Trắc nghiệm công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Cuba diễn ra trong bối cảnh nào

Trắc nghiệm công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Cuba diễn ra trong bối cảnh nào
Chân dung Chủ tịch Fidel Castro tại Quảng trường trung tâm Thành phố Santiago de Cuba. (Ảnh: An Nhiên)

(Thanhuytphcm.vn) - Cuba đổi mới không ngừng, không vội, đồng thời bảo vệ chế độ chính trị của đất nước. Đó là phương châm hành động của hòn đảo tự do ở Tây bán cầu từ khi bắt đầu công cuộc đổi mới cho đến nay, với những bước đi thận trọng và đạt được những thành tựu bước đầu vững chắc.

1. Cuba hiên ngang đứng vững

Cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Cuba, do Luật sư Fidel Castro lãnh đạo, chống chế độ độc tài Batista tay sai của Mỹ, toàn thắng ngày 1/1/1959. Đế quốc Mỹ liền can thiệp vũ trang. Ngày 16/4/1961, trong lễ tang những công dân Cuba bị máy bay Mỹ ném bom giết chết hôm trước, Chủ tịch Fidel Castro long trọng tuyên bố “tính chất xã hội chủ nghĩa của cuộc cách mạng Cuba”. Một nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên ở Tây bán cầu ra đời, chỉ cách nước Mỹ 150 cây số, điều mà hơn 10 đời tổng thống Mỹ từ John Kennedy đến Donald Trump, không thể chấp nhận và tìm cách bóp chết, đặc biệt là ám sát lãnh tụ Fidel Castro - “linh hồn” của nhà nước Cuba dũng mảnh.

Sau thất bại thảm hại của cuộc đổ bộ lính đánh thuê tại bải biển Hiron, Mỹ cắt quan hệ ngoại giao với Cuba, tiến hành cấm vận toàn diện, ngày càng siết chặt và kéo dài nhất trong lịch sử, làm cho Cuba bị tổn thất riêng về mặt kinh tế trên 1.000 tỷ đôla Mỹ, phải nhập khẩu khoảng 65% thực phẩm để phục vụ nhu cầu trong nước (theo thống kê của chính phủ Cuba). Cuốn sách “638 cách để giết chết Castro” (638 Ways to kill Castro) của Fabian Escalante, một cựu lãnh đạo CIA, thừa nhận sự thất bại của trăm mưu ngàn kế hiểm độc của kẻ thù để ám sát Fidel, nhưng Fidel vẫn bình yên vô sự cho đến cuối đời.

Nhờ có chính sách đối nội và đối ngoại đúng đắn, Cuba đại đoàn kết toàn dân tộc, tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, đưa cách mạng Cuba hiên ngang vượt qua phong ba, bảo táp và không ngừng tiến lên.

Cuộc cấm vận lỗi thời của Mỹ chống Cuba bị toàn thế giới phản đối. Đại hội đồng Liên hợp quốc hằng năm thông qua Nghị quyết nhan đề “Sự cần thiết phải chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính do Mỹ áp đặt chống Cuba” do chính phủ Cuba khởi xướng cách đây hơn 20 năm, nhận được số phiếu thuận áp đảo, năm sau cao hơn năm trước. Nghị quyết ngày 28/10/2015 được thông qua với 188 phiếu thuận. Chỉ có 2 phiếu chống là Mỹ và Israel, và 3 phiếu trắng của 3 đảo quốc hết sức nhỏ ở Thái Bình Dương là Micronesia (107.862 dân) Marshall (68.480 dân) và Palau (21.000 dân).

2. Vượt qua “thời kỳ đặc biệt trong hòa bình”

Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ XX là những năm khó khăn, thử thách mang tính sống còn đối với Cuba. Liên Xô tan rã, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu sụp đổ, làm Cuba mất 85% thị trường xuất nhập khẩu. Trong những năm 1990-1993 lạm phát lên đến 120% GDP, thâm hụt ngân sách 58%, GDP giảm 35%. Cuba gọi đó là “thời kỳ đặc biệt trong hòa bình”. Tuy nhiên, càng khó khăn, càng thể hiện bản lĩnh kiên định của lãnh đạo cách mạng Cuba trong việc tìm những biện pháp cấp bách để cải cách và tiếp tục phát triển kinh tế, nâng cao mức sống của nhân dân.

Đại hội lần thứ IV của Đảng Cộng sản Cuba (10/1991) chủ trương “Điều chỉnh kinh tế bằng hệ thống các biện pháp thận trọng” như: xác định cơ chế thị trường, đa dạng hóa thành phần kinh tế, khoán sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp, thừa nhận hình thức sở hữu hộ gia đình, mở các chợ nông sản,… Nhằm thu hút đầu tư của các nước trên thế giới, năm 1992 Cuba sửa đổi Luật đầu tư nước ngoài, thông qua Hiến pháp mới coi các doanh nghiệp liên doanh là một hình thức của chế độ sở hữu kinh tế Cuba.

Đại hội lần thứ V của Đảng Cộng sản Cuba (1993) nêu bật chủ trương phải đổi mới và coi trọng tính hiệu quả trong quán lý kinh tế với khẩu hiệu “học quản lý kinh tế”, “không hiệu quả, không phải là xã hội chủ nghĩa”.

Đường lối cải cách kinh tế có “chọn lọc, dần dần và có trật tự”, bằng những biện pháp sáng tạo, với những bước đi thận trọng, vững chắc, phù hợp hoàn cảnh cụ thể của đất nước, dần dần phát huy tác dụng, chận đứng suy thoái, kinh tế tiếp tục phát triển. Trong bối cảnh kinh tế thế giới trì trệ, kinh tế Mỹ latinh suy thoái nặng nề, Cuba thành công trong việc điều chỉnh cơ cấu kinh tế, cải tiến quản lý nền kinh tế quốc dân, từ năm 1994 GDP tăng trưởng trở lại, đạt 4,3% trong năm 2000, 7,3% trong năm 2007.

Trắc nghiệm công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Cuba diễn ra trong bối cảnh nào
Đoàn cán bộ Tuyên giáo và quân sự TPHCM thăm Cuba năm 2018, đến viếng Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thủ đô Lahabana. (Ảnh: An Nhiên)

3. Thể hiện tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội

Theo các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội cần được thể hiện trong việc “thỏa mãn nhu cầu, ngày càng nâng cao, về vật chất và tinh thần, của nhân dân lao động”, cụ thể là về giáo dục và y tế. Cuba làm được điều đó một cách xuất sắc trong bối cảnh kinh tế vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Một đặc trưng nổi bật của mô hình phát triển kinh tế Cuba là luôn dành ưu tiên cho chính sách an sinh xã hội thông qua việc phát triển các ngành y tế, giáo dục, thể thao. Hằng năm Cuba dành trung bình khoảng phân nửa ngân sách quốc gia cho các ngành này.

Phúc lợi giáo dục được ghi trong Hiến pháp và được thực hiện đầy đủ. Nạn mù chữ được thanh toán từ năm 1961. Đồng phục học sinh được cấp miễn phí. Giáo dục hoàn toàn miễn phí từ lớp 1 đến đại học. Đã hoàn thành phổ cập giáo dục cấp 3. Về mặt y tế, người dân khám, chữa bệnh không mất tiền. 95% thuốc trị bệnh do trong nước sản xuất. Tuổi thọ trung bình của người dân Cuba là 80, thuộc vào loại cao nhất thế giới. Về thể thao, môn quyền Anh thuộc đẳng cấp thế giới, với huyền thoại Teofilo Stevenson 3 lần đạt huy chương vàng Olympic.

Phát biểu trước Hội nghị thượng đỉnh thế giới về “Phát triển xã hội”, tổ chức tại Đan Mạch (tháng 3/1995), Chủ tịch Fidel Castro tuyên bố: “Tuy phải gánh chịu một sự bao vây tội lỗi chỉ vì không tán thành các tư tưởng của người láng giềng hùng mạnh ở phương Bắc, Cuba, một nước mất 70% nhập khẩu do sự tan rã của Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa, nhưng vẫn không có một trường học, một bệnh viện, một nhà dưỡng lão, một nhà trẻ nào phải đóng cửa, và bất chấp là một nước nghèo so sánh với các nước khác trên thế giới, ngày nay Cuba vẫn thuộc về những nước có số giáo viên, thầy thuốc, cũng như những huấn luyện viên thể thao, và những chỉ đạo viên nghệ thuật, tính theo đầu người cao nhất thế giới”.

Mặc dù bị Mỹ bao vây, cấm vận kéo dài, trình độ y tế của Cuba thuộc loại tiên tiến trên thế giới, chiếm vị trí quan trọng trong nghiên cứu khoa học và công nghệ y sinh toàn cầu. Từ năm 1963 đến nay Cuba đã gửi hơn 600.000 bác sĩ đến 164 quốc gia. Theo Tổ chức Y tế liên Mỹ (Pan American Health Organization), từ năm 2005 đến 2017, đội ngũ y tế của Cuba đã giúp đỡ 21 quốc gia bị ảnh hưởng thiên tai và dịch bệnh. Trong đợt dịch Ebola năm 2014 ở Tây Phi, Cuba đã gửi hơn 600 nhân viên y tế đến Sierra Leone, Liberia và Guinea. Hiện nay, Cuba đang cử bác sĩ, y tá hỗ trợ 14 quốc gia chống đại dịch Covid-19. Thuốc chống virus SARS-CoV-2, có tên Interferon Alfa 2B do Cuba sản xuất đã chứng minh được tính hiệu quả trong điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại Trung Quốc.

Cuba là điểm sáng về y tế, giáo dục, được thế giới ca ngợi. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hệ thống chăm sóc sức khỏe của Cuba là kiểu mẫu của tất cả các nước trên thế giới. Trong chuyến thăm Cuba hồi tháng 7/2014, Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan nhận xét: “Cuba là quốc gia duy nhất có hệ thống y tế gắn liền giữa nghiên cứu và phát triển” (giữa công nghệ sinh học và công nghiệp dược). Trường đại học Y khoa Mỹ latinh (ELAM) của Cuba, thành lập năm 1998 đã đào tạo hơn 20.000 bác sĩ đến từ 123 quốc gia. Đương thời, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đánh giá ELAM là “Trường đại học y tế tiên tiến nhất thế giới”. Tính từ năm 1963 đến nay, có trên 113.000 bác sĩ và nhân viên y tế, giáo dục, thể thao Cuba làm việc tại trên 100 nước ngoài.

Ngày 26/9/2020, Hội đồng Hòa bình thế giới (WPC) chính thức đề cử “Phái đoàn bác sĩ quốc tế chuyên ứng phó các tình trạng thảm họa và dịch bệnh nguy cấp Henry Reeve” của Cuba giải thưởng Nobel hòa bình năm 2020. Thư đề cử của WPC nhấn mạnh: “Chúng tôi nhận thấy một ví dụ chân thật nhất là công tác mà Phái đoàn y tế quốc tế Henry Reeve của Cuba đã triển khai từ rất lâu trước khi đại dịch Covid - 19 bùng phát. Phái đoàn y tế tình nguyện này do lãnh tụ Fidel Castro thành lập ngày 19/9/2005 để giúp đỡ khắc phục hậu quả cơn bảo Katrina tại bang New Orleans của Mỹ, với số lượng ban đầu là 12.000 nhân viên y tế. Tên gọi của Đoàn lấy theo tên chiến sĩ quốc tế người Mỹ Henry Reeve, người đã từng tham gia và hy sinh trong cuộc đấu tranh giành độc lập đầu tiên của Cuba (1868-1878).

Cuba được xem là một trong những quốc gia có nền y tế cộng đồng ưu việt nhất thế giới. Lý do quan trọng nhất tạo nên sự khác biệt này là ở mô hình “bác sĩ gia đình” (BSGĐ). Năm 1981, ở Cuba bùng phát một đại dịch sốt xuất huyết làm chết hơn 100 trẻ em. Từ kinh nghiệm đau buồn này, Cuba xây dựng “những viên gạch đầu tiên của nền y tế công cộng quốc gia”, bắt đầu thay đổi hệ thống y tế. Đó là một hệ thống y tế công cộng, xuất phát từ y tế gia đình. Chính y tế gia đình đã giúp y tế Cuba lên tới đỉnh cao của y học thế giới. Nền y tế Cuba gồm 3 cấp, trong đó y tế gia đình là cấp thấp nhất, nhưng quan trọng nhất. Hệ thống BSGĐ gồm những bác sĩ chính quy, được đào tạo theo chương trình chuẩn 6 năm, và phải được đào tạo thêm 3 năm nữa. Họ là bác sĩ của mọi gia đình, mọi loại bệnh. Mỗi khu vực có một Văn phòng chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho khoảng 100 gia đình với 700-1.000 người. Tại đây luôn có 1 bác sĩ và 1 y tá. Bác sĩ là thành viên của khu vực dân cư, nắm hết tiền sử bệnh của toàn bộ người dân trong khu vực mình được phân công, nhờ đó, khi có người có triệu chứng bệnh, bác sĩ không mất nhiều thời gian để tìm nguyên nhân và có ngay giải pháp điều trị phù hợp. BSGĐ là y tế cơ sở, có thể giải quyết được 90% tình trạng bệnh, là tuyến quan trọng nhất trong phòng chống dịch bệnh.

Về giáo dục, Chương trình “Tôi có thể đi học” của Cuba giúp trên 5 triệu người dân của hàng chục nước Mỹ latinh biết đọc, biết viết. Venezuela và Bolivia trở thành nước thứ hai và thứ ba trong khu vực không còn người mù chữ. Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bukova đánh giá cao Chương trình này, coi đây là “điển hình của các chương trình hợp tác Nam-Nam”.

Trắc nghiệm công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Cuba diễn ra trong bối cảnh nào
Phố cổ thủ đô Lahaban. (Ảnh: An Nhiên)

4. “Kiến tạo chặn đường mới”

Sau một thời gian dài bị bệnh nặng, ngày 24/2/2008, Chủ tịch Fidel Castro chuyển giao toàn bộ quyền lực về mặt Đảng, Nhà nước và quân đội cho Raul Castro.

Raul Castro sinh ngày 3/6/1931, là em trai, bạn chiến đấu và trợ thủ đắc lực của Fidel Castro trong suốt hành trình yêu nước, cách mạng từ cuộc tấn công trại lính Moncada và chiến tranh du kích trong núi rừng Sierra Maestra, đến khi cách mạng thành công, với cương vị Bộ trưởng các lực lương vũ trang cách mạng và là người thứ hai về mặt Đảng và nhà nước.

Tuy không hùng biện bằng ngưới anh trai của mình, nhưng Raul Castro được đánh giá là con người “kiến tạo chặn đường mới”. Bên cạnh việc quyết định nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội theo hướng cải cách, đổi mới, từng bước xóa bỏ hệ thống quan liêu bao cấp, thực thi chính sách đối ngoại năng động với dấu ấn lớn nhất là việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ và cải thiện quan hệ với các nước EU.

Nhân kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hiron, 50 năm Fidel tuyên bố “tính chất xã hội chủ nghĩa của cách mạng Cuba”, Đảng cộng sản Cuba tổ chức Đại hội lần thứ VI vào tháng 4/2011, tức là 14 năm sau Đại hội lần thứ V.

Đại hội thông qua đường lối cập nhật hóa mô hình phát triển kinh tế đất nước, chỉ rõ tính bất cập của mô hình kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp; chủ trương tiến hành cải cách toàn diện, đẩy mạnh các biện pháp cải cách kinh tế-xã hội, từng bước xóa bỏ hệ thống bao cấp, áp dụng một “lộ trình hợp lý hóa mô hình kinh tế đất nước, đặc biệt chú trọng khuyến nông, mở rộng mô hình kinh tế tư doanh, cắt giảm lực lượng lao động dư thừa trong khu vực nhà nước, cắt giảm bao cấp, thực hiện chính sách thuế mới, phi tập trung quản lý nhà nước và xóa bỏ hệ thống tiền tệ gồm nhiều đồng tiền như từ trước”.

5. Khẳng định mục tiêu xã hội chủ nghĩa và đổi mới

Đại hội lần thứ VII Đảng cộng sản Cuba diễn ra từ ngày 16 - 19/4/2016 tại Havana đúng vào ngày kỷ niệm 55 năm Cuba tuyên bố tính chất xã hội chủ nghĩa của cuộc Cách mạng 1959. Phát biểu khai mạc Đại hội, Bí thư thứ nhất Raul Castro đưa ra khái niệm mô hình kinh tế-xã hội xã hội chủ nghĩa Cuba và kế hoạch phát triển tới năm 2030 của Cuba, đề xuất sửa đổi Hiến pháp và ấn định độ tuổi tối đa để được bầu vào Trung ương Đảng là 60 và các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng là 70.

Đại hội lần thứ VII Đảng Cộng sản Cuba diễn ra trong bối cảnh cánh tả Mỹ latinh đang gặp không ít khó khăn, nhưng quan hệ Cuba-Mỹ có nhiều chuyển biến mới, tích cực. Đại hội lần này là sự tiếp nối con đường được vạch ra từ các Đại hội V và VI, xác định cơ sở lý luận và thực tiễn cho mô hình kinh tế-xã hội của Cuba trong thời gian tới. Chủ tịch Raul Castro tuyên bố: “Con đường đã vạch ra, chúng ta sẽ tiếp tục đi trên con đường này với tốc độ ổn định, liên tục không ngừng và không vội vàng”.

Kiểm điểm việc thực thiện “Đường lối Chính sách kinh tế-xã hội” được thông qua tại Đại hội VI, Báo cáo chính trị của Chủ tịch Raul Castro cho biết: Đã thực hiện xong hoặc đang được triển khai thực hiện hầu hết 313 mục tiêu cụ thể do Đại hội đề ra. Về cải cách kinh tế, Raul Castro tuyên bố dứt khoát: “Cuba sẽ không bao giờ có thể cho phép mình áp dụng chính sách được gọi là “liệu pháp sốc” như các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và cả Liên Xô đã làm”, bởi vì “giải pháp đó sẽ đem lại quá nhiều thiệt thòi cho các tầng lớp nghèo nhất trong xã hội”. Báo cáo khẳng định “Cuba sẽ không bao giờ tư nhân hóa các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, bảo hiểm xã hội, văn hóa, thể thao…”.

Đại hội thông qua hai văn kiện quan trọng về: “Định nghĩa mô hình phát triển kinh tế-xã hội xã hội chủ nghĩa Cuba” thể hiện sự kế tục lịch sử tinh thần cách mạng Cuba trên cơ sở tư tưởng José Marti (1), chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Fidel Castro và kinh nghiệm của cách mạng Cuba; Và “Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội tới năm 2030: tầm nhìn, các trụ cột và các lĩnh vực chiến lược” thể hiện một cách tổng hợp những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội Cuba dựa trên nhân phẩm, bình đẳng và tự do hoàn toàn của con người.

Về chính sách đối ngoại, Cuba khẳng định tiếp tục đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tiếp tục ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân các nước Mỹ latinh và nhân dân thế giới vì hòa bình, dân chủ, quyền tự quyết và công bằng xã hội; đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa, các Đảng cộng sản, công nhân và cánh tả trên thế giới; thúc đẩy quan hệ toàn diện với các nước bạn bè.

Về mặt Nhà nước, dự thảo Hiến pháp mới được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 24 tháng 2 năm 2919, chính thức công bố ngày 10/4/2019, thay thế Hiến pháp năm 1976. Nội dung Hiến pháp mới tái khẳng định những mục tiêu tiêu cơ bản của xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời có nhiều thay đổi quan trọng như xác định rõ hơn vai trò của Đảng cộng sản, tuyên bố tính chất pháp quyền xã hội chủ nghĩa, định ra các chức danh lãnh đạo mới, quyết định số nhiệm kỳ và tuổi công tác tối đa của lãnh đạo cấp cao, công nhận những thành phần kinh tế mới…

Hiến pháp mới đặt mục tiêu “đạt mức tăng trưởng kinh tế tối thiểu 1,5% trong năm 2019” (trước đó chỉ đạt 1,2%, thấp hơn chỉ tiêu do Quốc hội đề ra) không tăng thêm mức nợ công, hợp pháp hóa doanh nghiệp tư nhân, mở rộng hợp tác và thu hút đầu tư nước ngoài…”

Trắc nghiệm công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Cuba diễn ra trong bối cảnh nào
Một góc đường phố thủ đô Lahabana. (Ảnh: An Nhiên)

6. Bình thường hóa quan hệ Cuba-Mỹ

Ngày 17/12/2014 quan hệ giữa Cuba và Mỹ bắt đầu bình thường hóa bằng cái bắt tay lịch sử giữa Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tại buổi lễ kỷ niệm cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela. Dịp này, Chủ tịch Cuba khẳng định: “Cuba sẽ không từ bỏ những nguyên tắc của chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi sẽ yêu cầu Mỹ tôn trọng chế độ chính trị của đất nước chúng tôi”. Về phần mình, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố: “Chính sách cô lập Cuba trong hơn 50 năm qua đã thất bại”. Cả Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Barack Obama đều cảm ơn vai trò làm trung gian của Giáo hoàng Francis.

Từ đó đến nay, hai bên đạt được một số kết quả trong các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, nhất là việc mở lại Đại sứ quán tại thủ đô hai nước vào tháng 7/2015. Ngày 14/4/2015, Nhà trắng xóa tên Cuba khỏi danh sách khủng bố. Năm 2016, lần đầu tiên Mỹ bỏ phiếu trắng Nghị quyết của Đại hội đồng Liên hợp quốc đòi Mỹ bỏ cấm vấn đối với Cuba. Nguyên thủ quốc gia hai nước gặp nhau 3 lần.

Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm Cuba vào giữa tháng 3/2016, là Tổng thống đương nhiệm đầu tiên tới thăm Cuba trong 88 năm qua. Tổng thống Barack Obama cho biết ông đến Cuba “để chôn những tàn tích cuối cùng của chiến tranh lạnh”. Hành động của Tổng thống Obama phù hợp với nguyện vọng của nhân dân Mỹ. Một cuộc thăm dò dư luận cho thấy 2/3 dân chúng đồng ý với chính sách hòa giải. Ngay cả đa số người Cuba di cư sang Mỹ cũng không chống đối. Trong bài phát biểu vào cuối chuyến thăm 3 ngày tới Cuba, Tổng thống Obama nói rằng đây là thời điểm để Mỹ và Cuba bỏ quá khứ lại phía sau và thực hiện một “cuộc hành trình như bạn bè và hàng xóm và là người nhà cùng nhau” hướng tới một tương lai tươi sáng hơn.

Tuy nhiên, phía trước còn nhiều việc phía Mỹ cần phải làm, nhất là dỡ bỏ lệnh cấm vận lỗi thời. Đại diện Cuba trong Ủy ban song phương Cuba-Mỹ nhắc lại lập trường của Chính phủ Cuba là để bình thường hóa hoàn toàn quan hệ giữa hai nước, Washington cần dỡ bỏ cấm vận, trả lại Cuba căn cứ quân sự Guantanamo bị Mỹ chiếm đóng trái phép từ năm 1903, ngừng tất cả những chương trình chống phá Cuba, xóa bỏ chính sách khuyến khích người Cuba di cư bất hợp pháp sang Mỹ. Hai nước cần phải giải quyết thỏa đáng yêu cầu bồi thường lẫn nhau. Cuba đòi Mỹ bồi thường 300 tỷ đôla Mỹ tiền thiệt hại do bao vây cấm vận gây ra, trong đó 181 tỷ đôla Mỹ bồi thường về thiệt hại con người và 121 tỷ đôla Mỹ thiệt hại kinh tế. Phía Mỹ đòi bồi thường 8 tỷ đôla Mỹ, trong đó có thiệt hại do Cuba quốc hữu hóa một số công ty tư nhân Mỹ.

Sau khi quan hệ ngoại giao Cuba-Mỹ được khôi phục, lãnh tụ Fidel Castro thẳng thắn nói rõ suy nghĩ của mình rằng: “Tôi không tin vào chính sách của Mỹ, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi bác bỏ một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột”.

Các nhà quan sát thời cuộc cho rằng quá trình bình thường quá quan hệ Cuba-Mỹ diễn ra nhanh chóng và đã trở nên “không thể bị đảo ngược” vì nó phù hợp xu thế của thời đại, phù hợp lòng dân hai nước. Tuy nhiên phía trước vẫn còn không ít khó khăn phức tạp. Để quá trình bình thường hóa quan hệ Cuba-Mỹ có thể tiến triển như mong muốn, cần có quyết tâm chính trị cao của cả hai phía.

Từ khi lên cầm quyền đầu năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump có những hành động hòng “đảo ngược” tình hình. Ngày 19/9/2017 Mỹ trục xuất 2 nhà ngoại giao Đại sứ quán Cuba, hạn chế đi lại đối với các viên chức ngoại giao còn lại. Hành động thiếu thiện chí của Mỹ bị cộng đồng quốc phê phán mạnh mẽ. Ngày 8/11/2019, Đại hội đồng Liên hợp quốc tiếp tục thông qua Nghị quyết đánh giá cấm vận là “vô nhân đạo” và “lỗi thời”, đòi Mỹ bỏ ngay cấm vận đối với Cuba với đa số tuyệt đối ủng hộ: 187 thuận, 3 chống, 2 trắng.

Gần đây chính quyền Mỹ có những biện pháp mới siết chặt trừng phạt chống Cuba. Ví dụ như cấm nhập khẩu các loại rượu và thuốc lá cigar Cuba, cấm công dân Mỹ khi thăm Cuba lưu trú tại các khách sạn hoặc cơ sở thuộc sở hữu của Chính phủ, lãnh đạo nhà nước hay đảng Cộng sản Cuba… Ngày 24/9/2020, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba lên án các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, khẳng định các biện pháp thù địch này đã và đang vi phạm những quyền lợi chính đáng của người dân Cuba cũng như công dân Mỹ.

7. Cột mốc quan trọng phát triển đất nước

Đại hội lần thứ VIII Đảng Cộng sảnCuba diễn ra từ ngày 17 đến 19/4/2021, được coi là cột mốc quan trọng trên con đường phát triển kinh tế-xã hội của quốc gia vùng Caribe này.

Nếu như Đại hội VI là cột mốc định hướng con đường phát triển của cách mạng Cuba trong thời kỳ mới, Đại hội VII là sự khẳng định hướng đi đó, bắt đầu xây dựng cơ sở pháp lý và cuối cùng, cho dù có muộn hơn dự kiến, đã khởi động chuyển đổi kinh tế-xã hội của Cuba; thì Đại hội VIII sẽ là thời điểm Đảng Cộng sản Cuba xác định tốc độ, trình tự và cường độ của những bước chuyển đổi sắp tới, để giải được bài toán then chốt nhất là nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy sản xuất hàng hóa trong nước.

Đây được xem là Đại hội cuối cùng của các thế hệ lãnh đạo cách mạng Cuba trên cương vị đứng đầu Đảng cộng sản Cuba. Bí thư thứ nhất Raul Castro chuyển giao quyền lực cho Miguel Diaz-Canel (60 tuổi) hiện là Chủ tịch nước. Hai nhân vật quan trọng khác thuộc thế hệ đầu tiên lãnh đạo cách mạng Cuba là Ramon Ventura (90 tuổi) và Ramiro Valdes (88 tuổi) rút khỏi vị trí của mình. Vấn đề cấp bách nhất của Chương trình Đại hội Đảng lần này là kinh tế, vốn đã tăng trưởng âm 11% năm 2020 - mức suy giảm tồi tệ nhất của nước này kể từ năm 1993.

Võ Anh Tuấn (Cựu Đại sứ CPCMLTCH miền Nam Việt Nam tại Cuba)

-------------------------

(1) José Marti (26/1/1853-19/5/1895),”Người cha của nền độc lập Cuba”, lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chống thực dân Tây Ban Nha đang trên đà đến thắng lợi cuối cùng thì hy sinh ngoài mặt trận. Được UNESCO vinh danh “Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới”. Người có bài viết “Cuộc hành trình trên đất nước của những người An Nam” đăng trong tạp chí “Tuổi Vàng” dành cho thiếu nhi. Nội dung ca ngợi tinh thần lao động cần cù và sự đấu tranh dũng cảm của nhân dân Việt Nam chống giặc ngoại xâm. Như vậy, José Marti chính là người đã đặt nền móng cho tình hữu nghị Cuba-Việt Nam.

Tin liên quan