Chính sách phát triển thị trường khoa học công nghệ

(HNM) - Thúc đẩy thương mại hóa sáng chế, đẩy nhanh ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn cuộc sống có thể coi là yếu tố quyết định, giúp phát triển thị trường khoa học - công nghệ, nhằm nâng cao trình độ lĩnh vực này ở Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề liên kết, hợp tác và chuyển giao công nghệ hiện vẫn còn nhiều hạn chế, vướng mắc, cần phải được tháo gỡ.

Chính sách phát triển thị trường khoa học công nghệ

Việc ứng dụng giải pháp chiếu sáng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp. Trong ảnh: Giới thiệu sản phẩm đèn Led smart đa năng ứng dụng trong nhân giống nuôi cấy mô, cây dược liệu.

Khó khăn trong thương mại hóa sáng chế 

Việc sáng tạo, chuyển giao tri thức và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ từ các viện, trường, các tổ chức nghiên cứu… vào sản xuất, tuy đã đạt được nhiều thành công, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Là đơn vị nghiên cứu khoa học và công nghệ công lập lớn nhất trong lĩnh vực trồng trọt, hằng năm, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (Bộ NN&PTNT) tạo ra hàng chục loại giống cây trồng và tiến bộ kỹ thuật mới, cũng như chuyển giao một loạt thành quả nghiên cứu khoa học, công nghệ cho các bên liên quan. Thế nhưng, theo Tiến sĩ Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, việc quản trị và phát triển các tài sản trí tuệ vẫn còn quá ít.

Còn theo Giáo sư Nguyễn Quang Liêm, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu (Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam), mặc dù các nhà khoa học đã có nhiều kết quả nghiên cứu về vật liệu tiên tiến ở rất nhiều hướng hiện đại, nhưng việc đưa các vật liệu ấy vào ứng dụng trong sản xuất vẫn còn điểm nghẽn. Điều đó thể hiện chủ yếu ở hai điểm: Doanh nghiệp chưa có xu hướng đầu tư vào hoạt động nghiên cứu và phát triển để tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa; ngành công nghiệp chưa thực sự tin tưởng và chia sẻ với các cơ sở nghiên cứu trong nước. Bên cạnh đó, việc thiếu kiến thức về vấn đề liên quan tới quyền sở hữu trí tuệ, quy định phân chia lợi nhuận trong các hoạt động chuyển giao khoa học và công nghệ cũng là rào cản lớn. Có doanh nghiệp ký hợp đồng nhận chuyển giao công nghệ của nhà khoa học, nhưng chỉ một thời gian sau khi tiếp thu được công nghệ, thì không cần đến nhà khoa học nữa...

Trưởng ban Khoa học - Công nghệ, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh Lâm Quang Vinh cho rằng, thương mại hóa sáng chế khó khăn, dẫn đến nhà khoa học thiếu động lực đăng ký sáng chế; chưa có mô hình tổ chức khoa học và công nghệ mới để áp dụng cơ chế và chính sách đặc biệt.

Chính sách phát triển thị trường khoa học công nghệ

Khai trương “Sàn giao dịch Thông tin công nghệ và thiết bị” - nơi cung cấp thông tin, dịch vụ chuyển giao, tư vấn mua bán công nghệ, góp phần phát triển thị trường khoa học và công nghệ Việt Nam.

Cần sự phối hợp toàn diện

Theo các chuyên gia, giải bài toán thương mại hóa kết quả nghiên cứu không chỉ là việc của các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp, mà phải là một sự phối hợp toàn diện từ tất cả các bên. Nói cách khác, cần một sự hợp tác để xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa 3 nhà: Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học.

Ông Lâm Quang Vinh cho rằng, để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ hình thành từ kết quả nghiên cứu trong trường đại học, cần lấy đổi mới mô hình quản trị làm “nền tảng”, nhân sự - hợp tác - tài chính là “trụ cột” và các định hướng đột phá là “mũi nhọn”. Còn theo Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ (Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam) Phan Tiến Dũng, Nhà nước cần giao quyền sở hữu trí tuệ của các kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì nghiên cứu để thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, cần thử nghiệm mô hình thương mại hóa công nghệ đặc thù, với một cơ chế đặc biệt tại các trường đại học, viện nghiên cứu lớn…

Là đại học hàng đầu về khoa học và công nghệ tại Việt Nam, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí điểm thành lập hệ thống doanh nghiệp BK Holdings, từ đó vốn hóa được tài sản tri thức là các kết quả nghiên cứu khoa học của nhà trường. Tiến sĩ Nguyễn Trung Dũng, Tổng Giám đốc BK Holdings cho biết, để đưa được sáng chế ra thị trường cần hội tụ 3 yếu tố: Sáng chế có tính ứng dụng cao, giải quyết nhu cầu cụ thể và đủ lớn của thị trường; nhà khoa học có nguồn tài chính ươm tạo hỗ trợ ban đầu và phải có tổ chức hỗ trợ trung gian chuyên nghiệp, độc lập với hệ thống hàn lâm trong trường đại học, viện nghiên cứu.

Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Tiến sĩ Hoàng Minh, Giám đốc Học viện Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cho hay, trong xu thế ngày nay, khoa học, công nghệ gắn liền với sản xuất, kinh doanh và song hành với việc thương mại hóa kết quả, tạo thành chuỗi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, khoa học và công nghệ tạo ra tri thức, còn đổi mới sáng tạo nhằm biến tri thức thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ứng dụng vào cuộc sống. Thương mại hóa thành công các sáng chế sẽ trở thành yếu tố quan trọng trong tăng trưởng của đổi mới sáng tạo, đồng thời tránh hiện tượng chảy máu chất xám. Việc ra đời của Sàn giao dịch Thông tin công nghệ và thiết bị là kênh quan trọng giúp kết nối cung - cầu công nghệ.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, định hướng của Bộ trong thời gian tới là ủng hộ những đề tài xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, làm sao để các giao dịch mua - bán công nghệ trên thị trường phải sôi động, đủ hấp dẫn để đưa lên sàn chứng khoán, mua bán ở các sàn giao dịch công nghệ… Trước mắt, Bộ đang tổ chức nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm chính sách về thương mại hóa các kết quả nghiên cứu có sử dụng ngân sách nhà nước.

Trong năm 2022 và những năm tiếp theo, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin gắn với chuyển đổi số trong hoạt động thông tin, thư viện, thống kê KH&CN và đổi mới sáng tạo là đòi hỏi tất yếu nhằm phục vụ thiết thực nhu cầu cộng đồng khoa học và doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Bộ Khoa học và Công nghệ, hiện quản lý nhà nước về hoạt động thông tin và thống kê KH&CN tiếp tục được tăng cường hiệu lực, hiệu quả. Hành lang pháp lý cho hoạt động thông tin, thống kê KH&CN tương đối đầy đủ và hoàn thiện đã giúp công tác quản lý nhà nước ngày càng minh bạch và hiệu quả hơn.

Trong đó, thông tin KH&CN, đặc biệt là thông tin phục vụ lãnh đạo, quản lý và hoạt động nghiên cứu tiếp tục được chú trọng nâng cao cả về chất lượng, nội dung và hình thức, gắn kết chặt chẽ hơn với nhu cầu của xã hội, nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh. Nguồn lực thông tin tiếp tục được chú trọng phát triển, số lượng, chủng loại sách, tạp chí, các cơ sở dữ liệu về KH&CN trong và ngoài nước được tăng cường, cập nhật, xử lý để phục vụ kịp thời, hiệu quả cho công tác hoạch định chiến lược, chính sách cũng như công tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Cùng với đó, công tác thống kê KH&CN ngày càng chuyên nghiệp, việc xử lý, tổng hợp số liệu từ các cuộc điều tra thống kê cũng như từ báo cáo thống kê cơ sở, báo cáo thống kê tổng hợp được thực hiện nhanh chóng, chính xác thông qua các phần mềm chuyên ngành. Hạ tầng thông tin KH&CN được đẩy mạnh phát triển, đã thực sự làm nền tảng trực tiếp cho hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN và hoạt động thông tin KH&CN.

Một điểm nhấn là hoạt động xúc tiến phát triển thị trường KH&CN được quan tâm với nhiều đổi mới theo hướng bám sát nhu cầu của thị trường. Sàn giao dịch thông tin công nghệ được khai trương, đánh dấu thành công bước đầu của mô hình hợp tác công - tư trong thúc đẩy thị trường công nghệ.

Bên cạnh mặt tích cực, hoạt động xúc tiến phát triển thị trường KH&CN chưa đạt được kết quả như mong muốn do chưa có được đội ngũ cán bộ có chuyên môn và kỹ năng tư vấn hỗ trợ kết nối cung cầu chuyển giao công nghệ, chưa thiết lập được cơ chế thuê chuyên gia công nghệ để góp phần đẩy mạnh hoạt động tư vấn, kết nối cung cầu công nghệ. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN còn gặp khó khăn trong việc thu thập đầy đủ các dữ liệu về nhiệm vụ KH&CN cũng như việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu từ các đơn vị khác trong Bộ KH&CN vào Cơ sở dữ liệu KH&CN quốc gia.

Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh vai trò không thể thiếu của thông tin KH, CN và đổi mới sáng tạo đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện nay. Theo thứ trưởng Lê Xuân Định  “Thông tin là thành tố quan trọng dẫn dắt mọi hoạt động và liên kết các hoạt động trong hệ thống KH, CN và đổi mới sáng tạo. Do vậy, hoạt động thông tin cần đổi mới đồng bộ với hệ thống, cân bằng thông tin phục vụ các viện, trường với thông tin phục vụ doanh nghiệp; xây dựng hệ thống "mở" trong hoạt động thông tin để tăng cường sự tham gia của cộng đồng KH&CN vào nền tảng thông tin KH, CN và đổi mới sáng tạo.

Để phát huy vai trò của của thông tin KH&CN, cần khai thác tối ưu các nguồn lực con người và vật chất để phục vụ hiệu quả hoạt động này; đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục trong đăng ký kết quả nhiệm vụ KH&CN, tra cứu thông tin; số hóa hoạt động thông tin để hệ thống hoạt động công khai, minh bạch, hiệu quả và tiết kiệm; đồng thời tích hợp việc quản lý thông tin KH&CN với hệ thống quản lý nhiệm vụ KH&CN, đảm bảo tính liên thông các hoạt động trong hệ thống, phục vụ công tác quản lý KH,CN và đổi mới sáng tạo.

Một số nhiệm vụ trọng tâm trong Thông tin KH&CN năm 2022

- Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật về hoạt động thông tin và thống kê KH&CN; Phổ biến, hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp quy mới được ban hành và các quy định pháp luật có liên quan đến hoạt động thông tin, thống kê KH&CN;

- Dự kiến xây dựng 2 Thông tư;

- Triển khai thực hiện Thông tư “Định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trong lĩnh vực thông tin, thống kê, thư viện KH&CN” sau khi được ban hành;

- Tăng cường hoạt động hướng dẫn, phối hợp công tác với các tổ chức đầu mối thông tin, thống kê KH&CN của các bộ, ngành, địa phương.

tapchicongthuong.vn