Hình thức xâm hại danh dự, nhân phẩm trong nhà trường

Đáp án cho câu hỏiTình trạng xâm hại danh dự, nhân phẩm người khác trong nhà trường hiện nay. Để phòng chống một số tội phạm xâm hại danh dự, nhân phẩm của người khác, anh (chị) cần thực hiện tốt những nội dung nào chính xác, dễ hiểu nhất.

Câu hỏi:

Tình trạng xâm hại danh dự, nhân phẩm người khác trong nhà trường hiện nay. Để phòng chống một số tội phạm xâm hại danh dự, nhân phẩm của người khác, anh (chị) cần thực hiện tốt những nội dung nào?

Trả lời:

* Thực trạng:

Tình trạng xâm phạm danh dự nhân phẩm người khác trong nhà trường hiện nay tương đối phổ biến, đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Các bạn trẻ thực hiện hành vi thông qua nhiều hình thức khác nhau như: chia bè chia phái nói xấu sau lưng bạn, kì thị bạn bè, chê bai dè bỉu người khác, bịa đặt, đăng tải cá thông tin bôi nhọ, nói xấu người khác trên mạng xã hội, chửi bới nhau trên mạng xã hội...

* Để phòng chống một số tội xâm hại danh dự, nhân phẩm của người khác, mỗi người cần: Công dân có nghĩa vụ và quyền lợi trong sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự. Công dân với tư cách là chủ thể trong phòng chống tội phạm phải quán triệt:

- Thực hiện tốt các quyền, nghĩa vụ của công dân đã được quy định trong Hiến pháp, tích cực tham gia hoạt động phòng ngừa tội phạm.

- Tích cực, chủ động phát hiện mọi hoạt động của tội phạm và thông báo cho các cơ quan chức năng.

- Tham gia nhiệt tình vào công tác giáo dục, cảm hoá các đối tượng có liên quan đến hoạt động phạm tội tại cộng đồng dân cư.

- Phối hợp tham gia, giúp đỡ các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội thực hiện tốt “Chiến lược quốc gia phòng chống tội phạm”. Thực hiện tốt các phong trào: “Toàn dân tham gia phòng chống tội phạm, tố giác tội phạm, cảm hoá giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư”, làm tốt công tác tái hoà nhập cộng đồng cho người phạm tội khi trở về địa phương.

- Trực tiếp làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm ngay trong phạm vi gia đình (quản lí, giáo dục các thành viên trong gia đình)

* Trách nhiệm sinh viên:

- Không xúc phạm nhân phẩm, danh dự, uy tín, xâm phạm thân thể đối với nhà giáo, cán bộ
quản lý, viên chức, người lao động và học sinh, sinh viên khác trong nhà trường.

- Không gian lận trong học tập, thi, kiểm tra và làm giả hồ sơ để hưởng các chính sách đối với học sinh, sinh viên.

- Không tự ý nghỉ học, nghỉ thực tập, thực hành khi chưa được sự đồng ý của nhà trường.

- Cấm sản xuất, mua bán, vận chuyển, phát tán, sử dụng, tàng trữ hoặc lôi kéo mọi người khác sử dụng vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, ma túy, chất gây nghiện và các loại chất cấm khác, các tài liệu, ấn phẩm có nội dung chứa thông tin phản động, đồi trụy đi ngược với truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và các tài liệu cấm khác theo quy định của Nhà nước, tổ chức, tham gia hoạt động, truyền bá mê tín dị đoan và các hành vi vi phạm khác trong nhà trường.

- Không đăng tải, bình luận, chia sẻ các bài viết, hình ảnh có nội dung dung tục, đồi trụy, bạo lực, phản động, xâm phạm an ninh quốc gia, chống phá Đảng và Nhà nước, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân trên mạng Intenet

Trong môi trường giáo dục, thầy cô là người chỉ đường dẫn lối cho các em học sinh. Chính vì thế, các em và các bậc phụ huynh cần phải tôn trọng, biết ơn họ. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có hành vi xúc phạm giáo viên. Vậy, hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác là gì? Hình phạt của hành vi này được pháp luật quy định như thế nào?

1. Luật sư tư vấn hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác

 Danh dự, nhân phẩm của con người là những giá trị nhân thân gắn với một con người và được pháp luật bảo vệ. Mọi hành vi xúc phạm danh dự,nhân phẩm người khác đều là vi phạm pháp luật.? Người có hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác bị xử lý như thế nào? Các chế tài hành chính hay chế tài hình sự đặt ra nào đối với người có hành vi vi phạm ? Nếu bạn chưa tìm hiểu quy định pháp luật về vấn đề này, bạn hãy liên hệ tới Luật Minh Gia luật sư sẽ tư vấn cho bạn.

Để liên hệ với chúng tôi và yêu cầu tư vấn, bạn vui lòng gửi câu hỏi hoặc Gọi: 1900.6169, ngoài ra bạn có thể tham khảo thêm tình huống mà Luật Minh Gia tư vấn dưới đây.

2. Tư vấn về xử lý khi bị người khác xúc phạm danh dự nhân phẩm:

Câu hỏi yêu cầu luật sư tư vấn: Tôi bị một phụ huynh tố cáo với Ban Giám Hiệu là con của họ bị tôi ném ghế trúng vào chân của bé làm bé đi không được (chân của bé chỉ có vết bầm nhỏ bên hông trái của bàn chân), tôi đã xin lỗi phụ huynh và giải thích có thể là bé ngồi bên cạnh nhích ghế ra và làm bầm bàn chân bé, thực sự cô không có ném ghế trúng chân bé. Phụ huynh cười và đồng ý cho bé về, nhưng hôm sau họ đem con họ lên phòng Ban Giám Hiệu. Họ đã thưa tôi với Bạn Giám Hiệu và tôi được mời lên đối chất nhưng tôi không nhận tội ném ghế vào học trò. Kết quả tôi đã bị trừ thi đua và đã không nhận được thu nhập tăng thêm trong 3 tháng. Theo sự việc trên thì tôi có thể thưa phụ huynh tội xúc phạm danh dự của tôi được không? Xin cám ơn Luật sư.

Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, chúng tôi tư vấn cho trường hợp của bạn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp thì người phụ huynh có hành vi tố cáo với Ban giám hiệu nhà trường về việc bạn có hành vi ném ghế trúng vào chân của học sinh. Mặc dù bạn đã có xin lỗi và giải thích mình không có hành vi ném ghế vào học sinh nhưng phụ huynh đó vẫn báo sự việc lên Ban giám hiệu. Việc này khiến bạn bị trừ kết quả thi đua và không nhận được thu nhập tăng thêm trong 3 tháng. Do vậy, bạn muốn kiện người phụ huynh về tội xúc phạm danh dự của mình.

Đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác, tùy từng tính chất, mức độ của hành vi vi phạm có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác (Điều 155) hoặc Tội vu khống (Điều 156) Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể:

"Điều 155. Tội làm nhục người khác

1. Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

..."

Trường hợp một người có hành vi xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác (được thể hiện bằng lời nói hoặc hành động cụ thể như: lăng mạ, chửi rủa thậm tệ, cắt tóc, lột quần áo giữa đám đông...) thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 155 nêu trên.

Hoặc trường hợp một người cố tình bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác hoặc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ với cơ quan có thẩm quyền thì có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 156 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017):

"Điều 156. Tội vu khống

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:

a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;

b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

..."

Trường hợp hành vi xúc phạm danh dự nhân phẩm chưa đến mức phải truy cứu TNHS thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

“1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác”.

Trong trường hợp của bạn, người phụ huynh có nghi ngờ về việc bạn có hành vi ném ghế vào chân của học sinh nên đã nói chuyện trực tiếp với bạn đồng thời lên gặp Ban Giám hiệu để làm rõ sự việc. Theo các thông tin bạn cung cấp thì chúng tôi chưa thấy người phụ huynh này có những cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích hay có những hành vi xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự của bạn. Hành vi lên gặp Ban giám hiệu nhà trường để yêu cầu làm rõ sự việc chưa phải hành vi cố tình bịa đặt hay loan truyền những điều sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác (do có căn cứ để xem xét về hành vi gây tổn thương đến học sinh, cụ thể là "chân của bé chỉ có vết bầm nhỏ bên hông trái của bàn chân"). Do vậy, chưa có căn cứ để xử lý hành vi của người phụ huynh.

Đối với việc bạn bị trừ thi đua và đã không nhận được thu nhập tăng thêm trong 3 tháng, đây là tranh chấp giữa bạn và nhà trường. Trong trường hợp không có căn cứ chứng minh hành vi vi phạm của bạn mà nhà trường trừ điểm thi đua và không cho bạn nhận thu nhập tăng thêm trong 3 tháng thì bạn có quyền khiếu nại quyết định của Nhà trường.