Học sinh lớp 6 đi học lại

(HNMO) – Ngày 4-4, UBND thành phố Hà Nội có Văn bản số 976/UBND-KGVX gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế; UBND các quận, huyện, thị xã về việc cho học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 30 quận, huyện, thị xã trở lại trường học trực tiếp.

Học sinh lớp 6 đi học lại

Học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 ở Hà Nội trở lại trường học từ ngày 6-4-2022. Ảnh minh họa

Theo nội dung văn bản, UBND thành phố nhận được Tờ trình số 844/TTr-SGDĐT ngày 4-4-2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo về việc cho học sinh các khối lớp 1, 2, 3, 4, 5, 6 thuộc 30 quận, huyện, thị xã trở lại trường học trực tiếp sau thời gian tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch Covid-19.

UBND thành phố thống nhất về nguyên tắc theo đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo tại tờ trình này; giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Sở Y tế cập nhật, quán triệt đầy đủ, kịp thời thông tin, quy định của Bộ Giáo dục  và Đào tạo, Bộ Y tế về việc triển khai các hoạt động giáo dục, đào tạo và bảo đảm an toàn công tác phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục, đào tạo tại địa phương để hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã triển khai tổ chức thực hiện. 

UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ tình hình thực tiễn dịch bệnh để quyết định và chịu trách nhiệm về việc cho học sinh đi học trở lại trên địa bàn; tiếp tục hoàn thiện, tăng cường cơ sở vật chất, nhân lực cho lực lượng y tế trường học. 

Theo Tờ trình số 844/TTr-SGDĐT, Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất: Từ ngày 6-4-2022, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc 30 quận, huyện, thị xã đi học trực tiếp. Trẻ mầm non tiếp tục nghỉ học tại nhà.

Trên cơ sở tự nguyện, đồng thuận của cha mẹ học sinh, các trường tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh các khối lớp từ lớp 1 đến lớp 6 theo kế hoach dạy học của trường và tổ chức hoạt động bán trú, dạy học 2 buổi/ngày. 

Trường học phải đạt yêu cầu an toàn phòng, chống dịch Covid-19; Nhà trường xây dựng kế hoạch diễn tập xử lý khi có tình huống cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh là F0; tổ chức tổng vệ sinh môi trường, khử khuẩn trước và sau buổi học.

Trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp, nếu xảy ra các trường hợp liên quan đến vấn đề dịch tễ, không bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19, nhà trường chủ động xử lý theo hướng dẫn và báo cáo ban chỉ đạo phòng, chống dịch tại địa phương. Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp quận, huyện, thị xã có trách nhiệm xem xét, cho dừng việc học tập trực tiếp để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho học sinh; có kịch bản xử lý tình huống nếu xảy ra F0, F1 tại lớp học, trường học.

Trường học tại Hà Nội đồng loạt lấy ý kiến về việc học sinh lớp 1 -  6 đi học trực tiếp. Có trường, tỉ lệ đồng ý đạt trên 90%.

Học sinh lớp 6 đi học lại
Hà Nội lấy ý kiến cho học sinh tiểu học và lớp 6 đi học trực tiếp. Ảnh: Tường Vân.

Học sinh cần đi học trực tiếp

Sở GDĐT Hà Nội yêu cầu các phòng giáo dục đào tạo nhanh chóng thông báo tới các trường triển khai khảo sát ý kiến của phụ huynh từ lớp 1 đến lớp 6 về việc cho con đi học trực tiếp. Đây được xem là một kênh thông tin để tham khảo, từ đó, nắm nguyện vọng, mong muốn của phụ huynh.

Trường Lômônôxốp, quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, sau khi nhận được thông báo về việc khảo sát ý kiến cha mẹ học sinh để Sở GDĐT có số liệu xây dựng kế hoạch chuẩn bị cho học sinh từ khối lớp 1 đến lớp 6 trở lại trường học trực tiếp nhà trường đã chuẩn bị phiếu để triển khai. Kết quả sẽ được thống kê và gửi về Phòng GDĐT trước ngày 4.4.

Tương tự, tại trường Tiểu học An Hưng (Hà Đông, Hà Nội), nhà trường cũng bắt đầu tiến hành lấy ý kiến của phụ huynh về việc trở lại trường.

“Trong chiều tối nay, ngày 3.4 sẽ kết thúc thời gian khảo sát, kết quả sẽ được nhà trường thống kê và gửi về sở GDĐT. Đây cũng là một kênh thông tin để tham khảo, nắm nguyện vọng, mong muốn của phụ huynh về việc cho học sinh trở lại trường” – cô Cao Thị Lan Hương, hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Trường Marie Curie Hà Nội cũng đã tiến hành lấy ý kiến phụ huynh khối 6 về việc đi học trực tiếp ngay trong đêm qua. Kết quả, có tới 94,3% phụ huynh khi được hỏi đã đồng ý cho con tới trường. Hôm nay, trường tiếp tục lấy ý kiến cha mẹ học sinh ở bậc tiểu học.

Được biết, gần đây, tỉ lệ học sinh lớp 7-12 đi học trực tiếp tại nhà trường luôn đạt trên 95%. Tỉ lệ học sinh đi học tại nhiều trường trên địa bàn nội thành Hà Nội cũng đạt mức cao, trên 90%.

Phụ huynh sốt ruột đợi ngày con đến trường

Chị Nguyễn Thu Hà, phụ huynh có con học lớp 3 tại quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ, nhà trường hiện đang tiến hành lấy ý kiến khảo sát về việc cho trẻ đến trường. Ngay sau khi có cuộc thăm dò ý kiến 15/64 gia đình đã đồng ý cho con trở lại trường, chưa có trường hợp nào không đồng tình với việc đi học.

"Con tôi cả 2 cháu đều đã mắc COVID-19 bị do bị lây từ bố mẹ. Như vậy, ở nhà cũng không tránh được nhiễm bệnh. Học trực tuyến kéo dài sẽ ảnh hưởng cả chất lượng học tập lẫn tâm lý học sinh. Đây mới là ảnh hưởng lâu dài, ảnh hưởng đến tương lai của trẻ" - chị Hà bày tỏ.

Không riêng chị Hà, rất nhiều phụ huynh khác có con trong độ tuổi mầm non, tiểu học cũng bày tỏ sự sốt ruột khi hầu hết các địa phương hiện đã cho trẻ đi học trực tiếp từ lâu dù các em chưa được tiêm vaccine.

Thậm chí, nhiều người băn khoăn, khó hiểu khi Hà Nội trở về cuộc sống "bình thường mới" nhưng trẻ mầm non, tiểu học, lớp 6 vẫn chưa được đến trường trong khi từ trước Tết Nguyên đán Bộ GDĐT yêu cầu các địa phương quyết liệt, nhanh chóng cho học sinh tất cả các cấp đi học, không đợi tiêm phòng vaccine COVID-19.

Mới đây, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng vừa ký ban hành kế hoạch nhằm khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Về giáo dục, ông Chử Xuân Dũng chỉ đạo các đơn vị tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục - đào tạo khi học sinh, sinh viên học trực tiếp.

Kế hoạch nêu rõ: "Căn cứ vào tình hình dịch bệnh để tổ chức hình thức dạy học cho phù hợp, không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài; thường xuyên kiểm tra, đánh giá để hiểu rõ các tác động tiêu cực của việc học trực tuyến, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ để có giải pháp kịp thời".