Hạn chế và nguyên nhân khi học nghị quyết

Để tham mưu cho Tỉnh ủy nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, quán triệt, học tập và triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tiến khảo sát thực trạng công tác nghiên cứu, quán triệt, học tập và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong thời gian qua tại các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và một số tổ chức đảng tại các địa phương.
Qua khảo sát, cho thấy cấp ủy các cấp đã chỉ đạo kịp thời các cơ quan tham mưu giúp việc xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn, giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nắm vững những nội dung cơ bản của các chỉ thị, nghị quyết, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động; cụ thể hóa việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng bằng chương trình hành động cụ thể, thiết thực, sát với thực tiễn ở địa phương, đơn vị, góp phần đưa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Các địa phương, đơn vị đã phân công những đồng chí trong cấp ủy, báo cáo viên có kinh nghiệm, phương pháp truyền đạt tốt, am hiểu sâu về các lĩnh vực để truyền đạt, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng tại địa phương, đơn vị. Đối với cấp cơ sở, đảng ủy xã phân công cấp ủy viên phụ trách thôn, làng, tổ dân phố tuyên truyền, phổ biến cho Nhân dân tại các cuộc họp thôn, làng, tổ dân phố, sinh hoạt đoàn thể; tuyên truyền, phổ biến qua hệ thống truyền thanh không dây....Việc theo dõi, quản lý các hội nghị học tập nghị quyết được thực hiện nghiêm túc, Ban Tuyên giáo các địa phương đã phân công cán bộ, công chức theo dõi, nắm bắt, tổng hợp, báo cáo kết quả học tập cho Thường trực cấp ủy và Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
Đáng chú ý, công tác nghiên cứu, quán triệt, học tập và cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của Đảng được các cấp ủy quan tâm thực hiện và có nhiều đổi mới. Hầu hết các địa phương đã đầu tư thiết bị, cơ sở vật chất để tổ chức các hội nghị theo hình thức trực tuyến kết nối với điểm cầu tỉnh và kết nối đến điểm cầu xã, phường, thị trấn, góp phần rút ngắn thời gian triển khai, giảm việc đi lại, mở rộng đối tượng tham gia học tập, tiết kiệm ngân sách; cùng với đó, qua tuyên truyền, phổ biến trực tiếp của đội ngũ tuyên truyền viên là cấp ủy viên tại các buổi sinh hoạt, họp thôn, làng tổ dân phố, qua hệ thống truyền thanh không dây, loa di động….đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về các chỉ thị, nghị quyết của Đảng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, ảnh hưởng lớn đến chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, quán triệt, học tập và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng hiện nay, như một số cấp ủy cơ sở chưa quan tâm đúng mức đến công tác nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở địa phương, đơn vị; một số báo cáo viên, tuyên truyền viên còn hạn chế về trình độ, kỹ năng tuyên tuyền miệng nên chất lượng chưa cao; chưa có sự đổi mới về phương thức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; việc xây dựng chương trình hành động của hầu hết cấp cơ sở còn hình thức, sao chép nội dung của cấp trên, nên chưa sát với thực tiễn của địa phương, hạn chế hiệu quả thực hiện;...Nguyên nhân của khó khăn, hạn chế trên là do sự quan tâm của một số cấp ủy chưa đúng mức về công tác nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; biên chế ban tuyên giáo cấp huyện chưa đủ so với chỉ tiêu được giao và thường xuyên thay đổi sau mỗi nhiệm kỳ đại hội của cấp ủy; cán bộ làm công tác tuyên giáo cấp xã còn hạn chế về trình độ, năng lực, hầu hết hoạt động kiêm nhiệm, mức phụ cấp thấp, nên chưa dành nhiều thời gian cho công tác tuyên giáo;…
Để nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, quán triệt, học tập và triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong thời gian đến, trên cơ sở kết quả khảo sát thực tế và đề xuất của các địa phương, đơn vị, các cấp ủy đảng cần quan tâm thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, các cấp ủy đảng tăng cường hơn nữa công tác lãnh chỉ đạo nghiên cứu, quán triệt, học tập và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân và sát với thực tiễn cuộc sống; có phương thức đánh giá nhận thức của cán bộ, đảng viên sau mỗi đợt học tập; có biện pháp xử lý đối với những cán bộ, đảng viên lười học chính trị nói chung, lười học tập các chỉ thị, nghị quyết của Đảng nói riêng.
Thứ hai, quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền các cấp; lựa chọn, phân công những lãnh đạo đầu ngành, trong cấp ủy có trình độ,khả năng thuyết trình vào đội ngũ báo cáo viên; thành lập và có chế độ, chính sách hỗ trợ đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết trong quần chúng nhân dân ở địa phương, đơn vị.
Thứ ba, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, truyền hình trực tuyến, truyền thanh không dây, loa di động, hội trường, nhà văn hóa tại một số địa phương miền núi để thực hiện tốt việc quán triệt, học tập, tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết sâu rộng trong quần chúng nhân dân địa phương.
Thứ tư, khen thưởng, biểu dương kịp thời những địa phương, đơn vị, cá nhân thực hiện có hiệu quả công tác nghiên cứu, quán triệt, học tập và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng; đồng thời phê bình, nhắc nhở, kiểm điểm những địa phương, đơn vị, cá nhân không thực hiện nghiêm túc công tác nghiên cứu, quán triệt, học tập và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, lấy hiệu quả việc nghiên cứu, quán triệt, học tập và triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong thực tiễn cuộc sống làm thước đo đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ chính trị hàng năm của từng địa phương, đơn vị và trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Thực hiện có hiệu quả công tác nghiên cứu, quán triệt, học tập và triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trong đời sống xã hội, sẽ góp phần to lớn trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng của địa phương và đất nước.

Bài, ảnh: Lê Văn Châu