Đánh giá công việc tình nguyện cho học sinh

  • Điều kiện sống
  • Đào tạo
  • Sức khỏe
  • An toàn và An ninh
  • Năng lực liên văn hóa, đa dạng, bình đẳng và hòa nhập

{'html': ''}

Điều kiện sống

Phương tiện liên lạc

Điện thoại

Điện thoại di động có ở khắp mọi nơi tại Việt Nam và Wi-Fi được phủ sóng rộng rãi. Tất cả các Tình nguyện viên của Chương Trình Hòa Bình phải có điện thoại di động theo kế hoạch khẩn cấp. Tình nguyện viên có thể tự mang theo điện thoại của mình để sử dụng trong thời gian phục vụ. Họ phải đảm bảo điện thoại được “mở khóa”. Tất cả các Tình nguyện viên sẽ nhận được một khoản tiền nhỏ để bù đắp tiền mua điện thoại họ mang theo hoặc để mua điện thoại tại Việt Nam. Các Tình nguyện viên cũng được cung cấp một khoản trợ cấp liên lạc nhỏ đủ để mua gói cước điện thoại cơ bản phục vụ cho các trường hợp khẩn cấp trong nước. Có thể dễ dàng mua thẻ SIM tại Việt Nam và có nhiều gói dịch vụ dành cho các Tình nguyện viên muốn mở rộng phạm vi dịch vụ bằng chi phí của mình. Cũng như ở các quốc gia khác, những Tình nguyện viên truy cập được vào Internet có thể thích sử dụng WhatsApp, Zoom, Skype hoặc Facetime để giảm chi phí cho các cuộc gọi quốc tế.

Internet

Việt Nam xếp thứ 16 trên thế giới về số lượng người dùng Internet. Các dịch vụ giá cả phải chăng cho phép người dùng truy cập Internet dễ dàng hơn. Bạn có thể truy cập Internet không dây ở hầu hết mọi nơi, mặc dù tốc độ kết nối và độ ổn định có thể có chất lượng khác nhau. Các Tình nguyện viên có thể đăng ký một mạng riêng ảo trước khi đến Việt Nam. Mặc dù vậy, Tình nguyện viên không nên cho rằng mình được hoàn toàn bảo mật khi sử dụng Internet và mạng xã hội khi ở Việt Nam.

Vị trí nhà ở và địa điểm phục vụ

Thủ đô của Việt Nam - Hà Nội, là một thành phố lớn bao gồm nhiều quận và huyện. Nhóm Tình nguyện viên đầu tiên tại Việt Nam sẽ sinh sống và làm việc tại các thị trấn và cộng đồng nhỏ trên khắp địa bàn thành phố Hà Nội.

Tình nguyện viên tại Việt Nam sẽ sống với các gia đình bản xứ trong suốt thời gian đào tạo trước khi triển khai (PST) (ba tháng đầu tiên trong nước) và trong hai năm phục vụ (sau khi tuyên thệ trở thành Tình nguyện viên của Chương Trình Hòa Bình). Trong thời gian PST, Tình nguyện viên có thể sẽ sống tại nhà của những người dân địa phương ở gần nhau, gần các địa điểm đào tạo. Trong hai năm phục vụ, mỗi Tình nguyện viên sẽ sống tại nhà của một người dân địa phương gần trường được phân công, hoặc có thể sống ở nơi cách các Tình nguyện viên khác một giờ lái xe hoặc hơn. Mỗi Tình nguyện viên sẽ được chuyển tới một cộng đồng nơi họ có thể đi chợ của địa phương.

Cũng giống như tất cả các địa điểm được chọn cho Tình nguyện viên, nhà ở phải đáp ứng được các yêu cầu về an toàn và an ninh của Chương Trình Hòa Bình. Gia đình bản xứ sẽ cung cấp cho Tình nguyện viên một phòng riêng an toàn có đồ nội thất cơ bản, phòng tắm và tiện nghi nhà bếp chung. Các ngôi nhà phải đạt tiêu chuẩn tương tự như nhà ở của các đồng nghiệp giảng dạy người Việt Nam. Mặc dù Tình nguyện viên nên sẵn sàng thích nghi với nhiều điều kiện sống khác nhau, nhưng cán bộ chương trình dự đoán là sẽ có sẵn điện, nước sinh hoạt và hệ thống ống nước trong nhà.

Ở Việt Nam, các gia đình nhiều thế hệ thường sống trong cùng một hộ gia đình. Những người cao tuổi được tôn trọng và có tục lệ thờ cúng tổ tiên: gia đình bản xứ của bạn có thể có bàn thờ gia tiên trong nhà. Người nam giới lớn tuổi nhất được coi là chủ nhà và Tình nguyện viên sẽ dần thấy rõ các vai trò giới truyền thống khác trong gia đình. Tình nguyện viên cũng cần biết rằng các giá trị tập thể có ý nghĩa rất quan trọng đối với gia đình Việt Nam và đối với xã hội nói chung, cũng như quan niệm về tiết kiệm hay giữ “thể diện”. Do đó, cả gia đình có thể cảm nhận được những thành công và thách thức của cá nhân Tình nguyện viên .

Tình nguyện viên sẽ có phòng riêng trong ngôi nhà của gia đình, nhưng sẽ có ít sự riêng tư hơn so với khi họ sống ở Hoa Kỳ. Sống với gia đình bản xứ không giống như chỉ đơn giản là thuê một phòng: bạn sẽ tham gia vào các hoạt động chung - như nấu ăn cùng nhau, chia sẻ bữa ăn và tổ chức các sự kiện của gia đình - và gia đình bản xứ có thể sẽ cảm thấy họ phải chịu trách nhiệm về sức khỏe và sự an toàn của bạn. Họ có thể sẽ rất quan tâm đến cách bạn sử dụng thời gian, những thứ bạn thích ăn, cũng như những sở thích và thú vui của bạn.

Gia đình Việt Nam rất coi trọng giáo dục nên cha mẹ luôn khuyến khích con cái học hành và đạt thành tích xuất sắc ở trường. Các bậc cha mẹ tin rằng một nền giáo dục tốt là sự đầu tư tuyệt vời cho sự tiến bộ của gia đình và con cái vào đại học là một điều vô cùng tự hào. Nhiều học sinh đăng ký học thêm ngoài giờ và học các lớp riêng nếu có lớp và có đủ khả năng tài chính để cải thiện kết quả của kỳ thi. Do đó, các gia đình bản xứ có thể ưu tiên con cái tham gia hoạt động học tập hơn là hoạt động ngoại khóa hay giải trí. Họ cũng có thể đề nghị bạn dành thời gian giúp đỡ các thành viên trong gia đình học và thực hành tiếng Anh. Tình nguyện viên nên nắm bắt cơ hội này để phát triển mối quan hệ và giao lưu văn hóa với gia đình bản xứ, cũng như theo đuổi cơ hội học và thực hành tiếng Việt cùng với họ.

Tất cả các gia đình bản xứ đều tham gia buổi hướng dẫn do nhân viên của Chương Trình Hòa Bình tiến hành để giải thích mục đích của PST và chương trình gia đình bản xứ. Khi chào đón Tình nguyện viên đến nhà của mình, các gia đình bản xứ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Tình nguyện viên phát triển kỹ năng ngôn ngữ và văn hóa và trở thành một thành viên hòa nhập hoàn toàn vào cộng đồng địa phương. Thích nghi với một cách sống mới ban đầu có thể là thách thức đối với bạn; nhưng chính mối quan hệ với gia đình bản xứ lại là điểm nổi bật của hoạt động Tình nguyện viên.

Trợ cấp sinh hoạt và quản lý tiền bạc

Tình nguyện viên được trợ cấp hàng tháng bằng đồng Việt Nam đủ để trang trải các chi phí cơ bản. Khoản trợ cấp bao gồm một khoản tiền Tình nguyện viên phải trả cho gia đình bản xứ, cũng như tiền mua thực phẩm, đồ dùng gia đình, quần áo, phương tiện đi lại đến nơi làm việc, tiện ích, vui chơi giải trí ở mức vừa phải và các chi phí phát sinh. Tình nguyện viên của Chương Trình Hòa Bình được kỳ vọng sẽ có mức sống tương đương với những đồng nghiệp ở nước sở tại. Chương Trình Hòa Bình không khuyến khích Tình nguyện viên tăng thêm tiền trợ cấp sinh hoạt bằng nguồn tiền từ gia đình. Có sẵn cây ATM ở các thành phố và có thể sử dụng thẻ tín dụng tại các cơ sở lớn hơn. Hãy kiểm tra với ngân hàng về phí dịch vụ cho các giao dịch quốc tế.

Thực phẩm và chế độ ăn uống

Đồ ăn Việt Nam rất đa dạng, nhiều hương vị và ngon tuyệt. Thịt, đặc biệt là thịt lợn và cơm là thức ăn hàng ngày của nhiều gia đình Việt Nam. Trái cây tươi và rau vô cùng phong phú. Thực phẩm được chế biến theo nhiều cách: chiên, xào, luộc hoặc hấp. Bữa ăn điển hình của người Việt bao gồm cơm, canh, thịt hoặc cá, rau và nước mắm chanh tỏi ớt.

Những Tình nguyện viên không thích ăn thịt, cá hoặc sản phẩm động vật cần biết rằng những thành phần này thường được thêm vào để tăng thêm hương vị cho món ăn.

Việc chuẩn bị thức ăn thường do các thành viên nữ trong gia đình thực hiện và bạn sẽ được đánh giá cao khi đề nghị giúp đỡ họ. Chia sẻ thực phẩm mà bạn làm hoặc mua với gia đình bản xứ là một cách để thể hiện rằng bạn ban tâm tới họ.

Tất cả các món ăn được dùng chung và các thành viên trong gia đình sẽ tự phục vụ trong suốt bữa ăn. Trong gia đình thường có rượu và thường được mang ra để phục vụ khách; đặc biệt là nam giới có thể bị ép uống rượu.

Phương tiện giao thông

Tình nguyện viên có thể đi bộ, đi xe đạp và/hoặc xe buýt đến trường hoặc đi chợ. Việt Nam có mạng lưới xe buýt rộng khắp và chúng tôi dự đoán Tình nguyện viên có thể đi từ địa điểm phục vụ của họ ở các huyện ngoại thành Hà Nội vào trung tâm thành phố bằng xe buýt; ở đó cũng có thể có taxi. Để đi du lịch ở Việt Nam, Tình nguyện viên có thể chọn đi bằng xe buýt, tàu hỏa hoặc máy bay. Lưu ý rằng Tình nguyện viên không được sử dụng xe máy/xe tay ga (cho dù là tài xế hay hành khách) tại bất kỳ khu vực nào trên cả nước, cũng như không được sử dụng xe đạp ở trung tâm Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Hoạt động xã hội

Chương Trình Hòa Bình Việt Nam là một chương trình mới nên nhân viên vẫn đang tìm hiểu về những loại hoạt động xã hội phổ biến dành cho Tình nguyện viên trong cộng đồng bản xứ. Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng người Việt Nam rất hiếu khách và thân thiện, vì vậy Tình nguyện viên có thể mong đợi nhiều lời mời dùng bữa hoặc uống trà, cà phê cùng nhau. Thể thao và tập thể dục nhóm cũng là những hoạt động phổ biến.

Tính chuyên nghiệp, trang phục và hành vi

Với vai trò là giáo viên, Tình nguyện viên được kỳ vọng sẽ làm gương và điều quan trọng là họ phải tuân thủ các tiêu chuẩn về trang phục nghề nghiệp của địa phương. Điều này thể hiện sự tôn trọng đối với cộng đồng và quốc gia mà chúng ta sinh sống và phục vụ, cũng như giúp tăng khả năng được tin cậy, tôn trọng và khả năng hòa nhập chung của Tình nguyện viên. Lưu ý rằng phụ huynh có thể bày tỏ lo lắng nếu ngoại hình của giáo viên không theo chuẩn mực thông thường của địa phương, ngay cả khi giáo viên ở ngoài trường học. Điều này có thể dẫn đến khó xây dựng lòng tin, ảnh hưởng tiêu cực đến việc hòa nhập và khả năng thành công tối ưu trong quá trình phục vụ của Tình nguyện viên. Ở Việt Nam, trường học và khu học chánh sẽ có quy định về trang phục và đầu tóc. Tình nguyện viên sẽ được yêu cầu tuân thủ những quy định này và đảm bảo ngoại hình phù hợp với các tiêu chuẩn văn hóa, đặc biệt là về trang phục, tóc, khuyên và hình xăm.

Kỳ vọng về trang phục tại các trường học Việt Nam có thể bảo thủ hơn so với những gì bạn đã quen thuộc ở Hoa Kỳ. Điều này có nghĩa là Tình nguyện viên nên mặc quần dài, váy và áo sơ mi sạch sẽ, gọn gàng và vừa vặn. Quần âu (hoặc váy) và áo sơ mi có cổ ngắn tay hoặc dài tay là các trang phục phù hợp ở trường. Đầm và váy nên dài quá đầu gối. Không nên mặc quần áo bị rách, sờn, nhăn, bó sát, hở hang, cũng như quần áo thể thao và mũ lưỡi trai. Dép xỏ ngón hoặc giày sục không phù hợp với việc dạy học. Có thể chấp nhận giày nữ hở mũi.

Nam và nữ Tình nguyện viên cần giữ đầu tóc sạch sẽ và gọn gàng cả khi ở trong và ngoài trường. Giáo viên nam Việt Nam thường cạo râu sạch sẽ. Tình nguyện viên cần sẵn lòng tìm cách dung hòa với văn hóa bản địa ở kiểu tóc, màu tóc, râu và các lựa chọn cá nhân khác liên quan đến tính chuyên nghiệp, trang phục và hành vi.

Nghệ thuật cơ thể dễ thấy như hình xăm và khuyên không phù hợp với tiêu chuẩn nghề nghiệp dành cho giáo viên. Nên che hình xăm trong quá trình đào tạo và phục vụ, cả trong và ngoài trường học. Chỉ nên xỏ khuyên ở tai đối với phụ nữ và chỉ xỏ một lỗ cho mỗi bên tai.


{'html': ''}

Đào tạo

Chương Trình Hòa Bình sử dụng phương pháp đào tạo dựa trên năng lực trong suốt quá trình học tập liên tục, hỗ trợ bạn từ khi đến tới khi rời quốc gia sở tại. Tìm hiểu thêm về phương pháp đào tạo của Chương Trình Hòa Bình.

  • PST trong nước sẽ do các nhân viên của Chương Trình Hòa Bình thực hiện. Họ hầu hết là những giảng viên được thuê tại địa phương. Để thúc đẩy hòa nhập cộng đồng một cách phù hợp và hiệu quả, học viên thường sống với một gia đình bản xứ trong thời gian đào tạo. Hoạt động đào tạo bao gồm các chủ đề kỹ thuật, ngôn ngữ, năng lực liên văn hóa, đa dạng, công bằng và hòa nhập, sức khỏe, an toàn và an ninh.
  • Đào tạo kỹ thuật bao gồm các buổi đào tạo có cấu trúc và các bài tập thực hành làm việc trong cộng đồng.
  • Đào tạo ngôn ngữ thường bao gồm các bài học trên lớp năm ngày một tuần theo các nhóm nhỏ. Ngoài các bài học trên lớp, bạn cũng có bài tập luyện nói với gia đình bản xứ hoặc trong cộng đồng. Đối với những Tình nguyện viên chưa từng có kinh nghiệm về ngôn ngữ địa phương, mục tiêu của PST là giúp bạn bắt đầu hành trình tiếp thu ngôn ngữ, đồng thời chủ định xây dựng năng lực liên văn hóa cho bạn. Trong thời gian Đào tạo trước khi phục vụ, bạn sẽ được hướng dẫn và đào tạo về các kỹ năng và chiến lược học ngôn ngữ độc lập và mức độ thông thạo ngôn ngữ của bạn sẽ được kiểm tra vào cuối PST để đánh giá xem bạn đã sẵn sàng triển khai chưa. Sau thời gian Đào tạo trước khi phục vụ, bạn sẽ tiếp tục học ngôn ngữ một cách độc lập trong suốt thời gian phục vụ để đảm bảo đủ mức độ thông thạo ngôn ngữ cho phép bạn phục vụ hiệu quả. Mức độ thông thạo ngôn ngữ sẽ được kiểm tra tại các địa điểm khác trong thời gian triển khai.
  • Đào tạo phát triển cộng đồng và liên văn hóa sẽ giúp bạn khám phá các giá trị văn hóa của mình, của cộng đồng bản xứ và vai trò của bạn với tư cách là Tình nguyện viên. Giảng viên sẽ hướng dẫn bạn xem xét các khái niệm thời gian, quyền lực và thứ bậc, vai trò giới, phong cách giao tiếp, các mối quan hệ và bản thân và khả năng phục hồi. Bạn cũng sẽ tham gia vào các sự kiện văn hóa và tìm hiểu về lịch sử và phong cách sống của địa phương.

Bạn sẽ được đào tạo về cách bảo vệ sức khỏe, sơ cứu cơ bản và điều trị các bệnh xuất hiện ở Việt Nam. Trong các buổi đào tạo về an toàn và an ninh, bạn sẽ học cách giảm thiểu rủi ro khi ở nhà, tại nơi làm việc và trong quá trình đi lại, di chuyển. Bạn cũng sẽ được học nhiều chiến lược để đối phó với sự chú ý không mong muốn, cách xác định rủi ro đối với an toàn ở Việt Nam và tìm hiểu về hệ thống hỗ trợ và ứng phó khẩn cấp của Chương Trình Hòa Bình.

Các hoạt động đào tạo khác trong thời gian phục vụ của Tình nguyện viên bao gồm đào tạo trong thời gian phục vụ sau một đến ba tháng tại địa điểm phục vụ của bạn, đào tạo giữa kỳ và hội nghị kết thúc nhiệm vụ. Bạn sẽ cùng nhóm Tình nguyện viên của mình tham gia các hoạt động đào tạo này và chúng tôi cũng sẽ chú ý giúp bạn khám phá và tôn vinh sự đa dạng của Người Mỹ trong nhóm của mình trong suốt thời gian phục vụ.

Đào tạo trước khi triển khai

Chương Trình Hòa Bình sử dụng mô hình dựa trên cộng đồng trong quá trình đào tạo trước khi triển khai. Mô hình này dựa trên các phương pháp học tập của người lớn, nhấn mạnh trách nhiệm của cá nhân trong việc phát triển năng lực để hoạt động độc lập với tư cách là Tình nguyện viên. Bạn sẽ sống với một gia đình, đáp ứng các nhu cầu của bản thân và làm việc độc lập hoặc theo nhóm nhỏ để hoàn thành các nhiệm vụ giúp xây dựng trình độ kỹ năng của bạn. Người hướng dẫn Việt Nam sẽ giúp bạn học ngôn ngữ cần thiết và các kỹ năng giao tiếp liên văn hóa để hoàn thành các nhiệm vụ trong công việc và cuộc sống của bạn. Bạn sẽ không được tuyên thệ tham gia Chương Trình Hòa Bình nếu không thể thể hiện rõ ràng các đức tính và kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhiệm vụ. Bạn có thể theo dõi và thể hiện sự tiến bộ của bản thân thông qua việc tự đánh giá, phản hồi nhất quán của nhân viên và người hướng dẫn và tham gia vào các hoạt động hàng ngày. Để thành công trong giai đoạn học tập này đòi hỏi bạn phải tham gia đầy đủ và đối với một số người, đây còn là thước đo về sự hy sinh thời gian và sự thoải mái cá nhân. Khi đầu tư công sức trong thời gian này, bạn xứng đáng nhận được phần thưởng là sự hài lòng và hạnh phúc mà bạn được trải nghiệm khi làm Tình nguyện viên.

Thời gian PST tại Việt Nam là 12 tuần.

Đào tạo kỹ thuật

Đào tạo kỹ thuật sẽ nhằm chuẩn bị cho bạn để giảng dạy tại các lớp học tại Việt Nam và hòa nhập vào các trường học Việt Nam. Bạn sẽ được làm quen với các mục tiêu của Chương trình Giáo dục Tiếng Anh của Chương Trình Hòa Bình, các ưu tiên của quốc gia liên quan đến việc giảng dạy ngoại ngữ và thực tế giảng dạy tại trường lớp Việt Nam. Nhân viên của Chương Trình Hòa Bình là người tiến hành đào tạo; tuy nhiên, các chuyên gia Việt Nam và đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cũng sẽ tham gia.

Trong thời gian đào tạo trước khi triển khai nhiệm vụ, bạn sẽ được đào tạo kỹ lưỡng về nền tảng kỹ năng TEFL (Kỹ năng dạy Tiếng Anh như một ngoại ngữ) và tìm hiểu về môi trường giáo dục phổ thông và giáo dục tiếng Anh tại Việt Nam. Bạn sẽ được thực hành cùng giảng dạy và làm việc với các giáo viên đối tác Việt Nam, vì vậy bạn sẽ được học cách phát triển chiến lược để xây dựng mối quan hệ bền chặt với các đồng nghiệp mới của mình. Tình nguyện viên sẽ được làm quen với sách giáo khoa thông thường và sẽ có cơ hội thực hành kỹ năng soạn giáo án, quản lý lớp học và giảng dạy. Bạn sẽ được cung cấp đào tạo trong thời gian phục vụ về các chủ đề đặc biệt tùy theo đánh giá nhu cầu.

Trong suốt thời gian thực hiện nhiệm vụ, bạn sẽ được hỗ trợ và đánh giá theo phương thức giúp xây dựng sự tự tin và các kỹ năng cần thiết để thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động của mình với tư cách là Tình nguyện viên của Chương Trình Hòa Bình, báo cáo tiến trình và phục vụ như một thành viên hoạt động hiệu quả trong trường học và cộng đồng của bạn.

Đào tạo ngoại ngữ

Mức độ thông thạo ngôn ngữ là trọng tâm để phục vụ thành công trong Chương Trình Hòa Bình và kỹ năng ngôn ngữ hiệu quả rất cần thiết đối với sự hài lòng về cá nhân và nghề nghiệp của bạn. Mức độ thông thạo ngôn ngữ không chỉ quan trọng đối với hiệu suất công việc mà còn giúp bạn hòa nhập vào cộng đồng, giúp bạn dễ dàng thích nghi với môi trường mới và hỗ trợ đảm bảo an toàn cho cá nhân bạn. Do đó, đào tạo ngôn ngữ là trọng tâm của chương trình đào tạo và gắn chặt với đào tạo năng lực liên văn hóa, đa dạng, công bằng và hòa nhập.

Trong thời gian đào tạo trước khi triển khai, Tình nguyện viên sẽ tham gia các lớp ngôn ngữ theo nhóm nhỏ năm hoặc sáu ngày một tuần. Bạn sẽ được giảng dạy bởi một giáo viên Việt Nam. Giáo viên sẽ sử dụng phương pháp giao tiếp lấy học sinh làm trung tâm để giúp bạn thực hành nhiều nhất có thể. Ngoài thời gian trên lớp, bạn sẽ được giao các bài tập bên ngoài lớp học và bài tập với gia đình bản xứ. Mục tiêu trong thời gian PST là giúp bạn phát triển kỹ năng giao tiếp cơ bản để quản lý các hoạt động hàng ngày. Trước khi tuyên thệ Tình nguyện viên, bạn sẽ được đánh giá mức độ thông thạo ngôn ngữ. Vì thành thạo ngôn ngữ vô cùng quan trọng đối với các khía cạnh khác của hội nhập cộng đồng, tất cả Tình nguyện viên sẽ tiếp tục học ngôn ngữ trong suốt quá trình phục vụ và sẽ được hỗ trợ tìm gia sư tại địa điểm phục vụ; bạn sẽ được đánh giá sự tiến bộ trong suốt thời gian phục vụ.

Đào tạo năng lực liên văn hóa, đa dạng, bình đẳng và hòa nhập

Sứ mệnh hòa bình và hữu nghị thế giới của Chương Trình Hòa Bình ngày nay vẫn thú vị, táo bạo và cần thiết như khi thành lập vào năm 1961. Thực tế là hai trong số ba mục tiêu của cơ quan này mô tả rõ ràng về trao đổi giữa các nền văn hóa.

Hoạt động đào tạo năng lực liên văn hóa, đa dạng, bình đẳng và hòa nhập (ICDEI) của Chương Trình Hòa Bình được thiết kế để giúp bạn chú ý và thích nghi với sự phức tạp về văn hóa của nơi ở mới, đồng thời giúp củng cố tình hữu nghị với những người khác - cho dù đó là hàng xóm, đồng nghiệp người Việt, nhân viên của Chương Trình Hòa Bình hay các Tình nguyện viên khác của Chương Trình Hòa Bình.

Hoạt động đào tạo ICDEI hướng dẫn bạn suy ngẫm về các khía cạnh của bản sắc và giá trị văn hóa, giúp bạn hiểu được những điều này ảnh hưởng đến hành vi của chính bạn và ảnh hưởng đến cách bạn nhận thức hành vi của người khác như thế nào. Tự nhận thức và nhận thức về người khác là những biện pháp thực hành quan trọng đối với Tình nguyện viên; giúp bạn tạo cầu nối hiểu biết lẫn nhau.

Hoạt động đào tạo này sẽ giới thiệu về sự đa dạng văn hóa ở Việt Nam cũng như các giá trị truyền thống của gia đình và cộng đồng Việt Nam và mối quan hệ của các giá trị đó với lịch sử của đất nước. Chúng ta sẽ thảo luận và xem xét các khái niệm như “thể diện”, cách tiếp cận về thời gian, quyền lực và thứ bậc, vai trò giới, phong cách giao tiếp và mối quan hệ gia đình. Bạn sẽ có nhiều cơ hội đặt câu hỏi cho nhân viên và thảo luận những quan sát của bạn về cuộc sống ở Việt Nam.

Do việc thích nghi với một nền văn hóa mới có thể rất khó khăn, bạn cũng sẽ được tham gia đào tạo về khả năng phục hồi, trong đó cung cấp khuôn khổ và công cụ giúp bạn giải quyết các vấn đề về thích nghi. Nhân viên của Chương Trình Hòa Bình, gia đình bản xứ, đồng nghiệp ở trường và các Tình nguyện viên khác chính là những nguồn lực và nguồn hỗ trợ tốt nhất của bạn.

Đào tạo về sức khỏe

Trong thời gian đào tạo trước khi triển khai, bạn sẽ được đào tạo và được cung cấp thông tin cơ bản về y tế. Bạn sẽ phải thực hành chăm sóc sức khỏe dự phòng và chịu trách nhiệm về sức khỏe của mình bằng cách tuân thủ tất cả các chính sách và hướng dẫn y tế. Học viên phải tham gia tất cả các buổi đào tạo về y tế. Các chủ đề đào tạo bao gồm các biện pháp y tế dự phòng và các vấn đề y tế nhỏ và lớn bạn có thể gặp phải khi ở Việt Nam. Dinh dưỡng, sức khỏe tinh thần, thiết lập một môi trường sống an toàn và cách phòng tránh HIV/AIDS và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác cũng nằm trong chương trình đào tạo. Điều quan trọng là cần cởi mở và duy trì sự nhạy cảm về văn hóa khi bạn tham gia đào tạo về sức khỏe và ngừng phán xét để không đưa ra những niềm tin và giá trị văn hóa của riêng bạn.

Đào tạo về an toàn và an ninh

Trong các buổi đào tạo an toàn, bạn sẽ học cách giảm thiểu rủi ro khi ở nhà, tại nơi làm việc và trong quá trình đi lại, di chuyển bằng cách xây dựng ý thức và gián tiếp thực hành các kỹ năng giao tiếp có năng lực văn hóa. Bạn cũng sẽ được học các chiến lược thích hợp, hiệu quả để đối phó với sự chú ý không mong muốn và về trách nhiệm cá nhân trong việc nâng cao an toàn trong quá trình phục vụ. Ngoài ra, khóa đào tạo sẽ bao gồm thông tin về những phương thức để Tình nguyện viên báo cáo cho Chương Trình Hòa Bình nếu họ là nạn nhân của tội phạm.


{'html': ''}

Sức khỏe

Ốm đau và bệnh tật đều có thể xảy ra cho dù bạn ở trong nước hay nước ngoài. Một trong những mục tiêu của chúng tôi khi chuẩn bị cho các bạn trở thành những Tình nguyện viên là giúp các bạn hiểu rõ rủi ro về sức khỏe ở quốc gia mà bạn sẽ công tác.

Sức khỏe của các Tình nguyện viên là ưu tiên hàng đầu của Chương Trình Hòa Bình. Các tình nguyện viên sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin về các vấn đề sức khỏe đặc thù tại mỗi quốc gia, cũng như được đào tạo để có khả năng phòng ngừa những rủi ro về sức khỏe trong thời gian đào tạo trước khi làm nhiệm vụ. Ngoài ra, là một Tình nguyện viên, bạn sẽ được chăm sóc y tế 24/7.

Đọc thêm về phương pháp tiếp cận chăm sóc sức khỏe của Chương Trình Hòa Bình trong thời gian làm nhiệm vụ.

Tại mỗi quốc gia, chúng tôi đều có một Đơn vị y tế, với các Nhân viên y tế có nhiệm vụ xử lý những nhu cầu thiết yếu về chăm sóc sức khỏe của Tình nguyện viên, bao gồm việc đánh giá và điều trị hầu hết các vấn đề về sức khỏe. Khi đến nước sở tại, bạn sẽ được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe do các Nhân viên y tế thực hiện. Đơn vị y tế sẽ cung cấp cho bạn một cuốn sổ tay sức khỏe đặc thù theo quốc gia, kèm một bộ dụng cụ y tế với các vật dụng cơ bản để điều trị các bệnh nhẹ và sơ cứu. Chương Trình Hòa Bình sẽ bổ sung bộ dụng cụ y tế của bạn khi cần trong suốt thời gian triển khai nhiệm vụ. Thuốc theo toa của bạn sẽ được đặt hàng và giao cho bạn trong quá trình đào tạo trước khi làm nhiệm vụ, tuy nhiên quá trình đặt và giao hàng có thể sẽ mất vài tháng trước khi thuốc đến được tay bạn. Vì vậy, Chương Trình Hòa Bình khuyến nghị bạn hãy mang theo lượng thuốc theo toa đủ dùng trong ba tháng (ví dụ như thuốc tránh thai) và các vật dụng y tế cá nhân khác trong thời gian đào tạo ban đầu trong nước.

Trong suốt thời gian làm nhiệm vụ, các Nhân viên y tế của Chương Trình Hòa Bình luôn sẵn sàng trả lời các câu hỏi của bạn. Bạn có thể thoải mái liên hệ với họ qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử hoặc gặp trực tiếp nếu cảm thấy có vấn đề về thể chất, tinh thần hoặc các vấn đề khác liên quan đến việc đảm bảo sức khỏe và điều kiện sống của mình. Bạn sẽ được khám sức khỏe vào giữa và cuối thời gian làm nhiệm vụ, và bạn cũng có thể kiểm tra sức khỏe với Nhân viên y tế mỗi khi cảm thấy cần thiết. Bạn có thể tiếp nhận các dịch vụ chăm sóc y tế khác tại các bệnh viện tại nước sở tại với sự cho phép của các Nhân viên y tế. Nếu bạn gặp phải một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong thời gian làm nhiệm vụ, Nhân viên y tế sẽ tham khảo ý kiến của Văn phòng Dịch vụ Y tế ở Washington, D.C. hoặc Nhân viên y tế khu vực. Nếu dịch vụ chăm sóc y tế tại nước sở tại không thể đáp ứng được nhu cầu của bạn, bạn sẽ được chuyển đến cơ sở y tế khu vực được Chương Trình Hòa Bình chấp thuận hoặc được chuyển về Hoa Kỳ.

Vấn đề sức khỏe trong nước

  • Tỷ lệ mắc COVID-19 ở Việt Nam vẫn ở mức thấp so với các quốc gia khác trên toàn cầu, nhờ vào các biện pháp và chính sách nghiêm ngặt về biện pháp phòng ngừa, cách ly, đóng cửa biên giới và truy vết. Chính phủ Việt Nam hiện đang thực hiện chiến dịch tiêm chủng, với kế hoạch thành lập quỹ tiêm chủng với mục tiêu có đủ vắc-xin để tiêm cho 75 triệu người trong tổng số 98 triệu người trên cả nước.
  • Sốt xuất huyết: Cùng với bộ dụng cụ y tế, bạn sẽ nhận được màn chống muỗi và kem chống côn trùng để tránh bị muỗi đốt.
  • Sốt rét: Bệnh sốt rét xuất hiện ở một số khu vực của Việt Nam. Tình nguyện viên có kế hoạch tới các khu vực này cần liên hệ trước với Nhân viên y tế của Chương Trình Hòa Bình để được tư vấn.
  • Chất lượng không khí: Việt Nam là một trong mười quốc gia có tình trạng ô nhiễm không khí tệ nhất trên thế giới; vấn đề này đặc biệt nghiêm trọng ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
  • Các vấn đề về dạ dày-ruột: Có một số phương pháp được khuyến nghị để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy của khách du lịch, nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn nguy cơ này. Trong bộ dụng cụ y tế, bạn sẽ nhận được các viên xử lý lọc nước. Máy lọc nước sẽ được cung cấp cho các Tình nguyện viên. Bạn nên lọc nước và chế biến thức ăn cẩn thận (điều này sẽ được giải thích trong khóa đào tạo trước khi làm nhiệm vụ).

{'html': ''}

An toàn và An ninh

Tội phạm tồn tại ở khắp mọi nơi. Do đó, một trong những mục tiêu của chúng tôi khi chuẩn bị cho các bạn trở thành các Tình nguyện viên là thay đổi sự nhìn nhận về rủi ro tội phạm của các bạn khi ở Hoa Kỳ sao cho phù hợp với thực tế tại quốc gia mà bạn sẽ công tác.

Chương Trình Hòa Bình cung cấp cho bạn một phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm giúp bạn giữ an toàn cho bản thân. Phương pháp này bao gồm việc đào tạo trước và trong khi làm nhiệm vụ, đưa ra tiêu chí an toàn khi lựa chọn địa điểm, hệ thống liên lạc khẩn cấp, chính sách và quy trình về bảo vệ an toàn đặc thù theo quốc gia, kế hoạch hành động khẩn cấp chi tiết và quy trình ứng phó với tội phạm và sự cố an ninh khác. Đọc thêm về phương pháp tiếp cận bảo vệ an toàn và an ninh của Chương Trình Hòa Bình.

Là một Tình nguyện viên, bạn sẽ phải chuẩn bị kỹ càng để chịu trách nhiệm cho sự an toàn của chính mình. Bạn có thể thực hiện một số biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ bản thân trở thành mục tiêu của tội phậm, như hòa nhập với cộng đồng, học ngôn ngữ địa phương, nắm bắt được tình hình xung quanh và tuân thủ các chính sách và quy trình của Chương Trình Hòa Bình.

Giảm thiểu rủi ro

Tuy Chương Trình Hòa Bình và các Tình nguyện viên có thể cùng nhau giảm thiểu tối đa việc trở thành nạn nhân của tội phạm, nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn mọi rủi ro.

Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi khi một sự cố liên quan tới tội phạm xảy ra là đảm bảo sự an toàn cho Tình nguyện viên và cung cấp các biện pháp điều trị y tế cần thiết. Sự cố được báo cáo càng sớm, Chương Trình Hòa Bình càng có thể hỗ trợ một cách nhanh chóng. Những hỗ trợ này bao gồm các khía cạnh về an ninh, y tế, tâm lý và pháp lý. Đội ngũ nhân viên của Chương Trình Hòa Bình cũng sẽ hỗ trợ các Tình nguyện viên trong việc khiếu nại với cơ quan pháp luật địa phương. Điều quan trọng là Tình nguyện viên phải báo cáo sự cố càng sớm càng tố, để Chương Trình Hòa Bình có thể đánh giá và xác định các mối lo ngại về vấn đề an toàn và an ninh có thể vẫn kéo dài hoặc đang diễn ra đối với Tình nguyện viên là nạn nhân hoặc các Tình nguyện viên khác. Chương Trình Hòa Bình sẽ đào tạo để giúp bạn xây dựng được chiến lược cá nhân, giảm thiểu rủi ro và ứng phó trong trường hợp bạn là nạn nhân của tội phạm, ví dụ như phương pháp dùng để nhanh chóng đến một địa điểm an toàn và liên hệ với văn phòng Chương Trình Hòa Bình của bạn.

Không giống như các cơ quan thuộc chính quyền của Hoa Kỳ, các cơ quan tài phán tại nước sở tại thường có trách nhiệm điều tra và truy tố tội phạm xảy ra ở nước ngoài. Tất cả những Tình nguyện viên là nạn nhân của tội phạm đều có thể liên hệ với Văn phòng Bảo vệ Nạn nhân để tham khảo thông tin về các hỗ trợ về y tế, tâm lý và pháp lý từ các chuyên gia được đào tạo bài bản. Văn phòng Bảo vệ Nạn nhân luôn sẵn sàng hỗ trợ 24/7 trong suốt quá trình khiếu nại.

Các loại hình tội phạm phổ biến

Tội xâm phạm sở hữu tài sản (ví dụ như trộm cắp, cướp giật, đột nhập) là các loại hình tội phạm phổ biến nhất mà Tình nguyện viên gặp phải. Sinh sống và di chuyển trong một môi trường xa lạ, hiểu biết hạn chế về ngôn ngữ và văn hóa địa phương, cũng như nhận thức mình là một người giàu có có thể khiến Tình nguyện viên gặp rủi ro bị trộm tiền hoặc tài sản. Các loại hình tội phạm này thường xảy ra khi Tình nguyện viên ở xa cộng đồng sinh sống và làm việc của mình, đến những nơi đông người (như các khu chợ hoặc phương tiện giao thông công cộng), không chú ý đến đồ đạc hay không khóa cửa.

Tấn công tình dục là một vấn nạn xã hội toàn cầu. Đối với các Tình nguyện viên của Chương Trình Hòa Bình, tấn công tình dục thường xảy ra qua những hành vi động chạm không có sự đồng thuận (ví dụ như tự tiện mò mẫm, hôn, hoặc việc cố ý thực hiện các hành vi đó). Chương Trình Hòa Bình phân loại các hành vi này vào nhóm “tấn công tình dùng không nghiêm trọng”. Khóa đào tạo tạo chuyên sâu dành cho bạn trước khi làm nhiệm vụ sẽ bao gồm giáo dục nhận thức về tấn công tình dục, báo cáo và ứng phó với tấn công tình dục, thông tin về văn hóa và rủi ro cụ thể tại nước sở tại, sự chú ý không mong muốn và đào tạo về can thiệp của người ngoài cuộc.

Khả năng tránh được quấy rối hay tấn công tình dục không dễ dàng, do quyết định thực hiện những hành vi đó nằm trong tay người thực hiện hành vi. Có một số biện pháp mà các Tình nguyện viên có thể áp dụng để giảm thiểu rủi ro cho những sự cố này, đó là hiểu biết và tuân thủ các quy tắc của địa phương, tránh đi đến những địa điểm thường xuyên xảy ra sự cố và sử dụng ngôn từ địa phương để ứng phó và xử lý.

An toàn và An ninh ở Việt Nam

Sau khi đến Việt Nam, bạn sẽ nhận được thông tin chi tiết về các loại tội phạm phổ biến, các yếu tố gia tăng rủi ro cho Tình nguyện viên và các chiến lược của địa phương để giảm thiểu rủi ro đó. Một số chiến lược bao gồm tránh các khu vực có rủi ro cao, nắm được ngôn ngữ địa phương, chọn các tuyến đường an toàn để đi lại và hạn chế uống rượu. Bạn cũng sẽ được đào tạo về các chính sách an toàn và an ninh của Chương Trình Hòa Bình Việt Nam, luật pháp, quy tắc và quy định của địa phương cũng như các hướng dẫn khác như các hoạt động và khu vực cần tránh và những nghiêm cấm đối với một số loại hình du lịch.


{'html': ''}

Năng lực liên văn hóa, đa dạng, bình đẳng và hòa nhập

Chương Trình Hòa Bình tìm cách phản ánh sự đa dạng phong phú của Hoa Kỳ và mang những quan điểm và giải pháp đa dạng vào các vấn đề phát triển ở những quốc gia mà chúng tôi làm nhiệm vụ. Đối với Chương Trình Hòa Bình, sự đa dạng là tập hợp những thuộc tính riêng lẻ, kết hợp lại để giúp cơ quan này theo đuổi các mục tiêu của tổ chức một cách hiệu quả. Những thuộc tính này bao gồm nguồn gốc quốc gia, ngôn ngữ, chủng tộc, màu da, tình trạng khuyết tật, dân tộc, giới tính, tuổi tác, tôn giáo, khuynh hướng tình dục, bản dạng giới, tình trạng kinh tế xã hội, tình trạng cựu chiến binh và cấu trúc gia đình. Sự đa dạng cũng bao gồm quê quán, nơi sinh sống của mọi người cũng như những khác biệt về suy nghĩ và kinh nghiệm sống.

Chương Trình Hòa Bình Việt Nam tìm cách tạo ra sự hòa nhập - một nền văn hóa trong đó mọi người được tôn trọng và đánh giá cao, đồng thời kết nối từng nhân viên và Tình nguyện viên với tổ chức; khuyến khích sự cộng tác, linh hoạt và công bằng; và thúc đẩy sự đa dạng trong toàn tổ chức để mọi cá nhân đều có thể tham gia và đóng góp hết khả năng của mình - trong suốt thời gian làm Tình nguyện viên và nhân viên. Ban lãnh đạo và nhân viên của Chương Trình Hòa Bình Việt Nam cam kết tham gia hành trình khám phá những cách thức tìm hiểu và chủ động giải quyết những thành kiến ​​có thể gặp phải liên quan đến chủng tộc, màu da, sự giao thoa, kích thước và hình dạng cơ thể, v.v. Chúng tôi cam kết khám phá những phương thức và tạo điều kiện thuận lợi cho Học Viên và Tình nguyện viên để có được bản sắc và tự tin về cơ thể khi đối mặt với sự dò hỏi và thậm chí là thách thức.

Vui lòng đọc các phần tiếp theo ở bên dưới và nếu bạn có câu hỏi về đa dạng và hòa nhập trong thời gian làm nhiệm vụ cho Chương Trình Hòa Bình, vui lòng liên hệ với Văn phòng Tuyển dụng và Đa dạng của Chương Trình Hòa Bình tại địa chỉ [email protected]

Đa dạng và hòa nhập tại địa điểm của bạn

Khi Tình nguyện viên đến địa điểm làm nhiệm vụ, các nguyên tắc về đa dạng và hòa nhập không thay đổi nhưng ở hình thái khác, trong đó cộng đồng bản xứ có thể chia sẻ một nền văn hóa chung và bạn - Tình nguyện viên - là người ngoài cuộc. Bạn có thể thuộc nhóm thiểu số, nếu không phải là người Mỹ duy nhất giống như bạn, tại địa điểm làm nhiệm vụ của mình. Bạn sẽ bắt đầu nhận thấy sự đa dạng về quan điểm, sắc tộc, tuổi tác, mức độ chi tiết khi trò chuyện và mức độ hỗ trợ bạn có thể nhận được - và có thể cần phải thay đổi để hợp tác tốt hơn và đạt được kết quả tốt hơn. Trong thời gian đào tạo trước khi triển khai nhiệm vụ, sẽ có các buổi đào tạo để thảo luận về sự đa dạng và hòa nhập cũng như cách để bạn vượt qua sự khác biệt, tìm ra điểm chung và phục vụ như một đồng minh với các đồng nghiệp.

Những điều cần lưu ý về giao thoa văn hóa

Chương Trình Hòa Bình nhấn mạnh hành vi chuyên nghiệp và sự nhạy cảm về giao thoa văn hóa giữa Tình nguyện viên và trong cộng đồng để giúp Tình nguyện viên hòa nhập và đạt được thành công khi làm nhiệm vụ. Với tư cách là Tình nguyện viên và đại diện của Hoa Kỳ, bạn có trách nhiệm chia sẻ sự đa dạng của văn hóa Hoa Kỳ (văn hóa của bạn và của những người Mỹ khác) với các đồng nghiệp Việt Nam, đồng thời cũng cần học hỏi từ sự đa dạng của nước sở tại. Luôn cố gắng đối xử với người khác một cách đàng hoàng và tôn trọng.

Để dễ dàng chuyển sang cuộc sống ở Việt Nam, bạn có thể cần thích nghi với văn hóa địa phương và có một số thỏa hiệp tạm thời nhưng cơ bản về cách thể hiện bản thân là người Mỹ và là một cá nhân. Tìm kiếm thông tin từ những người có kinh nghiệm, quan điểm, nền tảng khác nhau và có được những trải nghiệm độc đáo. Bạn cần phát triển các kỹ thuật và chiến lược cá nhân để thích nghi với những hạn chế này. Trong thời gian đào tạo trước khi phục vụ, nhân viên sẽ đào tạo về cách điều chỉnh các lựa chọn và hành vi cá nhân thể hiện sự phù hợp, nhận thức và tôn trọng văn hóa của nước sở tại và sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ.

Điều gì tạo nên gương mặt Tình nguyện viên ?

Vai trò giới

Việc tiếp thu và cố gắng hiểu rõ các sắc thái văn hóa của vai trò giới ở Việt Nam là rất quan trọng. Trong thời gian đào tạo trước khi triển khai nhiệm vụ, bạn sẽ được giới thiệu nhận thức về giới trong nước và sẽ dành thời gian để kiểm tra suy nghĩ của bản thân về các vai trò giới và cách những vai trò này tác động đến bạn. Sau đó, bạn sẽ học cách phân tích các dự án phát triển bằng lăng kính giới để hiểu rõ hơn về vai trò giới ở Việt Nam và trong cộng đồng của bạn, và để tìm hiểu những vai trò giới này có thể mang lại lợi ích hoặc hạn chế như thế nào đến những việc mà nữ giới và nam giới được làm hoặc không được làm trong cuộc sống cá nhân và liên quan đến công việc và các mối quan hệ trong suốt thời gian bạn phục vụ tại Việt Nam.

Cũng như những vấn đề khác, vai trò giới có thể khác nhau giữa các khu vực, giữa các cộng đồng và giữa các gia đình. Tuy nhiên, Tình nguyện viên tại Việt Nam sẽ nhận thấy rằng vai trò trong gia đình sẽ được quy định theo giới tính, đặc biệt là trong các gia đình và cộng đồng mang nặng tính truyền thống. Ví dụ: theo truyền thống, các bà vợ phải chuyển đến ở nhà chồng và chăm nom cho đại gia đình của chồng. Người nam giới lớn tuổi nhất được coi là chủ gia đình và thường chịu trách nhiệm ra quyết định.

Làm nhiệm vụ khi là Tình nguyện viên da màu

Chúng tôi cho rằng sẽ có nhiều sự tò mò hướng tới Tình nguyện viên da màu của Chương Trình Hòa Bình trong những cộng đồng mà các Tình nguyện viên sẽ thực hiện nhiệm vụ. Do đó, các đồng nghiệp hoặc người Việt Nam có thiện chí có thể đưa ra những nhận xét hoặc câu hỏi thiếu tế nhị, mặc dù họ có ý định thể hiện sự quan tâm và muốn kết bạn. Hãy cởi mở và lắng nghe khi đưa ra phản hồi mang tính xây dựng đối với nhận thức của người khác về bạn.

Do ít tiếp xúc, nên một số người Việt Nam có thể cho rằng mọi công dân và Tình nguyện viên Hoa Kỳ đều là người da trắng, và có thể không biết về sự đa dạng chủng tộc và văn hóa phong phú ở Hoa Kỳ. Đối với Tình nguyện viên, những phản ứng đối với làn da của họ có thể rất khác nhau: từ việc bị nhầm với công dân nước sở tại khi bị thẩm vấn về quốc tịch Hoa Kỳ, cho đến việc phải đối mặt với những kỳ vọng hoặc chế nhạo về hành vi và kỹ năng ngôn ngữ, hoặc có thể được giảm giá hàng hóa và dịch vụ. Những trường hợp này có thể trở thành những khoảnh khắc mang lại kinh nghiệm cho Tình nguyện viên và công dân nước sở tại. Tất cả Tình nguyện viên, bao gồm cả Tình nguyện viên da trắng và da màu, cần lưu ý đến những vấn đề phức tạp về chủng tộc và sắc tộc vốn có trong văn hóa Hoa Kỳ cũng như Việt Nam và cố gắng trở thành đồng minh với các đồng nghiệp Tình nguyện viên khác. Hãy nhớ rằng Chương Trình Hòa Bình muốn mọi Tình nguyện viên đều cảm thấy được tôn trọng, có giá trị và được trao quyền trong khi phục vụ, và Tình nguyện viên da màu là một phần vô cùng quan trọng trong việc xây dựng trải nghiệm Chương Trình Hòa Bình đa dạng, bình đẳng và hòa nhập.

Làm nhiệm vụ khi là Tình nguyện viên đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới, đang tìm hiểu, bạn đồng minh (LGBTQIA+)

Chương Trình Hòa Bình tích cực hỗ trợ các Tình nguyện viên và nhân viên thuộc mọi giới tính, khuynh hướng tình dục và bản dạng, và khuyến khích Tình nguyện viên phục vụ như bạn đồng minh với những đồng nghiệp Tình nguyện viên trên mọi khía cạnh. Nhiều quốc gia mà Chương Trình Hòa Bình triển khai có nền văn hóa hạn chế về khuynh hướng tình dục và bản dạng giới không phù hợp, mặc dù cũng có một số quốc gia thoải mái hơn. Ở mỗi quốc gia, nhân viên của Chương Trình Hòa Bình sẽ làm việc với Tình nguyện viên để cung cấp những quan điểm rõ ràng tại địa phương. Một số Tình nguyện viên LGBTQ lựa chọn công khai với các thành viên trong cộng đồng, dẫn đến cả phản ứng tích cực và tiêu cực, trong khi một số người khác chỉ công khai với nhân viên và Tình nguyện viên của Chương Trình Hòa Bình. Nhiều người chọn cách kín đáo về khuynh hướng và/hoặc bản dạng giới trong cộng đồng bản xứ. Có thể có các nhóm hỗ trợ LGBTQA tại quốc gia, cung cấp mạng lưới hỗ trợ các nhu cầu của cộng đồng LGBTQA của Chương Trình Hòa Bình. Để biết thêm thông tin về việc phục vụ khi là Tình nguyện viên LGBTQ, hãy truy cập trang web về Cựu sinh viên Chương Trình Hòa Bình là người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính và chuyển giới tại địa chỉ lgbrpcv.org.

Mặc dù không có hạn chế pháp lý nào về mối quan hệ tình dục đồng giới ở Việt Nam, nhưng cũng giống như ở Hoa Kỳ, mức độ khoan dung và chấp nhận của mọi người là khác nhau. Các thành viên trong cộng đồng bản xứ có thể không có nhiều kinh nghiệm và giả định về những thành viên của cộng đồng LGBTQIA+. Thanh thiếu niên LGBTQIA+ ở một số cộng đồng có thể phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và bắt nạt. Tình nguyện viên LGBTQIA+ tại Việt Nam nên tham khảo ý kiến ​​của nhân viên và dành thời gian tìm hiểu cộng đồng bản xứ để tự mình xác định cách tốt nhất để tham gia thảo luận về khuynh hướng tình dục và/hoặc bản dạng giới.

Làm nhiệm vụ khi là Tình nguyện viên khuyết tật

Nhân viên của Chương Trình Hòa Bình sẽ làm việc với các Tình nguyện viên khuyết tật để hỗ trợ về đào tạo, nhà ở, địa điểm làm việc hoặc các lĩnh vực khác để giúp họ phục vụ một cách an toàn và hiệu quả.

Làm nhiệm vụ khi là cặp đôi Tình nguyện viên

Các cặp đôi thường phải đối mặt với áp lực từ công dân nước sở tại phải thay đổi vai trò của họ để phù hợp với mối quan hệ truyền thống trong nước. Công dân nước sở tại thường không hiểu rõ động lực cho mối quan hệ của người Mỹ và có thể chỉ trích bề ngoài đối với các mối quan hệ không tuân theo vai trò giới truyền thống của địa phương. Một điều cũng có ích là nghĩ tới áp lực để phù hợp với văn hóa địa phương là thách thức đối với nam giới và phụ nữ theo những cách khác nhau. Xem nửa kia của bạn bị ảnh hưởng như thế nào và thảo luận về những khía cạnh trong mối quan hệ của bạn cần thay đổi để giảm căng thẳng cho cả hai bên.

Làm nhiệm vụ khi là Tình nguyện viên có đức tin

Hơn 81% người Việt Nam cho biết họ không theo một tôn giáo chính thức nào, nhưng cũng chừng đó người có tham gia vào các hoạt động của tôn giáo dân gian. Các khía cạnh của Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo thường được kết hợp trong cuộc sống hàng ngày và các lễ hội, và đền chùa là những điểm tham quan phổ biến. Bàn thờ thờ cúng tổ tiên có mặt ở hầu hết các gia đình, với các lễ vật thờ cúng hàng ngày. Tham quan đền chùa và tìm hiểu về các nghi lễ và ngày lễ liên quan có thể giúp bạn hòa nhập vào cộng đồng.

Những Tình nguyện viên có đức tin nên tham khảo ý kiến ​​của nhân viên và dành thời gian tìm hiểu về cộng đồng bản xứ để có cách thực hành đức tin theo cách tốt nhất. Có thể bạn sẽ không thể thường xuyên tham gia các dịch vụ tôn giáo. Việc xúi giục từ bỏ tín ngưỡng, tôn giáo là hành vi bị nghiêm cấm theo chính sách của Chương Trình Hòa Bình.

Làm nhiệm vụ khi là Tình nguyện viên hơn 50 tuổi

Tình nguyện viên lớn tuổi có thể sẽ thấy tuổi tác là tài sản lớn ở Việt Nam và thường sẽ được tiếp cận với các cá nhân và thông tin mà những Tình nguyện viên trẻ tuổi không thể tiếp cận. Tuy nhiên, PST có thể sẽ rất căng thẳng đối với các học viên lớn tuổi, bởi vì phong cách và thói quen học tập cả đời của họ có thể phù hợp hoặc không phù hợp với các kỹ thuật được sử dụng. Một người hơn 50 tuổi có thể là người lớn tuổi duy nhất trong nhóm Tình nguyện viên và ban đầu có thể cảm thấy mình không phải là một phần của nhóm. Một số Tình nguyện viên hơn 50 tuổi có thể gặp khó khăn để thích nghi với sự thiếu cấu trúc và rõ ràng trong vai trò của họ sau khi đã làm việc nhiều năm với một công việc có cấu trúc và đòi hỏi khắt khe. Tình nguyện viên hơn 50 tuổi cũng cần cân nhắc ủy quyền cho một người ở Hoa Kỳ để giải quyết các vấn đề tài chính.

Tuổi tác rất được coi trọng ở Việt Nam và người lớn tuổi cũng được đối xử theo cách đó cả ở nhà và nơi làm việc. Có ngôn ngữ riêng khi nói chuyện với những người già hơn hoặc trẻ hơn bạn. Tình nguyện viên hơn 50 tuổi có thể sẽ thấy mình là một trong những giáo viên lớn tuổi nhất ở trường.