Dự toán ngân sách nhà nước là gì

Mục lục bài viết

  • 1. Khái niệm về chu trình ngân sách Nhà nước.
  • 2. Các khâu trong chu trình NSNN.
  • 2.1. Giai đoạn lập và phê chuẩn dự toán Ngân sách nhà nước
  • 2.2. Giai đoạn thực hiện dự toán Ngân sách nhà nước
  • 2.3. Quyết toán NSNN

1. Khái niệm về chu trình ngân sách Nhà nước.

Chu trình ngân sách (tiếng Anh: Budget Process) là toàn bộ các hoạt động ngân sách được sắp xếp theo một trình tự nhất định và được lặp đi lặp lại hàng năm. Hoạt động ngân sách nhà nước có tính chu kỳ, lặp đi lặp lại hình thành chu trình ngân sách

Chu trình ngân sách hay còn gọi là quy trình ngân sách dùng để chỉ toàn bộ hoạt động của một năm tài chính kể từ khi bắt đầu hình thành cho tới khi kết thúc chuyển sang năm ngân sách mới. Các hoạt động trong một chu trình ngân sách bao gồm:

- Lập dự toán ngân sách, phê duyệt và giao dự toán ngân sách nhà nước;

- Chấp hành/thực hiện ngân sách nhà nước;

- Quyết toán ngân sách nhà nước.

Thời gian của một chu trình ngân sách (tính từ lúc lập dự toán cho đến khi quyết toán ngân sách) không trùng với năm tài chính và dài hơn thời gian của một năm tài chính. Xét về mặt nội dung, trong một năm tài chính cũng đồng thời diễn ra cả ba khâu: quyết toán ngân sách năm trước, chấp hành ngân sách năm nay, dự toán ngân sách năm sau.

Chế độ pháp lý về chu trình NSNN là tổng hợp các quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong quá trình lập, chấp hành và quyết toán NSNN.

2. Các khâu trong chu trình NSNN.

2.1. Giai đoạn lập và phê chuẩn dự toán Ngân sách nhà nước

Lập dự toán NSNN là khâu mở đầu có tính chất quyết định đến hiệu quả trong quá trình điều hành, quản lý ngân sách. Kế hoạch ngân sách được xây dựng một cách đúng đắn sẽ giúp cho các cơ quan điều hành, quản lý ngân sách xác định được các mục tiêu trọng tâm cần quản lý. Mặt khác, thông qua lập kế hoạch ngân sách để thẩm tra tính đúng đắn, hiện thực và tính cân đối của kế hoạch kinh tế – xã hội, đảm bảo về mặt tài chính để thực hiện các chỉ tiêu kinh tế – xã hội được đề ra trong kỳ kế hoạch. Từ đó có thể nhận thấy, lập NSNN có vai trò cực kỳ quan trọng trong quá trình điều hành kinh tế-xã hội cũng như NSNN. Lập dự toán NSNN được thực hiện trước ngày 01 tháng 01 của năm dương lịch của năm trước.

Lập dự toán NSNN là quá trình phân tích đánh giá giữa khả năng thu và nhu cầu chi để từ đó xác định các chỉ tiêu thu chi dự trữ ngân sách sao cho phù hợp trên cơ sở đó xác lập các biện pháp lớn về mặt kinh tế xã hội và các biện pháp hành chính nhằm đảm bảo các chỉ tiêu thu chi đề ra được thực hiện trong thực tế.

Chủ thể tham gia lập dự toán NSNN: Quốc hội, Chính phủ, các đơn vị dự toán Ngân sách.

2.2. Giai đoạn thực hiện dự toán Ngân sách nhà nước

Chấp hành dự toán NSNN là việc các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng tổng hòa các biện pháp kinh tế tài chính và các biện pháp hành chính nhằm biến các chỉ tiêu thu chi trong dự toán ngân sách trở thành hiện thực.

Chính phủ có trách nhiệm tổ chức điều hành thực hiện NSNN. Bộ tài chính là cơ quan chuyên môn có vị trí quan trong trong giai đoạn chấp hành dự toán NSNN.

Quá trình chấp hành dự toán NSNN tiến hành đồng thời cả quá trình chấp hành thu và chấp hành chi. Chấp hành NSNN bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 kết thúc ngày 31 tháng 12 dương lịch.

Đối với quá trình chấp hành thu NSNN:

Các cơ quan thu NSNN (không bao gồm Kho bạc nhà nước): Cơ quan thuế, Hải quan, các cơ quan tài chính và các tổ chức được nhà nước cho phép.

Mọi khoản thu phải nộp vào quỹ NSNN và được quản lý tại Kho bạc Nhà nước.

Về phía cơ quan có thẩm quyền thu và Kho bạc Nhà nước (cơ quan thuế, cơ quan Hải quan) phải tuân thủ các quy định sau:

– Lập dự toán thu theo quý, tháng.

– Tính toán, kiểm tra, xác định số phải nộp và ra thông báo nộp gửi cho đối tượng nộp thuế đồng thời gửi cho Kho bạc Nhà nước.

– Quản lý đôn đốc đối tượng nộp thuế theo quy định, có hành vi vi phạm thì xử lý vi phạm theo thủ tục.

– Có quyền giải quyết các khiếu nại về thu nộp và xử phạt, ra các lệnh hoàn trả đối với các khoản thu không đúng quy định. Kho bạc nhà nước là cơ quan trực tiếp thu. Mọi khoản thu phải nộp vào kho bạc Nhà nước trừ các khoản sau:

– Các khoản thu mang tính chất phí, lệ phí.

– Thu đối với cơ sở kinh doanh có địa điểm kinh doanh không ổn định, hoạt động không thường xuyên.

– Trên địa bàn không có địa điểm thu của kho bạc Nhà nước. Các trường hợp trên cơ quan có thẩm quyền thu có nhiệm vụ thu sau đó nộp vào kho bạc Nhà nước.

Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm:

– Thực hiện chế độ kế toán theo dõi từng khoản thu.

– Thực hiện lệnh hoàn trả của cơ quan có thẩm quyền.

– Thực hiện chế độ thông tin báo cáo về tình hình thu chi Ngân sách với cơ quan tài chính.

Về phía đối tượng nộp thuế:

– Đối tượng nộp phải nộp đúng, nộp đủ theo thông báo.

– Có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định

Đối với quá trình chấp hành chi NSNN:

Mọi khoản chi phải được thực hiện theo đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục do luật NSNN và các văn bản hướng dẫn quy định. Việc thực hiện mọi khoản chi của cơ quan chi phải được tiến hành thông qua tài khoản của các đơn vị này mở tại Kho bạc Nhà nước. Về phía cơ quan Nhà nước:

– Cơ quan tài chính có quyền thông báo hạn mức chi cho đơn vị sử dụng.

– Có quyền duyệt chi.

– Có quyền kiểm tra về chấp hành quy định của pháp luật về NSNN. – Xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Kho bạc Nhà nước có quyền kiểm tra các đối tượng chi, xuất quỹ thanh toán.

Về phía đơn vị sử dụng NSNN có nghĩa vụ phải chi đúng chế độ, đúng mục đích, đúng đối tượng. Phải tiết kiệm đảm bảo hiệu quả. Trong quá trình chấp hành có thể điều chỉnh dự toán theo quy định.

– Đối với Ngân sách Trung ương do Chính phủ điều chỉnh, sau khi báo cáo Quốc hội, UBTVQH.

– Đối với Ngân sách địa phương do UBND điều chỉnh sau khi báo cáo cho HĐND.

2.3. Quyết toán NSNN

Quyết toán NSNN là khâu cuối cùng trong một chu trình ngân sách nhằm tổng kết, đánh giá việc chấp hành NSNN cũng như các chính sách tài chính ngân sách của năm ngân sách đã qua.

Quyết toán NSNN được tiến hành sau khi kết thúc năm tài chính (sau 31/12). Quyết toán NSNN là một khâu quan trọng, là nhiệm vụ của nhiều cơ quan, đơn vị từ đơn vị sử dụng ngân sách, cơ quan quản lý ngân sách, cơ quan kiểm tra, kiểm soát ngân sách cho đến cơ quan quyền lực tối cao của mỗi quốc gia. Số lượng quyết toán phải được đối chiếu và được Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch xác nhận.

Trình tự quyết toán NSNN:

Đối với các đơn vị dự toán:

– Đơn vị dự toán cấp dưới lập báo cáo quyết toán ngân sách năm theo chế độ quy định và gửi đơn vị dự toán cấp trên.

– Đơn vị dự toán cấp trên xét duyệt quyết toán và thông báo kết quả xét duyệt cho các đơn vị cấp dưới trực thuộc. Các đơn vị dự toán cấp trên là đơn vị dự toán cấp I, phải tổng hợp và lập báo cáo quyết toán năm của đơn vị mình và báo cáo quyết toán của các đơn vị dự toán cấp dưới trực thuộc, gửi cơ quan Tài chính cùng cấp.

– Cơ quan Tài chính cùng cấp thẩm định quyết toán năm của các đơn vị dự toán cấp I, xử lý theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý sai phạm trong quyết toán của đơn vị dự toán cấp I, ra thông báo thẩm định quyết toán gửi đơn vị dự toán cấp I. Trường hợp đơn vị dự toán cấp I đồng thời là đơn vị sử dụng ngân sách, cơ quan Tài chính duyệt quyết toán và thông báo kết quả xét duyệt quyết toán cho đơn vị dự toán cấp I.

Đối với ngân sách các cấp:

– Ban Tài chính xã lập quyết toán thu, chi ngân sách cấp xã trình uỷ ban nhân dân xã xem xét gửi Phòng Tài chính huyện; đồng thời uỷ ban nhân dân xã trình Hội đồng nhân dân xã phê chuẩn. Sau khi được Hội đồng nhân dân xã phê chuẩn, uỷ ban nhân dân xã báo cáo bổ sung, quyết toán ngân sách gửi Phòng Tài chính huyện.

– Phòng Tài chính huyện thẩm định quyết toán thu, chi ngân sách xã; lập quyết toán thu, chi ngân sách cấp huyện; tổng hợp, lập báo cáo quyết toán thu NSNN trên địa bàn huyện và quyết toán thu, chi ngân sách huyện (bao gồm quyết toán thu, chi ngân sách cấp huyện và quyết toán thu, chi ngân sách cấp xã) trình uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét gửi Sở Tài chính – Vật giá; đồng thời uỷ ban nhân dân cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cấp huyện phê chuẩn. Sau khi được Hội đồng nhân dân cấp huyện phê chuẩn, uỷ ban nhân dân báo cáo bổ sung, quyết toán ngân sách gửi Sở Tài chính – Vật giá.

– Sở Tài chính – Vật giá thẩm định quyết toán thu NSNN phát sinh trên địa bàn huyện, quyết toán thu, chi ngân sách huyện; lập quyết toán thu, chi ngân sách cấp tỉnh; tổng hợp lập quyết toán thu NSNN trên địa bàn tỉnh và quyết toán thu, chi ngân sách địa phương (bao gồm: quyết toán thu, chi ngân sách cấp tỉnh; quyết toán thu, chi ngân sách cấp huyện và quyết toán thu, chi ngân sách cấp xã) trình uỷ ban nhân dân cấp tỉnh xem xét gửi Bộ Tài chính; đồng thời uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn. Sau khi được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn, uỷ ban nhân dân báo cáo bổ sung, quyết toán ngân sách gửi Bộ Tài chính.

– Bộ Tài chính thẩm định quyết toán thu NSNN, báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách địa phương; lập quyết toán thu, chi ngân sách trung ương và tổng hợp lập tổng quyết toán thu, chi NSNN (bao gồm quyết toán thu, chi ngân sách trung ương và quyết toán thu, chi ngân sách địa phương) trình Chính phủ xem xét để trình Quốc hội phê chuẩn; đồng gửi cơ quan Kiểm toán Nhà nước.

Thời hạn xét duyệt, thẩm định và phê chuẩn quyết toán ngân sách năm quy định như sau:

– Thời hạn xét duyệt quyết toán đối với đơn vị dự toán cấp I của ngân sách trung ương hoàn thành trước ngày 01 tháng 9 năm sau; thời hạn đối với đơn vị dự toán cấp I của ngân sách các cấp ở địa phương do uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể. Thời hạn xét duyệt quyết toán năm của đơn vị dự toán các cấp II và cấp III do đơn vị dự toán cấp I quy định, nhưng phải bảo đảm thời hạn xét duyệt quyết toán năm của đơn vị dự toán cấp I theo quy định.

– Việc thẩm định quyết toán năm của cơ quan Tài chính cùng cấp cho đơn vị dự toán cấp I trực thuộc phải hoàn thành đúng thời gian quy định; đối với đơn vị dự toán cấp I của ngân sách trung ương phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm sau.

– Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thời gian cơ quan tài chính thẩm định quyết toán ngân sách năm ở địa phương bảo đảm đối với cấp tỉnh phải hoàn thành trước ngày 01 tháng 8 năm sau.

– Thời gian phê chuẩn quyết toán năm của Quốc hội chậm nhất 18 tháng, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương chậm nhất 12 tháng sau khi năm ngân sách kết thúc; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thời hạn phê chuẩn quyết toán ngân sách của Hội đồng nhân dân cấp dưới nhưng chậm nhất không quá 6 tháng sau khi năm ngân sách kết thúc.

– Chậm nhất 05 ngày sau khi được Hội đồng nhân dân phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương, uỷ ban nhân dân gửi quyết toán ngân sách địa phương đến cơ quan Tài chính cấp trên.

Luật Minh Khuê biên tập và sưu tầm