Tốc độ giao dịch của Bitcoin

và các giao dịch liên quan đến tiền kỹ thuật số ngày càng phát triển tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của Blockchain1 và các xu hướng công nghệ mới trên toàn cầu. Tốc độ tăng giá nhanh, lợi nhuận cao của đồng tiền kỹ thuật số là yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư, song rủi ro cũng phức tạp và khó lường. Điều này làm cho các quốc gia trên thế giới đã bắt đầu thành lập cơ quan quản lý, giám sát mới và những quy định về quản lý giao dịch liên quan đến Bitcoin2 nói riêng và các đồng tiền kỹ thuật số nói chung. Mặc dù có nhiều quan điểm khác nhau về sự tồn tại và phát triển của tiền kỹ thuật số trong tương lai, tuy nhiên với mức độ quan tâm đầu tư ngày càng lớn trên thị trường Việt Nam, việc nghiên cứu, nắm bắt, đúc rút kinh nghiệm của các nước để quản lý tiền kỹ thuật số tại Việt Nam là gợi ý quan trọng để vừa bắt nhịp với xu hướng toàn cầu, vừa phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư và nền kinh tế.

Từ khóa: Tiền kỹ thuật số; Bitcoin, token, coins, rủi ro liên quan tiền kỹ thuật số, quy định quản lý giao dịch tiền kỹ thuật số.

Cryptocurrency (digital or virtual currency) and cryptocurrency-related transactions have been more popular in many countries, including Vietnam due to the strong development of Blockchain and new global technology trends. The rapidly-increasing prices, the high profitability of cryptocurrency are attractive factors for investors, but the risks become more and more complex and unpredictable. Thus, many countries have to set up new supervisory organizations and regulations in order to control Bitcoin in particular and crypto-coins in general. Although there are different perspectives on the existence and development of cryptocurrency in the future; however, with the highly-growing interest of cryptocurrency investment in the Vietnamese market, it is necessary to do research and learn from international experience in managing cryptocurrency. It should be suitable and important suggestions for Vietnam to keep pace with the global trend as well as preventing and mitigating risks for investors and the whole economy.

Keywords: Cryptocurrency, Bitcoin, token, coins, risks associated with cryptocurrency, regulations on cryptocurrency transactions.

1. Khái niệm và đặc tính ưu việt của tiền kỹ thuật số so với tiền điện tử, tiền ảo

Theo ngân hàng trung ương (NHTW) châu Âu, tiền kỹ thuật số là loại tiền không được phát hành hay quản lý bởi NHTW hay tổ chức công mà được phát hành qua những người phát triển phần mềm, đồng thời là người kiểm soát hệ thống; được sử dụng và chấp nhận thanh toán, dự trữ và mua bán trên phạm vi toàn cầu, có giá trị tương đương tiền thật và có thể chuyển đổi ra tiền pháp định và ngược lại.

Tiền điện tử là giá trị tiền tệ được lưu trữ trong một thiết bị điện tử như thẻ chíp hoặc ổ cứng máy tính cá nhân.

Tiền ảo là loại tiền được phát hành bởi những người phát triển phần mềm và được sử dụng trong môi trường thế giới ảo (chẳng hạn game online) và không thể quy đổi ra tiền pháp định (nếu có ở điều kiện và phạm vi rất hạn chế).

Hiện nay, ở Việt Nam và một số nước trên thế giới, Bitcoin cũng như một số loại tiền kỹ thuật số khác được dịch ra tiếng Việt với khái niệm tiền ảo. Tuy nhiên, thực chất tiền ảo hoàn toàn khác tiền kỹ thuật số. Sự nhầm lẫn trong việc sử dụng các thuật ngữ tiền kỹ thuật số, tiền điện tử và tiền ảo là do ranh giới phân định giữa các loại tiền này khá nhỏ. Trong đó, ranh giới phân biệt tiền điện tử và tiền ảo khá rõ nhờ các tiêu chí về nhà phát hành, phạm vi chấp nhận, chức năng dự trữ giá trị…, song việc phân biệt tiền kỹ thuật số với tiền điện tử và tiền ảo lại khá khó khăn khi tiền kỹ thuật số nằm ở “phần giao” giữa hai loại tiền còn lại. Tiền kỹ thuật số có gốc là tiền ảo nhưng ngày càng có những đặc tính giống và ưu việt hơn tiền ảo và tiền điện tử. Một số điểm khác biệt lớn và ưu việt của tiền kỹ thuật số so với tiền ảo là: (i) Mức độ an toàn và sự tin cậy cao nhờ công nghệ Blockchain; (ii) Có thể quy đổi ra tiền thật. Đây là ưu điểm nổi trội nhất của tiền kỹ thuật số so với tiền ảo; (iii) Có thể trở thành công cụ thanh toán ở phạm vi rộng nhờ sự phát triển của giao dịch thứ cấp. So với tiền điện tử, tiền kỹ thuật số cũng có sự ưu việt hơn bởi khả năng lưu trữ dưới dạng điện tử và chi phí giao dịch rất thấp. (Bảng 1).

Bảng 1. Đặc tính ưu việt của tiền kỹ thuật số so với tiền điện tử, tiền ảo

 

Đặc điểm

Tiền điện tử

Tiền ảo

Tiền kỹ thuật số

Dạng lưu trữ

Vật lý

Điện tử

Điện tử

Đơn vị đo lường

Đơn vị tiền pháp định

Không có đơn vị tiền pháp định

Không có đơn vị tiền pháp định (trừ khi được NHTW phát hành/quy định

Sự quản lý của NHTW/Chính phủ hoặc quốc gia cụ thể

Có (do được phát hành bởi tổ chức tiền điện tử được thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật)

Không (do được phát hành bởi công ty phi tài chính thuộc khu vực tư nhân)

Không có đơn vị tiền pháp định (trừ khi người phát hành là NHTW)

Đặc điểm giao dịch

Tập trung

Phi tập trung

Phi tập trung

Cung tiền

Cố định

Không cố định (tùy thuộc vào quyết định của nhà phát hành)

Không cố định (tùy thuộc vào quyết định của nhà phát hành hoặc NHTW)

Khả năng quy đổi ra tiền thật

Ít, ở điều kiện và phạm vi rất hạn chế

Gắn với quyền truy đòi, có giá trị nội tại

Có (được đảm bảo bằng mệnh giá)

Không

Không (trừ khi người phát hành là NHTW)

Là công cụ thanh toán

Có, phạm vi rộng nhờ uy tín của nhà phát hành

Hạn chế, giới hạn ở phạm vi của một hay một nhóm nhỏ công ty

Có, phạm vi rộng nhờ sự phát triển của giao dịch thứ cấp

Mức độ an toàn và nhận sự tin cậy của công chúng

Cao (nhờ người phát hành)

Thấp

Cao (nhờ nền tảng công nghệ Blockchain)

Khả năng tiếp cận

Phạm vi toàn cầu

Cộng đồng ảo nhất định

Phạm vi toàn cầu

Chi phí giao dịch

Cao

Thấp

Rất thấp

Biến động rủi ro

Thấp (chủ yếu là rủi ro hoạt động)

Không xác định

Cao (rủi ro pháp lý, thị trường kỹ thuật, hoạt động)

Nguồn: Bank for International Settlements (2017)

2. Sự ra đời, phát triển và triển vọng của tiền kỹ thuật số

Tiền kỹ thuật số được ra đời dựa trên cơ sở công nghệ Blockchain. Đó là sự kết hợp giữa các loại mã khóa công khai và mạng chia sẻ ngang hàng để tạo ra một loại tài sản khan hiếm. Nhìn chung, tiền kỹ thuật số được tạo ra bằng các cách sau: (i) Hoạt động đào tiền kỹ thuật số của con người - dùng hệ thống máy tính để giải các thuật toán ngày một phức tạp; (ii) Do các lập trình viên/kỹ sư hệ thống tạo ra. Thực tế không tồn tại đồng tiền kỹ thuật số dưới dạng vật lý, người sở hữu tiền kỹ thuật số là đang sở hữu các khóa mã hóa lưu trữ trên máy tính, đĩa cứng gắn ngoài, hay được in ra trên giấy. Những khóa mã này sẽ cho phép người sở hữu sử dụng số dư tiền kỹ thuật số tương tự như sử dụng số dư trên tài khoản ngân hàng trực tuyến, điểm khác biệt là người sở hữu không thể rút tiền kỹ thuật số ra khỏi mạng lưới như rút tiền từ tài khoản ngân hàng. Tính đến tháng 5/2018 đã có 1.604 loại tiền kỹ thuật số khác nhau với tổng mức vốn hóa là 375,5 tỷ USD; khối lượng giao dịch trong vòng 24 giờ của thị trường tiền kỹ thuật số đã vượt mốc 50 tỷ USD (ngày 20/12/2017) - tương đương với giá trị giao dịch trung bình/ngày của thị trường chứng khoán New York năm 2017.

Hiện nay, trên thị trường thế giới có nhiều ý kiến trái ngược về triển vọng phát triển của tiền kỹ thuật số. Trường phái lạc quan cũng có quan điểm khác nhau về việc phân định tiền kỹ thuật số là tiền tệ số hay tài sản số. Còn theo quan điểm tiền tệ, tiền kỹ thuật số đang trở thành đồng tiền dự trữ cho một nền kinh tế tiền ảo rộng lớn hơn (tương tự vai trò đồng USD trong nền kinh tế thực). Quan điểm ngược lại cho rằng, với sự phức tạp và rủi ro lớn, số lượng hạn chế, nhiều lãnh đạo và nhà quản lý, đầu tư giàu kinh nghiệm đã lên tiếng cảnh báo về việc Bitcoin và các đồng tiền sẽ tiếp tục bị nhiều nước không chấp nhận hoặc cấm đoán và có thể tự biến mất trong vòng vài thập kỷ nữa…

Mặc dù có sự tồn tại các quan điểm khác nhau về sự tồn tại của tiền kỹ thuật số, song thực chất tiền kỹ thuật số không phải là tiền tệ, do không có đầy đủ chức năng cùa tiền tệ nhưng có thể coi là phát minh của nhân loại, là sản phẩm tài chính dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại (công nghệ Blockchain). Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ theo xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tiền kỹ thuật số được phát minh ngày càng nhiều. Trong trường hợp 1 loại tiền kỹ thuật số có thể thoái trào hoặc biến mất sẽ được thay thế bằng các đồng tiền kỹ thuật số có ưu thế tốt hơn.

Xu hướng tồn tại và phát triển của tiền kỹ thuật số sẽ được khẳng định bởi những yếu tố sau: (i) “Khả năng đầu tư” với sự tăng giá và kỳ vọng lợi nhuận cao của tiền kỹ thuật số. Khối lượng giao dịch trung bình hiện nay của các loại tiền kỹ thuật số đạt 11 - 12 tỷ USD/ngày; (ii) Phạm vi sử dụng tiền kỹ thuật số ngày càng mở rộng bởi khả năng giải quyết các giao dịch xuyên biên giới, thanh toán toàn cầu với chi phí thấp, ít rủi ro, nhanh chóng và không thay đổi với giá trị bất kỳ. Hiện nay, một số tổ chức tài chính lớn như Goldman Sachs, Barclays hay NHTW Anh cũng đang thử nghiệm áp dụng các đồng tiền kỹ thuật số như Bitcoin, Ripple hay Ethereum để thay thế cho các phương thức thanh toán truyền thống. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, công nghệ tài chính sẽ giúp tái cấu trúc kinh tế, tài chính toàn cầu đến năm 2040, theo đó trong tương lai, tiền kỹ thuật số sẽ ngày càng được ưa chuộng hơn khi các tổ chức sử dụng Blockchain để nâng cao năng lực xử lý thanh toán. Theo báo cáo Fintech toàn cầu 2017, 55% công ty được khảo sát có kế hoạch ứng dụng Blockchain trong năm 2020, tỷ lệ này lên tới 77% vào năm 2020; (ii) Bitcoin và tiền kỹ thuật số có thể được xem như khoản đầu tư thay thế góp phần giảm rủi ro tổng thể của danh mục và giúp vượt qua biến động thị trường hiệu quả hơn; (iv) Tỷ số Sharpe*3 cao hơn so với các loại tài sản khác: Tiền kỹ thuật số thực sự có tỷ lệ Sharpe cao hơn so với các tài sản tài chính khác, như chứng khoán hay các khoản đầu tư tài chính phái sinh.

Trường hợp của đồng Bitcoin và sự xuất hiện của các đồng tiền kỹ thuật số ưu thế hơn Bitcoin đã minh chứng cho xu hướng tồn tại và phát triển của tiền kỹ thuật số. Đồng tiền Bitcoin được phát minh bởi Satoshi Nakamoto - lập trình viên 36 tuổi đến từ Nhật Bản, vào ngày 03/01/2009 và trở thành loại tiền kỹ thuật số đầu tiên giải quyết được vấn đề thanh toán trùng. Hiện tại, cứ 10 phút có 12,5 Bitcoin được cấp phát ra. Đến nay, số lượng Bitcoin đã phát hành ra là 11 triệu và sẽ đạt mức tối đa là 21 triệu vào năm 2140. Năm 2013, máy Bitcoin ATM đầu tiên trên thế giới được vận hành tại Canada. Về giá trị của đồng Bitcoin, tại thời điểm năm 2009, đồng Bitcoin có giá trị rất thấp (khoảng 0,35 USD) sau đó tăng dần từ 1 USD (tháng 4/2011) lên 19.500 USD (tháng 12/2017), đồng thời Bitcoin cũng có sự biến động giá rất mạnh. Lợi nhuận, tốc độ tăng trưởng nhanh và kỳ vọng tăng giá của đồng Bitcoin trong điều kiện tổng cung hạn chế (giới hạn 21 triệu đơn vị, hiện đang có 16,9 triệu đơn vị đang lưu hành) chính là yếu tố thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư trên thị trường thế giới. Từ mức giá 200 USD (năm 2015), đến tháng 12/2017, Bitcoin đã tăng gấp 100 lần lên 20.000 (ngày 17/12/2017). Tuy nhiên, sau đó Bitcoin đã liên tục điều chỉnh giảm xuống mức thấp nhất là 6.200 USD (tháng 01/2018), tính đến tháng 6/2018, Bitcoin đã giảm 66,6% so với mức đỉnh, hiện đang giao dịch quanh mức 6.600 - 7.000 USD. Bitcoin là đồng tiền kỹ thuật số đầu tiên và phổ biến nhất với mức vốn hóa lớn nhất thị trường. Tính đến ngày 22/6/2018, mức vốn hóa thị trường của Bitcoin, đạt khoảng 114,1 tỷ USD (chiếm 37,6% thị phần). Về triển vọng của Bitcoin, nhiều dự báo cho rằng đồng tiền này sẽ thoái trào do nguồn cung được định sẵn và ngày càng cạn kiệt. Bên cạnh đó, chi phí “đào” ngày càng tăng do gia tăng tiêu hao năng lượng, thời gian và công sức hơn để giải mã. Tiền điện là chi phí lớn nhất, thậm chí tiền điện có thể ngang bằng với giá trị tiền “đào” được, mỗi giao dịch Bitcoin sử dụng 271 KWh điện bằng 1 hộ gia đình của Hoa Kỳ dùng trong 9 ngày và đang trở thành yếu tố tác động xấu tới môi trường.

Một vài đồng tiền kỹ thuật số khác cũng đang thu hút các nhà đầu tư nhờ tính năng bảo mật và ẩn danh hơn so với Bitcoin. Đó là đồng Ethereum - đồng tiền được dự báo sẽ soán ngôi của Bitcoin vì mạnh mẽ và linh hoạt hơn rất nhiều (Ethereum có thể xử lý 13 giao dịch mỗi giây, trong khi đó mỗi giao dịch Bitcoin cần trung bình 30 phút hoặc nhiều hơn do nhiều máy tính tham gia vào mạng lưới). Đặc biệt, khác với Bitcoin, Ethereum xuất hiện không phải để thay thế đồng tiền truyền thống mà đơn giản để giúp các giao dịch bảo mật hơn trên hệ thống Blockchain. Được ra đời dưới dạng tài trợ đám đông để gọi vốn cho các dự án khởi nghiệp với 11,9 triệu Ethereum được đào sẵn và bán cho các nhà tài trợ, Ethereum được sử dụng trong các hợp đồng thông minh, mức giá cao nhất đạt 1.153 USD (tháng 01/2018) và hiện đang đứng thứ hai về giá trị vốn hóa, chiếm khoảng 18,4% thị phần (ngày 22/6/2018). Đồng Ethereum cũng là đồng tiền tăng giá mạnh nhất lên tới 1.400% vào tháng 5/2017.

Đứng thứ ba về vốn hóa là đồng tiền Ripple. Đây là đồng tiền hứa hẹn tạo ra sự chuyển biến mạnh trong hệ thống thanh toán quốc tế, có thể thay thế mạng chuyển tiền quốc tế SWIFT, do chi phí rất thấp, nhanh chóng (hoàn tất giao dịch trong 1 giây), tính tương thích cao.

Xếp thứ tư là đồng Bitcoincash được tách ra từ đồng Bitcoin để khắc phục những hạn chế về công nghệ của Bitcoin, tuy nhiên, tốc độ tăng giá của Bitcoincash không bằng Bitcoin và giá trị vốn hóa khoảng 5%.

Vị trí thứ 5 là đồng Litecoin - đối thủ chính gần nhất của Bitcoin xét về công dụng với ưu điểm nổi trội như: Thanh toán nhanh hơn và cho phép thực hiện nhiều giao dịch hơn. Các thế hệ đồng tiền kỹ thuật số tiếp theo là Monera và Dash sử dụng công nghệ mã hóa tiên tiến hơn, cho phép giấu toàn bộ danh tính người dùng và giá trị của giao dịch.

Bảng 2. Top 10 loại tiền kỹ thuật số có vốn hóa lớn nhất (đến ngày 22/6/2018)

 

STT

Tên loại tiền kỹ thuật số

Thị giá (USD)

Tổng cung giao dịch (đơn vị)

Giá trị vốn hóa (nghìn USD)

Tỷ trọng vốn hóa (%)

Tổng cung giới hạn (triệu đơn vị)

1

Bitcoin

6672,27

17.108.050

114.149.528

42,14

21

2

Ethereum

516,19

100.227.745

51.736.259

19,10

Không xác định

3

Ripple

0,526

32.245.304.677

20.646.278

7,62

100.000

4

Bitcoin Cash

850,74

11.196.913

14.630.135

5,40

21

5

Litecoin

93,83

57.085.278

5.356.225

1,98

84

6

Stellar

0,224

18.759.433.711

4.212.618

1,55

100.000

7

Cardano

0,153

25.927.070.538

3.976.227

1,47

45

8

IOTA

1,13

2.779.530.283

3.146.344

1,16

2.800

9

NEO

36,67

65.000.000

2.383.231

0,88

100

10

Dash

257,54

8.146.986

2.098.166

0,77

18,9

Nguồn: https://coinmarketcap.com/coins/

3. Rủi ro liên quan đến tiền kỹ thuật số và Bitcoin

Rủi ro thị trường

Đồng Bitcoin cũng như các đồng tiền kỹ thuật số khác được đánh giá không có giá trị kinh tế thực chất bởi giá cả dựa trên sự suy đoán và kỳ vọng vì các tiền kỹ thuật số sẽ có giá trị trong tương lai. Đồng thời đồng Bitcoin có sự biến động mạnh về giá do hiện tượng “thổi giá” hoặc đầu cơ tạo thành “bong bóng” hoặc sụt giảm mạnh, đặc biệt khi có những bất ổn trong nền kinh tế thực.

Rủi ro pháp lý

Sự công nhận/không công nhận hay cấm đoán của một tổ chức/quốc gia sẽ làm cho giá của đồng kỹ thuật số biến động ngay lập tức. Theo Tạp chí The Economist, tiền kỹ thuật số chưa phù hợp để trở thành một loại tiền thế hệ mới, cho dù Bitcoin và một số loại tiền kỹ thuật số đã và đang được sử dụng như trung gian thanh toán ở một số quốc gia.

Rủi ro liên quan đến các hoạt động phi pháp ảnh hưởng đến sự minh bạch trong đầu tư

Do chi phí giao dịch thấp, quản lý phi tập trung, không cần trung gian thứ ba, không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan tổ chức nào, bảo mật cao nhưng lại ẩn danh, nên tiền kỹ thuật số được sử dụng cho các giao dịch bất hợp pháp, trốn thuế cũng như trở thành mục tiêu hấp dẫn của tin tặc. Chính bởi đặc tính biến động mạnh, đồng Bitcoin ngày càng hấp dẫn người chơi mạo hiểm, nhất là nhà đầu tư không am hiểu về tài chính, công nghệ; cùng với đó, sự biến tướng của một số sàn giao dịch tiền kỹ thuật số, tiền ảo theo mô hình bán hàng đa cấp, các hành vi lừa đảo có thể dẫn đến mất mát tài sản thực.

Rủi ro kỹ thuật

Hoạt động giao dịch mua bán tiền kỹ thuật số phụ thuộc vào hệ thống công nghệ thông tin, do vậy nguy cơ mất an toàn dữ liệu khi sàn giao dịch bị sập hoặc mất cắp luôn hiện hữu, cũng như gây khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động của các loại tiền ảo này.

Rủi ro đối với chính sách tiền tệ

Do không có bên thứ ba quản lý nên khó có thể xác định hướng di chuyển của các đồng tiền kỹ thuật số. Vì vậy, các NHTW sẽ mất đi công cụ để thực thi chính sách tiền tệ và thanh toán nếu chấp nhận lưu thông loại tiền này.

Rủi ro đối với các trung gian tài chính

Sự phát triển của công nghệ trong ngành Tài chính, các cộng đồng tiền số, tiền kỹ thuật số và các phương thức giao dịch, thanh toán hiện đại có thể thay thế các phương thức giao dịch, thanh toán truyền thống với chi phí thấp, nhanh chóng dựa trên nền tảng internet. Đồng thời cũng làm thay đổi thói quen tiêu dùng của khách hàng và nhà đầu tư, theo đó khách hàng (người dùng Bitcoin) có thể tự xử lý các giao dịch hằng ngày mà không cần tương tác với ngân hàng, điều này ảnh hưởng ngày càng lớn tới thu nhập, lợi nhuận của các ngân hàng/trung gian tài chính. Mặt khác, việc các quốc gia thực hiện chính sách cấm đoán các đồng tiền kỹ thuật số sẽ tạo ra rủi ro cho các tổ chức trung gian tài chính chấp nhận các đồng tiền này.

Để ứng phó và phòng ngừa các rủi ro liên quan đến giao dịch tiền kỹ thuật số, tiền ảo, tài sản ảo, cần có các chế tài liên quan đối với tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo như các quy định quản lý sàn giao dịch (bao gồm: Xác minh danh tính, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, thu thuế); quản lý hoạt động ICO4 (hình thức huy động vốn từ cộng đồng thông qua việc phát hành đồng tiền kỹ thuật số mới bằng việc bán các tokens5) và các quy định bảo vệ người tiêu dùng. Đối với NHTW, cần có nghiên cứu và ứng xử phù hợp với sự xuất hiện và phát triển tiền kỹ thuật số bởi đó là một phần của cuộc “cách mạng tương lai” trong lĩnh vực tài chính. Đối với các trung gian tài chính, việc tăng cường áp dụng các phương thức giao dịch hiện đại, áp dụng công nghệ trong các sản phẩm dịch vụ là lựa chọn quan trọng để có thể đảm bảo thu nhập, lợi nhuận và khả năng cạnh tranh, hạn chế rủi ro.

4. Kinh nghiệm của các quốc gia và thông lệ quốc tế trong quản lý tiền kỹ thuật số và giao dịch liên quan đến tiền kỹ thuật số

Nghiên cứu kinh nghiệm của 14 quốc gia trên thế giới6 cho thấy, dù có quan điểm khác nhau về bản chất pháp lý của tiền kỹ thuật số, song đa số (9/14 quốc gia và vùng lãnh thổ) có xu hướng chấp nhận tiền kỹ thuật số với mức độ chấp nhận khác nhau (từ táo bạo, tiên phong tới thận trọng và cấm chặt chẽ) và 5/14 quốc gia có xu hướng ngăn cấm, do lo ngại về tình trạng đầu cơ, rủi ro tiềm ẩn cho các nền kinh tế.

Nhóm quốc gia tiên phong, cởi mở đã ban hành, áp dụng khá nhiều quy định tạo điều kiện cho các hoạt động liên quan đến tiền kỹ thuật số (Nhật Bản, Australia, Canada, Thụy Sỹ)

Các quốc gia này đã công nhận tiền kỹ thuật số là phương tiện thanh toán hợp pháp/hàng hóa và sử dụng các quy định sẵn có/ban hành các quy định mới để quản lý sàn giao dịch, bảo vệ công dân như: Luật Dịch vụ thanh toán sửa đổi năm 2016; Luật Ngăn chặn chuyển tiền do phạm tội mà có; quy định cưỡng chế các sàn giao dịch để duy trì vốn dự trữ, giữ vốn cho khách hàng và thi hành xác minh danh tính; hướng dẫn về ICO và các chính sách để bảo vệ các công dân và khuyến khích đầu tư (Nhật Bản7); xây dựng “Quy tắc ứng xử của ICO” (Thụy Sỹ); Luật Chống rửa tiền và Tài trợ khủng bố; áp thuế đối với giao dịch tiền kỹ thuật số tương tự như đánh thuế đối với hoạt động đầu tư vốn; áp dụng pháp luật về chứng khoán đối với các hoạt động ICO; cho phép giao dịch các loại cổ phiếu liên quan đến tiền kỹ thuật số trên thị trường chứng khoán (Canada); tuyên truyền, cảnh báo công chúng về những rủi ro khi đầu tư vào các vụ ICO (Australia).

Bên cạnh đó, một số quốc gia đã giao việc quản lý cho các ủy ban như: Cơ quan Giám sát thị trường tài chính ban hành hướng dẫn về khung pháp lý đối với các ICO (Thụy Sỹ), Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư ban hành các quy định và hướng dẫn mới về ICO (Australia).

Nhóm quốc gia chấp nhận một cách thận trọng, đang nghiên cứu bổ sung các quy định đối với giao dịch tiền kỹ thuật số (Hoa Kỳ, Anh, Đức, Singapore, Hàn Quốc)

Ở Hoa Kỳ, mặc dù quan điểm giữa các cơ quan nhà nước chưa thống nhất, nhưng tiền kỹ thuật số được công nhận theo từng tiểu bang. Hoa Kỳ cũng chưa có khung pháp lý và định nghĩa thống nhất về tiền ảo, đang vận dụng các quy định hiện hành để quản lý, song Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, bổ sung mới các quy định về quản lý giao dịch và ICOs. Trong khi đó, Anh và Đức khá thận trọng với tiền kỹ thuật số vì “có những biểu hiện của hoạt động đầu cơ” nhưng vẫn chủ động nghiên cứu ứng dụng công nghệ Blockchain vào hệ thống thanh toán. Anh đã ban hành “Hướng dẫn chung về thu thuế đối với tiền ảo”.

Hàn Quốc hiện đang cấm hoạt động ICO đối với công ty trong nước và startup, tuy nhiên, việc cấm hoạt động trao đổi và các sàn giao dịch tiền kỹ thuật số đang vấp phải sự phản đối của người dân nên Chính phủ đang xem xét một hệ thống cấp phép chính thức giúp quản lý việc giao dịch tiền ảo.

Singapore không thừa nhận tiền kỹ thuật số là tiền pháp định, song được chấp nhận trong trao đổi thương mại. Singapore cũng thực hiện áp thuế tiêu dùng đối với việc cung cấp tiền kỹ thuật số; sử dụng tiền kỹ thuật số để thanh toán hàng hóa, dịch vụ; thuế thu nhập theo luật thuế hiện hành. Singapore đang lấy ý kiến lần 2 để hoàn thiện Luật về các dịch vụ thanh toán, trong đó có quy định về điều kiện để được cấp phép đối với công ty cung cấp dịch vụ giao dịch tiền kỹ thuật số; các quy tắc mới về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Sàn giao dịch được quản lý thông qua Ủy ban chuyên trách về công nghệ Blockchain. Cơ quan quản lý tiền tệ (MAS) đưa ra bản hướng dẫn tạm thời về ICOs; tính pháp lý của ICOs sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể (1 số trường hợp sẽ quản lý như IPO).

Nhóm các quốc gia rất thận trọng và áp dụng các quy định cấm chặt chẽ các hoạt động liên quan đến tiền kỹ thuật số (Ấn Độ, Thái Lan, Braxin, Nga, Trung Quốc)

Mặc dù đang áp dụng các quy định cấm, phản đối tiền kỹ thuật số vì cho rằng liên quan đến khủng bố và rửa tiền nhưng Ấn Độ và Thái Lan đang dần nới lỏng các quy định. Braxin cấm tất cả các quỹ đầu tư vào tiền kỹ thuật số - tiền mã hóa. Trung Quốc và Nga là hai quốc gia có lập trường cứng rắn nhất đối với tiền kỹ thuật số, trong đó Nga đã công bố bản Dự thảo Luật về việc cấm các phương thức thanh toán tiền kỹ thuật số - tiền mã hóa, song vẫn cho phép ICO. Trong khi đó, Trung Quốc cấm giao dịch tiền ảo và hoạt động ICO; đã đóng cửa các sàn giao dịch tiền ảo; chặn truy cập vào các sàn giao dịch nước ngoài và chấm dứt cung cấp điện cho các thợ đào Bitcoin.

5. Một số hàm ý chính sách cho Việt Nam

Tại Việt Nam, Bitcoin cũng như một số đồng tiền kỹ thuật số đã và đang được giao dịch thu hút sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư. Theo trang Blogtienao.com, hiện có khoảng 50 sàn tiền kỹ thuật số phổ biến nhất Việt Nam và hàng nghìn sàn giao dịch tiền ảo quốc tế cũng được cộng đồng tiền ảo Việt Nam sử dụng với lượng giao dịch tăng nhanh trong vòng hai năm 2016 - 2017. Theo Công ty nghiên cứu thị trường Crypocompare, tháng 11/2017 có 80% giao dịch Bitcoin từ châu Á, nổi bật là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam; một số sàn giao dịch Bitcoin lớn trên thế giới như Bittrex.com; poloniex.com; coinmarket.com, wex.nz... lượng truy cập của Việt Nam luôn nằm trong Top 5 cùng với Hoa Kỳ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ.

Từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2018, có hơn 16.100 máy đào Bitcoin được nhập về Việt Nam tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn gồm Hà Nội, Đà Nẵng và thành phố Hồ Chí Minh. Tại thời điểm Bitcoin đạt đỉnh, Việt Nam đứng thứ 38/100 nước/khu vực trên thế giới có số lượt tìm kiếm từ khóa Bitcoin nhiều nhất (theo Google Trend). Các số liệu thống kê trên có thể thấy, cộng đồng tham gia tiền kỹ thuật số Việt Nam là rất lớn. Việt Nam là quốc gia hiện đang đứng trong Top điểm nóng về ICO. Trong đó, hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, ICO, đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp, ngày càng diễn biến phức tạp, kèm theo đó là các hoạt động lừa đảo, thiếu minh bạch, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia. Tuy nhiên, hiện nay chưa có báo cáo hay công bố chính thức nào về hiện trạng sàn giao dịch tiền kỹ thuật số ở Việt Nam. Vụ việc 32.000 người bị lừa đảo 15.000 tỷ đồng qua mô hình đầu tư tiền ảo Ifan8, Pincoin9 xảy ra tại thành phố Hồ Chí Minh là điển hình cho thấy sự bất cập trong công tác quản lý, đòi hỏi Việt Nam cần sớm nghiên cứu và thiết lập các quy định chặt chẽ trong thời gian tới.

Thực tế hiện nay, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem Bitcoin hay các loại tiền kỹ thuật số khác là một loại tài sản ảo (thường có tên gọi là coin) không chấp nhận là tiền tệ hay phương tiện thanh toán. Việc dùng tiền kỹ thuật số làm phương tiện thanh toán là vi phạm quy định pháp luật. Ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 1255/QĐ-TTg về “Đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo” với lộ trình xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản luật đến năm 2020. Tuy nhiên, xu hướng phát triển của tiền kỹ thuật số cũng như bùng nổ của các giao dịch liên quan đến tiền kỹ thuật số đang diễn ra mạnh mẽ (Việt Nam thuộc Top các quốc gia có tỷ lệ chấp nhận đầu tư rủi ro mức độ mạo hiểm cao), vì vậy, dựa trên kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam cần sớm có những giải pháp phù hợp nhằm hạn chế rủi ro và bắt nhịp với công nghệ (Blockchain) trong thời đại kinh tế số. Một số hàm ý chính sách và kiến nghị trọng tâm như sau:

(i) Việt Nam cần nghiên cứu kỹ bản chất của tiền ảo, tiền điện tử, tiền kỹ thuật số và chuẩn hóa các thuật ngữ tiền ảo, tiền điện tử, tiền kỹ thuật số trong các báo cáo/quy định nhằm phù hợp với thông lệ quốc tế (kinh nghiệm của Canada), trong đó, Bitcoin và các đồng tiền kỹ thuật số khác đang giao dịch phổ biến tại Việt Nam cũng như trên thế giới thực chất là tiền kỹ thuật số - tiền mã hóa, mặc dù có gốc là tiền ảo, song khác với tiền ảo và ưu việt hơn hẳn so với tiền ảo, đặc biệt là mức độ an toàn và sự tin cậy cao nhờ công nghệ Blockchain. Sự chuẩn hóa này sẽ giúp nâng cao nhận thức, sự am hiểu của cộng đồng đầu tư; tạo điều kiện cho việc hoàn thiện khung pháp lý.

(ii) Kinh nghiệm về xác định bản chất pháp lý và quan điểm về quản lý, kiểm soát đối với tiền ảo, tiền kỹ thuật số theo hướng thận trọng. Tại Việt Nam, việc chấp nhận tiền kỹ thuật số với vai trò là trung gian thanh toán trong giai đoạn hiện tại là chưa phù hợp với thực tiễn đất nước. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia đều có quan điểm tiền kỹ thuật số không phải là tiền tệ, song có thể coi là “tài sản/hàng hóa/chứng khoán” và đưa ra các quy định chặt chẽ để quản lý nhằm hạn chế rủi ro. Vì vậy, Việt Nam có thể xác định Bitcoin nói riêng các đồng tiền kỹ thuật số nói chung là “tài sản/hàng hóa/chứng khoán ảo” và tăng cường quản lý theo hướng: (1) Thành lập ủy ban/cơ quan chuyên trách để quản lý giao dịch tiền kỹ thuật số thông qua các “sàn tập trung”, quản lý hoạt động ICO thông qua các quy định quản lý sàn giao dịch (kinh nghiệm Nhật Bản, Singapore); (2) Đưa ra các quy định, tiêu chuẩn cấp phép đối với các tổ chức, cá nhân trung gian tham gia cung cấp dịch vụ liên quan đến tiền kỹ thuật số; (3) Cần có các quy định đảm bảo an toàn trong hoạt động như quy định phân tách tài sản khách hàng với tài sản của công ty; phải mở tài khoản riêng tại các tổ chức tín dụng; báo cáo các giao dịch đáng ngờ; lưu trữ dữ liệu tại máy chủ trong nước; kiểm toán số dư tiền pháp định và tiền ảo thường xuyên...(tương tự quản lý hoạt động đầu tư chứng khoán/trái phiếu hay các sản phẩm tài chính khác); (4) Có cơ chế phân quyền cho cơ quan thuế thực hiện quản lý thu đối với những khoản thu mới (như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với hoạt động mua bán/giao dịch tiền kỹ thuật số; thuế thu nhập từ việc “đào” Bitcoin) theo kinh nghiệm của một số nước như Canada, Hoa Kỳ, Anh, Úc; áp thuế giá trị gia tăng đối với giao dịch tiền kỹ thuật số - tài sản, dịch vụ, song có thể miễn thuế giá trị gia tăng đối với giao dịch chuyển từ tiền ảo sang tiền pháp định (Nhật Bản).

(iii) Từng bước xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về tiền kỹ thuật số, tiền ảo gắn với chế tài đảm bảo trách nhiệm và quyền lợi liên quan đến các giao dịch tiền kỹ thuật số: Cụ thể là: (i) Thí điểm xây dựng khung pháp lý, trong đó chú trọng điều chỉnh hoạt động ICO, quản lý giao dịch tiền kỹ thuật số, quy định thuế (có thể bước đầu chỉ áp dụng với các doanh nghiệp kinh doanh giao dịch tiền ảo có hiện diện thương mại tại Việt Nam - kinh nghiệm của Australia). Quy định quản lý ICOs - kinh nghiệm Australia, Singapore, Nhật Bản như: ICO phải đăng ký, có chế tài đối với hoạt động ICO không đăng ký, điều kiện về tokens (có thể tham khảo quy định quản lý IPO theo Luật Chứng khoán). Đây sẽ là nền tảng đầu tiên tiến tới việc xây dựng Luật về tiền kỹ thuật số, tiền ảo; (ii) Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện Luật Quản lý thuế, Luật Thuế giá trị gia tăng; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân… gắn với sự phát triển của tiền kỹ thuật số và các giao dịch liên quan đến tiền kỹ thuật số phù hợp với thông lệ quốc tế.

(iv) Phát triển công nghệ Blockchain: Thành lập Hiệp hội Blockchain; hoàn thiện khung pháp lý đối với công nghệ Blockchain; nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng; đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực (quản lý, chuyên gia, kỹ sư công nghệ với nền tảng tiền thuật toán vững mạnh...) để có thể tận dụng cơ hội, hạn chế rủi ro khi áp dụng công nghệ mới này trong nền kinh tế số nói chung cũng như lĩnh vực tài chính - ngân hàng nói riêng.

(v) Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục: Các bộ, ngành liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chia sẻ thông tin, dữ liệu và đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các nhà đầu tư về những rủi ro của tiền kỹ thuật số; xây dựng thực thi chiến lược giáo dục tài chính gắn với sự phát triển của công nghệ.

(vi) Đẩy mạnh sự phối hợp trên phạm vi quốc tế trong quản lý tiền kỹ thuật số: Chính phủ (Ngân hàng Nhà nước) phối hợp với Chính phủ (NHTW) các quốc gia và các tổ chức quốc tế chuẩn hóa các vấn đề liên quan đến khung pháp lý, xây dựng cam kết, chia sẻ các thông tin liên quan đến tiền kỹ thuật số, tiền ảo trong hoạt động quản lý giao dịch; phòng, chống rửa tiền, trốn thuế, các hoạt động phi pháp...

Tài liệu tham khảo:

Tiếng Việt

1. Trung tâm nghiên cứu, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Báo cáo về tiền điện tử, tiền ảo và tiền kỹ thuật số - Một số kiến nghị, đề xuất, tháng 3/2018.

2. Tài liệu hội thảo, Xây dựng khung pháp lý về tiền ảo tại Việt Nam - Một số vấn đề đặt ra, tháng 3/2018.

3. Ngô Hoàng Quyền, Công ty cổ phần giao dịch trực tuyến Phương Đông, Quản lý sàn giao dịch tiền mã hóa và hoạt động gọi vốn đầu tư ICO.

4. Nguyễn Huy Hoàng Nam - Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế, Bộ Tư pháp: Quản lý tiền kỹ thuật số tại Nhật Bản và một số đề xuất cho Việt Nam.

5. Vũ Viết Truyện, Công ty Vok Smarttech, Vai trò của nhà đầu tư trong thị trường tiền mã hóa.

6. Nguyễn Quỳnh Hương Thảo, Công ty Infinity Blockchain Labs, Thuế trên Blockchain Token trên thế giới.

7. Website và sàn giao dịch tiền kỹ thuật số: https://wex.nz; https://blogtienao.com; https://poloniex.com/;https://bittrex.com; https://vicuta.com/; https://www.binance.com/vn; https://aliniex.com/; https://diginet.io/; https://remitano.com/vn; https://buysellltc.com; http://coininfo.vn.

Tiếng Anh

8. Bank for International Settlements Annual Reports, https://www.bis.org/annualreports/index.htm?m=5%7C24.

Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế Tài chính Việt Nam số 3/2018

 

1 Là một cơ sở dữ liệu phân cấp lưu trữ thông tin trong các khối thông tin được liên kết với nhau bằng mã hóa và mở rộng theo thời gian.

2 Bitcoin được đề cập trong bài viết này là tiền kỹ thuật số, tuy nhiên, do có gốc là tiền ảo, có đặc tính giống tiền ảo, hiện mới chỉ được tiếp cận trong một cộng đồng nhất định tại Việt Nam, hơn nữa, cách dịch ra tiếng Việt cũng như các văn bản hiện tại của Việt Nam gọi là tiền ảo. Vì vậy, bài viết chấp nhận cả thuật ngữ tiền ảo khi nói đến Bitcoin và các loại tiền kỹ thuật số khác.

 

3 Đây là một chỉ số được phát triển bởi William F.Sharpe - người được giải thưởng Nobel, nhằm đo lường tỷ suất sinh lợi đã điều chỉnh rủi ro của một khoản đầu tư. Nó được tính bằng cách lấy tổng tỷ suất sinh lợi của khoản đầu tư trừ đi tỷ suất sinh lợi phi rủi ro (là trái phiếu kho bạc của Hoa Kỳ có kỳ hạn 10 năm), sau đó đem chia cho độ lệch chuẩn của tỷ suất sinh lợi của danh mục. Tỷ số Sharpe cao hơn thì cho thấy mức tỷ suất sinh lợi đã điều chỉnh rủi ro tốt hơn.

4 Là phát hành lần đầu đồng tiền kỹ thuật số.

5 Token không có Blockchain riêng và hoạt động thông qua chain của nền tảng ứng dụng hợp đồng thông minh.

6 Hoa Kỳ, Anh, Đức, Nhật Bản, Australia, Canada, Thụy Sỹ, Singapore, Hàn Quốc, Ấn Độ, Braxin, Nga, Trung Quốc, Thái Lan.

7 Hiệp hội chuỗi khối Nhật Bản (JBA) đã ban hành hướng dẫn về ICO dành cho công dân Nhật Bản, trong đó quy định về nguy cơ biến động về giá, lừa đảo, các điều kiện về token...

8 Ifan là đồng coin đầu tiên dành cho thần tượng âm nhạc, sẽ được người hâm mộ sử dụng để thanh toán để mua vé diễn, xem các bài hát, tặng tiền cho các ca sĩ.

9 Là một dự án đến từ Dubai, được xây dựng trên nền tảng Blockchain, Pincoin hướng đến việc kết nối cộng đồng thông qua đồng Pincoin trên nguyên tắc nền kinh tế chia sẻ, công nghệ Blockchain và tiền điện tử.