mình, Oediup đã rời bỏ Corinth. Trên đường đánh xe đến Phocis, chàng tình cờ gặp Laios, người cũng đang đánh xe đi trên cùng cung đường. Đường hẹp không đủ chỗ cho hai xe. Khi Polyphontes, sứ giả của Laios yêu cầu chàng nhường đường và giết chết một con ngựa của chàng bởi chàng không tuân lệnh, Oedipus đã nổi giận giết cả Polyphontes và Laios, sau đó đánh xe thẳng đến thành Thebes.

Laios được chôn cất bởi Damasistratos, vua của Plataea. Creon, con của Menoiceus và là em của hoàng hậu Iocaste, kế vị ngôi báu. Trong giai đoạn trị vì của Creon, một thảm hoạ đã giáng xuống thành Thebes. Hera đã phái con Sphinx xuống. Con Sphinx có khuôn mặt của một người phụ nữ và ngực, chân và đuôi của một con sư tử, đôi cánh của loài chim. Nó học được một câu đố từ các nữ thần Muse, và ngồi trên đỉnh Phicion, đưa câu đố cho dân thành Thebes. Câu đố như sau: “cái gì là một cá thể duy nhất, nhưng có 4 chân, rồi 2 chân, rồi 3 chân?” Lúc này người dân thành Thebes nhận được một lời sấm truyền rằng họ sẽ được giải thoát khỏi con Sphinx nếu họ giải được câu đố, vì vậy họ đã tập hợp lại và ra sức tìm kiếm lời giải cho câu đố đó. Nhưng nếu họ không tìm ra được lời giải, con Sphinx sẽ tóm lấy một người trong số đó để ăn thịt. Khi ngày càng có nhiều người đã bị chết dưới tay của con Sphinx, Creon đã tuyên bố rằng ông ta sẽ trao vương quốc lẫn người vợ goá của Laios cho người nào có thể giải được câu đố này. Khi Oedipus nghe thấy điều này, chàng đã đưa ra lời giải, nói rằng câu đố của con Sphinx trỏ con người: con người đi bằng 4 chân khi còn là đứa trẻ, nó bò trên 4 chân; đến tuổi trưởng thành, nó đi bằng 2 chân, và phải dùng đến cây gậy hỗ trợ khi đã già. Con Sphinx nghe thấy lời giải đúng đã phải bỏ trốn khỏi hoàng thành Acropolis, và Oedipus lên làm vua, đồng thời cưới bà vợ goá của cựu vương Laios mà không hay đó chính là mẹ mình. Hai người sinh hạ được hai người con trai là Polyneices và Eteocles, và hai người con gái là Ismene và Antigone.

Sau đó, khi sự thật được phơi bày, Iocaste đã treo cổ tự tử, và Oedipus thì tự móc mắt và bỏ đi khỏi thành Thebes, nguyền rủa những người con trai của mình, những người đã chứng kiến ông chịu cảnh lưu đày khỏi thành bang mà không trợ giúp cho ông điều gì. Cùng đi với ông là Antigone, hai người tới thành Colonos ở Attica, nơi toạ lạc thánh đường Eumenides. Oedipus ngồi đó như một kẻ cầu xin và nhận được sự tiếp đón thân thiện của Theseus, và chết không lâu sau đó.

Sau khi Oedius qua đời, Eteocles và Polyneices thoả thuận với nhau về ngôi báu rằng hai người sẽ thay phiên nhau cầm quyền, hết một năm lại luân chuyển cho người kia. Xung đột xảy ra khi Eteocles cầm quyền và từ chối rời bỏ ngai vàng. Polyneices là người phải lưu vong khỏi thành Thebes và chạy tới Argos, sau đó đã đem quân về tấn công thành Thebes. Trận chiến đã dẫn đến cái chết của cả hai anh em. Creon, em trai của Iocaste lúc này lên cầm quyền đã quyết định tổ chức mai táng trọng thể cho Eteocles với lí do Eteocles đã đứng về phía thành bang bảo vệ quân xâm lược, trong khi đó lại hạ lệnh phơi thây Polynices bởi chàng là người đã đem quân ngoại bang về tấn công thành quốc quê hương. Vở kịch Antigone của Sophocles bắt đầu bằng chi tiết Antigone quay trở về, quyết tâm chống lại ý chí của thành bang – đại diện là Creon, vua thành Thebes đồng thời là cậu ruột của nàng – để bảo vệ quyền được chôn cất người anh trai Polynices của nàng.[2]

Như trên đã nói, sự tồn tại và lưu truyền của thần thoại Hy Lạp là quá trình đi từ dạng thức truyền miệng đến sự văn bản hoá; do vậy, tính dị bản là một đặc trưng cố hữu của thần thoại Hy Lạp. Xung quanh câu chuyện về Antigone, ta có thể hình dung có một khung truyện cơ bản, như là sản phẩm tạo nên bởi sự xếp chồng của các phiên bản khác nhau. Phần không trùng khít giữa các phiên bản này sẽ là các dị bản. Xét về mặt thao tác khoa học, các nhà nghiên cứu trước hết sẽ tham chiếu tới các văn bản của các nhà biên chép thần thoại như Hesiod và Apollodorus, xem nó như phiên bản chính, và các phiên còn lại châu tuần và soi chiếu vào nó. Song, vai trò của các phiên bản như văn bản kịch Antigone của Sophocles cũng có tầm quan trọng rất lớn, xét trên nhiều bình diện: bình diện thời gian mà nó ra đời (xuất hiện trước Library của Apollodorus); và đặc biệt, thời đại mà Sophocles sống là thời đại của bi kịch, theo nghĩa bi kịch là một sinh hoạt văn hoá diễn ra thường niên, nơi công cộng, ở đó công chúng tắm mình trong các vở bi kịch, thế giới quan của họ được nuôi dưỡng và chịu tác động lớn lao bởi những câu chuyện mà các vở bi kịch này đem lại cho họ, mà Antigone là một trong số đó.

Điều này theo tôi đặt ra hai vấn đề cần chú ý khi đọc Antigone của Sophocles. Thứ nhất, chúng ta phải soi chiếu nó với các phiên bản khác, ở đó phiên bản của Apollodorus tạm thời được coi là phiên bản ở tâm điểm. Trên cơ sở so sánh này, chúng ta sẽ nhận ra được những chi tiết mà Sophocles đã gia công khi sân khấu hoá câu chuyện của thần thoại Hy Lạp, từ bình diện cốt truyện cho đến ngôn ngữ nhân vật, từ đó góp phần đọc ra các tầng nghĩa khác nhau của vở kịch. Thực hiện thao tác này, chúng ta có thể nhận thấy, trên bình diện cốt truyện, Sophocles đã biến đổi một chi tiết rất quan trọng liên quan tới các hành động xoay xung quanh bi kịch Antigone: đó là mối tình và kết cục số phận của nàng và vị hôn thê Haemon, con trai của Creon. Trong phiên bản của Apollodorus, Haemon là một trong số các nạn nhân chết dưới tay con Sphinx[3], và ta có thể suy luận rằng hẳn cái chết của Haemon là lí do chính khiến Creon phải đi đến quyết định ra thông báo treo thưởng cao (trao vương quốc lẫn người vợ goá của Laios) cho bất kì ai giải được câu đố của con Sphinx để cứu thành bang.

Như vậy, trong phiên bản của Apollodorus, Haemon đã chết trước khi diễn ra câu chuyện xoay quanh Antigone. Khi dàn dựng vở kịch, Sophocles đã để cho Haemon còn sống và trở thành vị hôn phu của Antigone. Chàng đã kịch liệt chống lại việc Creon trừng phạt Antigone, quyết bảo vệ Antigone, bảo vệ tình yêu của mình, và cuối cùng đã tự tử để chết cùng với Antigone.[4] Những tranh cãi giữa chàng và Creon, những đấu tranh của chàng nhằm bảo vệ tình yêu, bảo vệ lựa chọn của Antigone đã góp phần đẩy cao độ căng của bi kịch giữa một bên là ý chí, quyền lợi và luật thế tục của thành bang mà Creon là đại diện, với bên kia là dục năng của cá nhân, sức mạnh của luật thánh thần hiện thân trong tục lệ của cộng đồng liên quan tới các vấn đề huyết thống, gia đình và nghi lễ đối với người chết. Đồng thời, xét về mặt ngôn ngữ kịch, nó cũng là không gian cho nhà bi kịch có thể thể hiện tối đa sự dụng công của mình thông qua việc trình diễn năng lực ngôn ngữ và việc xây dựng xung đột kịch thể hiện ở các màn đối thoại giữa các nhân vật.[5] Những chi tiết này đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên các đặc trưng thể loại của bi kịch.[6]

Thứ hai, tôi cho rằng khi tiếp cận vở kịch này, chúng ta cần quan tâm tới bối cảnh mà nó được dàn dựng. Nói cách khác, chúng ta cần quan tâm tới thời đại của Sophocles, bởi bất kì sự cải biên hay gia công nào của kịch tác gia dựa trên nền là tích truyện trong thần thoại cổ cũng đều xuất phát từ thế đứng, điểm nhìn của anh ta. Đến lượt nó, thế đứng và điểm nhìn này của kịch tác gia lại không thể thoát khỏi được sự chi phối của các ý thức hệ của thời đại mà anh ta đang sống. Điều này là đặc biệt quan trọng bởi các buổi công diễn bi kịch đóng vai trò rất lớn trong sinh hoạt chính trị, văn hoá của thành bang Athens; nhiều bình diện của bi kịch giúp người đời sau hiểu sâu thêm các khía cạnh của xã hội Hy Lạp cổ đại.[7] Bên cạnh đó, cuộc đời của Sophocles trùng với giai đoạn cầm quyền của Pericles (495 – 429 BC), chính khách quan trọng có dấu ấn vô cùng đặc biệt đối với sự phát triển lên đến đỉnh cao của nền dân chủ chủ nô Hy Lạp.[8] Hơn nữa, Sophocles không chỉ là một kịch tác gia, ông còn là một người tham gia rất sâu vào đời sống chính trị đương thời: là con trai của một ông chủ nhà máy sản xuất vũ khí giàu có; từng đảm đương ít nhất ba chức vụ quan trọng trong chính quyền Athens; từng có nhiệm kì xuất sắc phục vụ dưới triều Pericles; từng giữ vai trò quản lí ngân khố cho thành bang; từng là tướng cầm quân trong cuộc chiến tranh giữa Athens và Samos (440 – 439 BC) (có nguồn tư liệu nói rằng ông được bổ nhiệm vị trí tướng cầm quân này là do người dân Athens đặc biệt yêu thích và đánh giá cao vở bi kịch Antigone của ông).[9] Điều này có nghĩa rằng những vọng âm của thời đại không thể không để lại dấu ấn trong các sáng tác bi kịch của ông, trong đó có vở Antigone: những bước chuyển của Athens từ mô hình thiết chế chịu ảnh hưởng lớn của các đại gia đình thuộc tầng lớp quý tộc sang một mô hình ngày càng mang màu sắc dân chủ hướng tới đề cao vai trò của quần chúng và sự tuân thủ, lòng trung thành với thành bang thay vì sự chi phối của các dòng họ quý tộc, tuy vẫn nằm trong khung khổ của nền dân chủ chủ nô; mối quan hệ giữa công dân và thành bang, giữa luật của thánh thần và luật của thành bang trong sự liên đới với các quan niệm về luật pháp, đạo đức, tôn giáo, giới/phái tính đương thời,…

Tóm lại, Antigone là một vở kịch với nhiều tầng nghĩa mà cho đến nay người ta vẫn chưa thôi tranh cãi về các vấn đề mà nó đặt ra. Do vậy, dù tiếp cận vở kịch này dưới góc độ nào, người ta cũng không thể bỏ qua bối cảnh lịch sử không chỉ của bản thân câu chuyện về Antigone và gia đình nàng như đã được các nhà biên chép thần thoại Hy Lạp ghi lại, mà còn là bối cảnh thời đại mà Sophocles đã sống trải và sáng tác nên vở bi kịch này.

Lê Nguyên Long

(Tranh: Antigone leads Oedipus out of Thebes của Charles Francois Jalabert)

[1] Cần phân biệt Apollodorus này, sống quãng thế kỉ 1 TCN, nhà biên chép thần thoại, tác giả của Library, với Apollodorus ở Athens, nhà ngữ pháp học sống ở thế kỉ 2 TCN. Suốt một thời gian dài, người ta đã có sự nhầm lẫn, cho rằng Apollodorus tác giả của Library ghi chép lại các câu chuyện trong thần thoại Hy Lạp cũng chính là Apollodorus (sinh 180 TCN – mất quãng sau 120 TCN), con trai của Asclepiades, học trò của Diogenes, quê ở Athens, là một nhà ngữ pháp học, nhà sử học, tác giả của Chronicle, một biên niên sử bằng thơ về Hy Lạp từ thời điểm thành Troy thất thủ vào thế kỉ 12 TCN cho đến quãng năm 143 TCN. Mãi cho đến năm 1873 khi Carl Robert xuất bản một công trình nghiên cứu về Library của Apollodorus, chỉ ra rằng một số chi tiết có tính biên niên trong công trình này có liên hệ với một số sự kiện và nhân vật sinh sống ở quãng giữa thế kỉ 1 TCN, từ đó ông kêu gọi phải có sự quan tâm nghiêm túc đến vấn đề tác giả đích thực của Library, thì vấn đề mới trở nên rõ ràng. Từ thời điểm này, người ta không còn quy Apollodorus, nhà biên chép thần thoại, tác giả của Library, vào Apollodorus nhà ngữ pháp học và sử học (thường được gọi là Apollodorus of Athens) nữa. Để tiện phân biệt, người ta thường gọi Apollodorus tác giả của Library là Pseudo-Apollodorus, hoặc đơn giản gọi là Apollodorus tác giả của Library, phân biệt với Apollodorus ở Athens.

[2] Về phả hệ gia đình Oedipus và rộng hơn là câu chuyện về thành Thebes, có thể tham khảo: Apollodorus, The Library of Greek Mythology, a new translation with an introduction and notes by Robin Hard, Oxford University Press, Oxford, 1997, tr. 96-107; Robin Hard, The Routledge Handbook of Greek Mythology (Partially based on H. J. Rose’s A Handbook of Greek Mythology), [1st edition in 1928 by Methuen & Co. Ltd.] 8th ed., Routledge, New York, 2020, tr. 331-372; William Smith (ed.), Dictionary of Greek and Roman Biography and Mythology, (3 vols), James Walton and John Murray, London, 1859, các mục từ “Antigone,” “Oedipus,” “Thebes.”

[3] Apollodorus, tr. 106.

[4] Sophocles, Antigone, trong Bi kịch Hi Lạp, Hoàng Hữu Đản giới thiệu, biên dịch và chú thích, Nxb. Giáo dục, Hà Nội 2007, tr. 214-218.

[5] Ngôn ngữ kịch và ngôn ngữ nói chung cũng là một khía cạnh rất quan trọng để tìm hiểu sự gia công này của Sophocles. Trong bài viết ngắn này, tạm thời tôi chỉ bàn về sự gia công của Sophocles trên bình diện cốt truyện.

[6] Về các cải biên của Sophocles so với các phiên bản thần thoại khác về phả hệ gia đình Antigone, có thể tham khảo phần “Introduction” với rất nhiều phân tích chi tiết, công phu của của J. C. Kamerbeek trong J. C. Kamerbeek, The Plays of Sophocles. Commentaries, Part III: The Antigone, E. J. Brill, Leiden, 1978, tr. 1-36.

[7] Về bối cảnh và sự phát triển của bi kịch Hy Lạp cổ đại, có thể đọc: Edith Hall, Greek Tragedy: Suffering under the Sun, Oxford University Press, Oxford, 2010; P. E. Easterling (ed.), The Cambridge Companion to Greek Tragedy, Cambridge University Press, Cambridge, 1997.

[8] Về thời đại Pericles, có thể đọc: Loren J. Samons II (ed.), The Cambridge Companion to the Age of Pericles, Cambridge University Press, Cambridge, 2007.

[9] Về cuộc đời của Sophocles và thời đại của ông trên các sinh hoạt văn hoá, chính trị, tôn giáo, phái tính của Athens cổ đại, có thể đọc: Charles Segal, Sophocles’ Tragic World: Divinity, Nature, Society, Harvard University Press, Cambridge, Massachusetts, 1995; Andreas Markantonatos (ed.), Brill’s Companion to Sophocles, Brill, Leiden, 2012; Kirk Ormand (ed.), A Companion to Sophocles, Blackwell Publishing Ltd., UK, 2012; Michael Vickers, Sophocles and Alcibiades: Athenian Politics in Ancient Greek Literature [2008], Routledge, London and New York, 2014.

Bio

Lê Nguyên Long lấy bằng Thạc sĩ chuyên ngành Văn học nước ngoài năm 2004 tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, và hiện đang làm Nghiên cứu sinh, tập trung nghiên cứu tác giả Edgar Allan Poe của văn học Mỹ. Từ 2005 đến nay, ông là giảng viên Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, đã và đang phụ trách các học phần: "Văn học Hi Lạp - La Mã cổ đại và Phục hưng phương Tây"; “Văn học Bắc Mỹ - Mỹ Latin”, “Nhập môn văn học so sánh”, “Toàn cầu hoá và văn học di dân từ đầu thế kỷ XX đến nay”,… Trong khi chủ yếu giảng dạy và nghiên cứu với tư cách là chuyên gia được đào tạo trong lĩnh vực văn học phương Tây, đặc biệt là văn học Mỹ, gần đây, ông mở rộng mối quan tâm học thuật của mình tới mối quan hệ giữa Việt Nam và phương Tây từ thời kỳ thuộc địa tới giai đoạn chiến tranh Đông Dương cho đến kỷ nguyên toàn cầu hoá hiện nay. Ông quan tâm tới các chủ điểm lí thuyết như lí thuyết hậu thuộc địa, nghiên cứu dịch thuật, lí thuyết chủ thể, và tâm phân học Lacan.