Vật không tiêu hao là gì

Tìm hiểu quy định của Bộ luật dân sự (BLDS) 2015 về tài sản 

Điều 105 BLDS 2015 quy định về tài sản theo hướng là một quy phạm định nghĩa: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản”. Tuy nhiên, quy định này vẫn chỉ được xây dựng theo hướng liệt kê mà chưa đưa ra được nội dung khái quát bản chất của tài sản là gì. Về cơ bản, một đối tượng trong thế giới khách quan được coi là tài sản khi nó nằm trong sự kiểm soát, chi phối, nắm giữ được của con người. Nói cách khác, tài sản có một số đặc điểm như: (i) thuộc sở hữu của một chủ thể nhất định; (ii) đáp ứng một lợi ích nhất định của con người (lợi ích vật chất hoặc lợi ích tinh thần); (iii) mang tính giá trị (giá trị và giá trị sử dụng). Tài sản theo quy định của BLDS 2015 được thể hiện dưới bốn dạng cụ thể, đó là: vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản.

Vật với tư cách là tài sản được hiểu là đối tượng của thế giới vật chất theo nghĩa rộng bao gồm cả động vật, thực vật, và tồn tại ở mọi trạng thái (rắn, lỏng, khí). Tuy nhiên, để được coi là tài sản thì vật cũng phải thỏa mãn được những đặc điểm của tài sản đã nêu ở trên. Ví dụ: nước trong một dòng sông, không khí ngoài khí quyển không thể nằm trong sự kiểm soát, chi phối của con người, do đó mặc dù cũng được coi là đối tượng tồn tại trong thế giới vật chất nhưng chúng không được xem xét với tư cách là tài sản. Khi nước được đóng vào chai, không khí được nén vào bình, con người có thể thực hiện việc kiểm soát, chi phối chúng, khi đó nước và không khí lại được coi là tài sản (tồn tại dưới dạng vật). Một điểm lưu ý nhất khi xem xét về vật đó là không sử dụng tiêu chí “được giao lưu trong dân sự” để khẳng định vật nào là tài sản. Ví dụ: ma túy là đối tượng bị cấm lưu thông, nhưng ma túy vẫn được xem xét là một loại tài sản (được thể hiện cụ thể dưới dạng vật).

Tiền là một loại tài sản đặc biệt, có chức năng trao đổi ngang giá với những loại tài sản khác. Tiền do Ngân hàng Nhà nước độc quyền phát hành và được hiểu là Việt Nam đồng. Giá trị của tiền được thể hiện ở mệnh giá trên chính đồng tiền đó. Tiền giữ chủ quyền quốc gia, có giá trị sử dụng ổn định và được sử dụng rộng rãi trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Bên cạnh chức năng trao đổi, tiền còn có chức năng dự trữ và thanh toán trên thị trường.

Giấy tờ có giá được hiểu là những giấy tờ trị giá được thành tiền và có thể chuyển giao được trong giao dịch dân sự. BLDS 2015 không có quy phạm pháp luật quy định về giấy tờ có giá mà quy định về loại tài sản này nằm rải rác trong các văn bản pháp luật có liên quan như: Nghị định số 11/2012/NĐ-CP ngày 22/02/2012 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010, Luật các công cụ chuyển nhượng năm 2005, Luật Chứng khoán năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2010)… Theo đó có thể liệt kê một số giấy tờ có giá như: cổ phiếu, trái phiếu, hối phiếu, kì phiếu, chứng chỉ tiền gửi, séc, chứng chỉ ký quỹ…

Quyền tài sản được quy định cụ thể trong BLDS 2015 tại Điều 115, theo đó quyền tài sản được hiểu là quyền có thể trị giá được thành tiền, và chuyển giao được trong giao dịch dân sự. Quyền tài sản bao gồm quyền đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất, hoặc một số quyền tài sản khác như: quyền đòi nợ, quyền yêu cầu chi trả khoản tiền bảo hiểm phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm…

Điều 107 BLDS 2015 định về bất động sản và động sản. Bất động sản thường được hiểu là những tài sản mà về đặc tính vật lý là không thể di dời, hoặc gắn liền với những tài sản có tính chất không thể di dời, bao gồm: đất đai; nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai; tài sản khác gắn liền với đất đai, nhà, công trình xây dựng; một số tài sản khác theo quy định của pháp luật. Bằng phương pháp loại trừ, pháp luật quy định động sản là những tài sản không phải bất động sản.

Việc xác định một tài sản là động sản hay bất động sản chỉ mang tính chất tương đối, gắn với một khoảng thời gian và không gian xác định. Ví dụ cây trồng trong vườn được xem là bất động sản, nhưng khi cây được đưa vào chậu cây cảnh thì lại được xem xét với tư cách là động sản. Bên cạnh yếu tố “không thể di dời” thì yếu tố “gắn liền” cũng là một tiêu chí để xác định tài sản là động sản hay bất động sản. Nội dung này đến nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào hướng dẫn cụ thể để có cách hiểu thống nhất, do đó việc xác định tài sản nào là tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng trong thực tiễn gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên có thể hiểu tài sản được coi là gắn liền với nhà, công trình xây dựng theo hướng nếu tháo dời, dỡ bỏ tài sản ra khỏi nhà, công trình xây dựng thì sẽ làm thay đổi kết cấu hoặc giảm sút nghiêm trọng giá trị của nhà, công trinh xây dựng đó.

Việc phân loại tài sản thành động sản và bất động sản mang những ý nghĩa pháp lý nhất định. Một trong những ý nghĩa đó liên quan đến việc đăng ký tài sản theo quy định của pháp luật. Theo quy định tại Điều 106 BLDS 2015, quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là động sản về nguyên tắc không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật về đăng ký tài sản có quy định khác.

Một tài sản được xem xét là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai vào thời điểm xác lập giao dịch dân sự nhất định liên quan đến tài sản đó. Tài sản hiện có là tài sản đã hình thành tại thời điểm xác lập giao dịch, tài sản hình thành trong tương lai là tài sản được hình thành sau thời điểm xác lập giao dịch. Ví dụ: hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, hợp đồng mua trái cây khi chưa đến mùa thu hoạch… Về cơ bản, tài sản hình thành trong tương lai phải đảm bảo điều kiện về việc có căn cứ xác thực về sự hình thành của tài sản tại một thời điểm nhất định nào đó trong tương lai.

Tài sản gốc là tài sản mà từ đó tạo ra được hoa lợi, hoặc từ việc khai thác tài sản gốc đó để tạo ra lợi tức. Theo quy định tại Điều 109 BLDS 2015, hoa lợi được hiểu là sản vật tự nhiên mà tài sản mang lại (ví dụ: lợn mẹ sinh ra lợn con, trái cây khi còn ở trên cây…); lợi tức được hiểu là khoản lợi thu được từ việc khai thác tài sản (ví dụ: tiền lãi khi gửi tiết kiệm ở ngân hàng, tiền nhà khi cho thuê nhà…).

Trong thực tế, tài sản tồn tại chủ yếu dưới dạng vật. BLDS 2015 đưa ra một số cách phân loại vật và ý nghĩa của việc phân loại này. Cụ thể như sau:

Căn cứ vào sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các vật, vật được phân loại thành vật chính và vật phụ. Trong đó vật chính được hiểu là vật có thể khai thác công dụng một cách độc lập theo tính năng, còn vật phụ là vật trực tiếp phục vụ cho việc khai thác công dụng của vật chính, là một bộ phận của vật chính nhưng có thể tách rời vật chính. Ví dụ: ti vi và điều khiển tivi, máy ảnh và vỏ đựng máy ảnh… Việc phân loại vật thành vật chính và vật phụ có ý nghĩa trong việc xác định nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ chuyển giao tài sản: về nguyên tắc khi chuyển giao vật chính cần chuyển giao cả vật phụ đi kèm, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Căn cứ vào đặc tính có thể phân chia được của vật, vật được phân loại thành vật chia được và vật không chia được. Cụ thể, vật chia được là khi thực hiện việc chia vật thành nhiều phần thì vẫn giữ nguyên được tính chất, công năng sử dụng ban đầu của vật. Ví dụ: gạo, thóc, xăng, dầu… có thể chia làm nhiều phần khác nhau mà không làm thay đổi tính chất, tính năng sử dụng của vật ban đầu. Tương tự như vậy, vật không chia được là vật mà khi chia sẽ làm ảnh hưởng đến tính chất, tính năng sử dụng ban đầu của vật. Ví dụ: xe máy, giường, tủ, tivi… Xuất phát từ bản chất không chia được mà trong những điều kiện, hoàn cảnh nhất định bắt buộc phải chia vật thì những vật không chia được phải định giá thành tiền để chia.

Vật có thể được phân loại thành vật tiêu hao và vật không tiêu hao phụ thuộc vào sự thay đổi tính chất, hình dáng ban đầu qua một lần sử dụng. Theo đó, vật không tiêu hao là những vật khi đã qua sử dụng nhiều lần mà về cơ bản vẫn giữ được tính chất, hình dáng và tính năng sử dụng ban đầu. Ví dụ: tẩy, xà phòng, đồ ăn… là những vật tiêu hao; nhà ở, máy móc… là những vật không tiêu hao. Cách phân loại này có ý nghĩa trong việc xác định đối tượng của hợp đồng thuê tài sản và hợp đồng mượn tài sản. Theo đó, chỉ những vật không tiêu hao mới có thể là đối tượng của hợp đồng thuê hoặc hợp đồng mượn, vì thông qua việc khai thác công dụng của tài sản, vật sẽ thay đổi tính chất, hình dáng, kích thước nếu vật đó là vật tiêu hao, dẫn đến việc không thể thực hiện nghĩa vụ trả lại tài sản khi đến hạn cho bên cho thuê , hoặc bên cho mượn tài sản.

Căn cứ vào đặc tính nhất định của vật để phân biệt vật này với vật khác, vật được phân loại thành vật cùng loại và vật đặc định. Trong đó, vật cùng loại là những vật có cùng hình dáng, tính chất, tính năng sử dụng và xác định được bằng những đơn vị đo lường; vật đặc định là những vật phân biệt được với vật khác bằng những đặc điểm riêng về ký hiệu, hình dáng, màu sắc, chất liệu, đặc tính, vị trí. Ví dụ: khi nhà xuất bản in 1000 cuốn sách giống nhau thì những cuốn sách đó được coi là vật cùng loại, nhưng khi cuốn sách được mua về nhà và người mua kí tên vào trang bìa thì khi đó có thể phân biệt nó với những cuốn sách khác, vật khi đó được xem xét là vật đặc định, vì có những đặc điểm riêng để phân biệt và nhận biết với các vật khác. Việc phân loại này có ý nghĩa trong việc xác định nghĩa vụ giao vật của bên có nghĩa vụ. Cụ thể khi giao vật cùng loại thì các vật cùng loại có cùng chất lượng có thể thay thế được cho nhau, nhưng khi thực hiện nghĩa vụ chuyển giao vật đặc định thì phải giao đúng vật đó.

Căn cứ vào tính liên kết, hệ thống của các bộ phận cấu thành nên vật, vật được phân loại thành vật đồng bộ và vật không đồng bộ. Theo đó, vật đồng bộ là vật gồm các phần hoặc bộ phận khớp với nhau thành một chỉnh thể mà nếu một trong những phần, bộ phận đó không đúng quy cách, chủng loại thì không sử dụng được hoặc giá trị sử dụng bị giảm sút. Từ lý do này, khi chuyển giao vật đồng bộ phải chuyển giao toàn bộ các phần hoặc bộ phận hợp thành, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Lê Xuân Ninh