Bẽ bàng mây sớm đèn khuya nghĩa là gì

Trích đoạn chia làm ba phần rõ rệt, nhất quán trong phong cách ngôn từ, và thi pháp tả tình, tả cảnh. Cho nên nếu cho rằng chỉ ở phần thứ ba, nghệ thuật biểu hiện mới là tả tình qua tả cảnh thì tuy có đúng nhưng không đủ, nhất là không thấy được tính nhất quán của Nguyễn Du. Để đảm bảo tính ổn định khách quan này, nên chăng cần một cách đặt tên :

  • Nỗi buồn hiện tại;
  • Lòng thương nhớ người thân ;
  • Tương lai vô vọng và vô định của kiếp người ?

Cả ba phần tuy có hướng đến những khía cạnh khác nhau, song đều quy tụ vào cái tôi chủ thể : nàng Kiều. Cái tôi ở đây là cái tôi tâm trạng.

Trước hết, ở sáu câu thơ đầu của bài thơ, tâm trạng của Kiều là một nỗi niềm khắc khoải triền miên trong nỗi buồn vô hạn. Nhưng buồn như thế nào, nếu phải cụ thể hơn, thì có đến hai quan điểm. Cách nhìn nhận thứ nhất cho rằng cả sáu câu đầu gợi tả hoàn cảnh cô đơn với những căn cứ ngôn từ có trong văn bản, chẳng hạn như : khoá xuân thực chất là bị giam lỏng, nàng trơ trọi giữa không gian mênh mông hoang vắng (mênh mang trời nước, dãy núi mờ xa, cồn cát bụi mù, không một bóng người), Kiều sống trong một thời gian tuần hoàn khép kín (mây sớm đèn khuya, V.V.). Cách hiểu ấy rõ ràng là có cơ sở nhưng dường như đã bỏ quên (hay là bỏ qua ?) hai câu thơ vô cùng quan trọng là :

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,

Nửa tình nửa cảnh, như chia tấm lòng.

ở câu lục, ý kiến nhận xét trên không đả động gì đến hai chữ bẽ bàng còn ở câu bát hoàn toàn không được nhắc tới. Bởi vậy chúng tôi cho rằng, nên hiểu đoạn thơ theo cách thứ hai. Cách hiểu này lấy hai câu dẫn làm căn cứ mới có khả năng phát hiện được tâm trạng đích thực của nhân vật nàng Kiều. Trong cách hiểu này, ta phải tách đôi câu sáu :

Bẽ bàng / mây sớm đèn khuya

Đây là một câu thơ hai đối tượng : bẽ bàng thuộc về Thuý Kiều còn mây sớm đèn khuya thuộc về thiên nhiên. Soi vào thiên nhiên, Kiều nhận ra một thứ chân dung biến dạng của bản thân mình. Thiên nhiên ấy là gì, mây sớm thì tinh khôi, trong sạch, đèn khuya, phải chăng chính là lương tâm ? Sự trong sạch mây sớm gợi cái tương phản nhớp nhơ, còn đèn khuya gợi sự giày vò của chính con người đau khổ ấy. Cái nhìn phản cảm này không phải bây giờ mới có. Ngay lần gặp Mã Giám Sinh, tên lừa đảo buôn người, Thuý Kiều đã vô cùng ngượng ngập :

Ngại ngùng dợn gió e sương,
Ngừng hoa bóng thẹn trông gương mặt dài

Bởi đây là hai thế giới khác hẳn nhau, hai hạng người khác nhau mà Kiều phải nhắm mắt đưa chân làm con mồi cho chúng. Nhưng lần này thì khác. Cái xấu không còn ở đối phương, nó đã thuộc về chính mình, một con người đã có một thời không phải thế, một thời phong nhuỵ màn che, trướng rủ. Bởi thế mới dẫn đến bẽ bàng. Bẽ bàng là sự tủi, thẹn cho chính người đang có nó. Bởi nó đang hiện diện nơi nàng nên mới có sự phân đôi : một tấm lòng chia làm hai nửa : nửa tình, nửa cảnh. Tinh và cảnh ở trong văn chương trung đại dường như đồng hành, một tiếng hát bè đôi theo nguyên tắc Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ. Nhưng ở đây một nghịch lí xuất hiện phá vỡ nguyên tắc chủ quan hoá khách quan. Sự vò xé trong tâm trạng bởi không đổng hoá được giữa khách thể và chủ thể này đã làm giàu thêm yếu tố hiện thực ở trong thơ. Cảnh rất đẹp, rất trong, đầy ắp tiềm năng cho thi hứng, nhưng đối diện với nó, một hồn thơ không thể cất bút làm thơ như những lần trước đó và sau này. Tâm hồn ấy bị trọng thương. Con chim nhìn bầu trời thèm khát không còn đủ sức bay lên. Nó đã bị mũi tên nhằm trúng đích.

Từ đó ta mới thấy bốn câu mở đầu là một bức hoạ. Bức tranh trời như dệt gấm thêu hoa, ẩn hiện với Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung. Ở câu thơ này còn có cái bất ngờ của cảm giác lạ. Khoảng xa, độ gần về vật lí, do nhân biết bằng tâm lí mà chúng đổi chỗ cho nhau. Trăng vốn xa bỗng chốc nên gần (tấm trăng gần) và ngược lại cái xa lại thuộc về núi.

Câu thơ mờ tỏ Sen vàng lãng đãng như gần như xa. Hai cảm giác thực và mộng đan gài vào nhau như hiện ra từ một giấc chiêm bao. Có người hiểu

(1) Có bản chép là Ngại ngùng gợn gió e sương Xem hoa bóng thẹn trông gương mặt dày.câu thơ đó tiếp nối với hai câu sau tạo thành một sự bủa vây, tạo nên sự rợn ngợp trong tâm trạng của người nhìn cảnh là chưa đúng. Bởi nếu thế thì ở đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích có đến hai lớp bao vây : một của Tú Bà (khoá xuân), một là của thiên nhiên vô tội (?). Mà làm sao có thể hiểu hai câu thơ rất đẹp rất thơ là sự bủa vây :

Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia.

Xa trông là trông thêm một tầm của mắt, rộng hơn, thoáng đãng hơn, thấy những dặm đường, cồn cát. Chúng chỉ là những chi tiết đời thường rất dễ bị lãng quên, nhưng cát ở đó là cát vàng bụi đường quẩn lên là bụi hồng, bụi đỏ, thì đâu còn cái vô giá trị, cái tẻ nhạt ? Nó đã nên thơ. Đúng ra là cuộc sống bình thường có chất thơ riêng của nó, khi con người không bị áp bức, không rơi vào cảnh ngộ đường cùng (mà Kiều lúc này đây đang trải nghiệm). Bởi thế cái đẹp thuộc về nửa cảnh, còn đối lập với cái đẹp thuộc phía nửa tình. Câu thơ và cả đoạn thơ (sáu câu) mới bề bộn ngổn ngang, giằng xé. Chỉ có điều bề bộn mà vẫn như không. Cái động ở đáy sâu chứ không phải nổi trên bề mặt nước tĩnh tại, yên bình. Những cặp câu thơ lục bát rất nhịp nhàng đăng đối vừa diễn tả cái lặng lẽ bên ngoài, vừa rất nên thơ. Phép đối trong câu, hoặc trong một vế câu rất dụng công của tác giả đã nâng tầm cái thực lên thành cái đẹp mà không đẽo gọt, cầu kì, rất dung dị, tự nhiên.

Với phần hai của đoạn trích gồm tám câu tiếp theo diễn tả lòng thương nhớ người thân của Thuý Kiều, đặc sắc nghệ thuật ở đây là ngôn ngữ nội tâm độc thoại. Tất cả là nội tâm, là độc thoại. Vấn đề là cách độc thoại khác nhau chứ không hẳn là phần có, phần không một cách rõ ràng tách bạch. Vậy nên chăng định hướng cho phần này chỉ đi vào nỗi nhớ người thân. Cái khó ở đây chưa phải là cái khó của việc khai thác hình tượng, ngôn ngữ mà là ở ý thơ và giọng điệu. Về ý thơ có hai câu chưa rõ nói về ai:

Bên trời góc bể bơ vơ,

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

Tấm son, theo cách hiểu thứ nhất thuộc về Thuý Kiều. Có thể đó là tấm lòng nhớ thương Kim Trọng không bao giờ nguôi quên, hoặc cũng có thể là tấm lòng trong trắng của Kiều bị dập vùi hoen ố biết bao giờ gột rửa. Chúng tôi xin đề xuất một cách hiểu thứ hai: tấm son ấy thuộc về Kim Trọng với ba lí do.

  • Xét về hình tượng thơ, phần này nói về Kim Trọng, lòng thương nhớ Kim Trọng của nàng Kiều. Vậy nó phải nhất quán, chứ không phải hai câu trước nói về Kim Trọng rồi hai câu sau nói đến Thuý Kiều. Chỉ có nền tảng cảm xúc nhớ thương là của nàng Kiều, để từ đó mà chỉ một nhân vật Kim Trọng hiện lên duy nhất. Nếu so sánh phần nói về cha mẹ (bốn câu tiếp theo) ta thấy mạch thơ, hình tượng thơ vẫn là như thế. Nếu cho rằng tấm son là của Thuý Kiều thì hai câu thơ đó sẽ rơi vào tình trạng non tay, lạc phong cách, và điều này không thể chấp nhận được ở Nguyễn Du.
  • Tấm son có liên quan đến khái niệm chân trời góc bể (Bên trời góc bể bơ vơ). Ai trong số hai người đang lạc loài nơi ấy ? Là Thuý Kiều thì điều này ai cũng hiểu. Nhưng sao không thể hiểu người ấy là Kim Trọng, bởi vì yêu nhau mà phải xa nhau thì người nọ cũng xem người kia là góc bể, chân mây nghĩa là một độ xa mà người ta không đo được (về tâm lí chứ không phải về địa lí). Vì trên đời này, ai có thể đến nơi tận cùng vô định bằng nỗi nhớ thương ?
  • Điều đáng kể hơn cả, tấm son là lòng chung thuỷ sắt son, trong tình yêu, nó dành cả cho hai người, về phía Thuý Kiều, nó còn đâu nguyên vẹn nữa nếu hiểu theo cách thông thường (khác với sau này khi Kim Kiều gặp lại Như nàng lấy hiếu làm trinh). Một con người tự trọng như Kiều làm sao còn nhận mình là kẻ vẫn giữ được tấm son trong cảnh ngộ buộc phải làm vợ kẻ khác ? Và ngược lại, về phía chàng Kim, Kiều biết chàng vẫn chung tình dù đang ở góc bể chân mây. Ân hận của nàng Kiều là mình không còn xứng đáng với chàng. Vậy chỉ còn một cách làm sao cho tấm son ấy ở chàng Kim phai nhạt đi, đừng đinh ninh chờ đợi và Kiều lại thêm một lần mang tội. Hiểu như thế câu thơ không những nhất quán, liền mạch mà còn giàu ý nghĩa biết bao.

Bốn câu thơ nói về cha mẹ không có gì đặc biệt với cách nói ước lộ, sách vở rất quen thuộc về đạo hiếu thời xưa. Có chăng theo cách nói của người khác như thế, nhưng tâm trạng thổn thức là của riêng nàng, nó mới xót xa, thấm thìa đến rưng rưng. Thành công của Nguyễn Du là làm mới lại một cái gì tưởng như đã cũ.

Tám câu thơ cuối là những cảm nhận phù du về tương lai vô vọng và vô định, vô nghĩa của kiếp người. Điều này không phải ngẫu nhiên.Vì bản thân đang là con mồi cho tạo hoá dập vùi. Vì lòng thương (với Kim Trọng và cha mẹ) của nàng bất lực. Cuộc đời đó đối với nàng còn có nghĩa gì đâu. Cảnh ớ đây hoàn toàn khác so với cảnh đầu, không phải mây sớm trăng khuya, núi đồi, đống mà là cảnh biển, một mặt biển mênh mông đúng vào lúc chiều buông mặt trời gác núi. Còn cái khác thứ hai là ở trạng thái xúc cảm. Có đến bốn cụm từ buồn trông đặt ở đầu câu mở ra bốn cặp câu lục bát như mở ra một nỗi buồn chất chứa tầng tầng lớp lớp lâu nay nén chặt trong lòng. Đây là lúc nàng được giãi bày với trời, với biển. Vậy tâm trạng ấy là tâm trạng gì ? Tâm trạng ấy bây giờ đồng hành cùng cảnh vật, với ngọn nước, cánh buồm, bông hoa, ngọn cỏ, v.v. Ngọn nước là ngọn nước mới sa nó đục chứ không trong (Đục như tiếng suối mới sa nửa vời), cánh buồm như một ảo ảnh gợi sự chia li, bông hoa trôi dạt, ngọn cỏ rầu rầu không còn sức sống tựa như ngọn cỏ trên mộ Đạm Tiên.

Những cảnh ấy gõ cửa và tâm hồn Kiều mở ra, đồng điệu. Để từ đó có sự hoà thanh, hoà âm về nỗi bất hạnh của con người. Những câu thơ này không chỉ có cảnh, có tình, nó còn mang một hàm ý triết học trong sự giải đáp cho kiếp người, ở nơi trăm năm trong cõi.

( Phân tích tám câu này, có người cho rằng Kiều nhớ mẹ, nhớ quê hương : Buồn trông cửa bể chiều hôm, buồn nhớ người yêu và xót xa cho duyên phận : Buồn trông ngọn nước mới sa, buồn cho cảnh ngộ của chính mình : Buồn trông gió cuốn mặt duềnh. Đó là những suy diễn hoàn toàn không có căn cứ.)