Tại sao phải bảo vệ biên giới Tây Nam

12/14/2020 6:54:21 AM

Chiến thắng trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam (năm 1979) có ý nghĩa vô cùng to lớn, đập tan âm mưu và hành động xâm lược Việt Nam của tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêngxari, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, hồi sinh đất nước. Cuộc chiến tranh để lại nhiều bài học quý về nghệ thuật quân sự, nổi lên là nghệ thuật sử dụng lực lượng.

Sau khi lên nắm chính quyền (4/1975), được sự hậu thuẫn của các thế lực phản động nước ngoài, tập đoàn Pôn Pốt - Iêngxari đã phản bội lại sự nghiệp cách mạng của nhân dân Campuchia, phá hoại truyền thống đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân hai nước Campuchia - Việt Nam, thực hiện chính sách diệt chủng tàn khốc ở trong nước; vô cớ coi Việt Nam là “kẻ thù truyền kiếp”, “kẻ thủ số 1”.

Tháng 5/1975, ngay sau khi Việt Nam thống nhất, Pôn Pốt đã cho quân xâm chiếm đảo Phú Quốc, Thổ Chu, giết hơn 500 dân thường; khiêu khích bộ đội biên phòng, lấn chiếm biên giới các tỉnh Tây Ninh, Kon Tum, Đắk Lắk. Cuối năm 1975, đầu năm 1976, quân Pôn Pốt bất ngờ xâm nhập vào sâu lãnh thổ nước ta, có nơi trên 10km như ở Sa Thầy (Kon Tum), gây nhiều tội ác với nhân dân Việt Nam. Pôn Pốt lu loa cho rằng: “Tai họa nhất cần phải chú ý là Việt Nam”1. Theo đó, chúng tăng cường các hành động khiêu khích, lấn chiếm biên giới nước ta trên địa bàn các Quân khu: 5, 7, 9; ráo riết chuẩn bị chiến tranh, xây dựng, phát triển quân chủ lực từ 07 sư đoàn khi giải phóng lên 12 sư đoàn quân chính quy với đầy đủ các binh chủng và hàng vạn quân địa phương, tổ chức điều động 41% quân số, vũ khí, trang bị áp sát biên giới nước ta. Bất chấp mọi nỗ lực ngoại giao hòa bình của Việt Nam, Pôn Pốt vẫn tuyên bố: “Mâu thuẫn Việt Nam - Campuchia là mâu thuẫn sống còn, không thể điều hòa được, cũng không thể giải quyết bằng thương lượng mà phải dùng biện pháp quân sự”2. Đêm 30/4/1977, lợi dụng lúc quân và dân ta kỷ niệm 02 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tập đoàn Pôn Pốt đã mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam nước ta.

Trước âm mưu và hành động xâm lược thô bạo của quân Pôn Pốt, ngày 23/5/1977, Quân ủy Trung ương ra chỉ thị cho lực lượng vũ trang phía Nam “Kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của nước ta, không dung thứ bất cứ sự xâm lấn nào của lực lượng khiêu khích phản động Campuchia vào lãnh thổ ta; đồng thời, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ Campuchia. Tìm mọi cách làm nhụt tinh thần của bọn khiêu khích,... đập tan âm mưu chia rẽ các nước anh em trên bán đảo Đông Dương”3. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt, kiên quyết, kịp thời của Đảng, Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Bộ Tổng Tham mưu, quân và dân miền Nam, nòng cốt là lực lượng vũ trang đã chiến đấu anh dũng, mưu trí, sáng tạo, đánh bật quân Pôn Pốt ra khỏi biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ của Tổ quốc. Phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng và phong trào nổi dậy của nhân dân Campuchia, tiến công tiêu diệt phần lớn quân Pôn Pốt, giành chính quyền, xóa bỏ chế độ diệt chủng tàn ác, thiết lập chế độ dân chủ nhân dân, khôi phục đất nước Campuchia. Cuộc chiến tranh để lại nhiều bài học quý về tinh thần cảnh giác cách mạng; về phòng thủ, phòng ngự của lực lượng tại chỗ bảo vệ biên giới; về kết hợp đấu tranh quân sự với chính trị, ngoại giao; về tiến công quân sự từ biên giới của ta với đấu tranh, nổi dậy trong nội địa của Bạn.

Nghệ thuật sử dụng lực lượng vũ trang trong phòng thủ, phòng ngự, phản công, tiến công tiêu diệt địch, bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ phía Tây Nam của Tổ quốc được thể hiện trên một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, điều chỉnh, thay thế lực lượng, tổ chức phòng thủ, phòng ngự kết hợp vận động tiến công, phản kích, truy kích đẩy địch ra khỏi biên giới, bảo vệ nhân dân, mục tiêu, địa bàn. Giai đoạn đầu cuộc chiến, do ta chưa dự kiến các tình huống chiến tranh nên bị động, bất ngờ, đối phó lúng túng trước hành động xâm lấn, đột nhập của quân Khơme Đỏ. Nhưng ngay sau đó, ta đã kịp thời chỉ đạo các tỉnh, huyện, lực lượng Công an vũ trang (Bộ đội Biên phòng) khẩn trương điều chỉnh tổ chức biên chế, bổ sung lực lượng, tăng cường khả năng phòng thủ, phòng ngự trên tuyến biên giới. Trên hướng Quân khu 5, ta điều Tiểu đoàn 304 tỉnh Gia Lai - Kon Tum và Đại đội 17 huyện Đắc Tô, kết hợp với Trung đoàn 29, Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 95) chủ lực của Quân khu bố trí đứng chân ở khu vực BuPrăng - Đức Lập tăng cường sức mạnh tác chiến. Tổ chức các chốt, cụm chốt phòng ngự và hình thành các phân đội cơ động tại chỗ, phối hợp với lực lượng vũ trang tỉnh, huyện, công an vũ trang ở các đồn biên giới thực hiện các trận đánh phòng ngự, phản công, tiến công quy mô cấp tiểu đoàn, trung đoàn, nhằm phản kích, truy kích, đẩy địch ở khu vực sông Sa Thầy, Đồn BuPrăng, Trương Tấn Bửu,… về bên kia biên giới và chốt giữ, phòng ngự trận địa, bảo vệ địa bàn.

Sau khi có Nghị quyết của Quân ủy Trung ương về bảo vệ biên giới Tây Nam, ta gấp rút điều chỉnh, thay thế, ổn định các trung đoàn bộ đội địa phương của tỉnh, các sư đoàn chủ lực của quân khu và sử dụng một bộ phận cơ động của Bộ vào chiến đấu để bảo vệ các trọng điểm: Hà Tiên, Châu Đốc, Tây Ninh, v.v. Bộ Tổng Tham mưu điều Trung đoàn 64 (Sư đoàn 320) và Sư đoàn 10 của Quân đoàn 3 thay thế lực lượng Quân khu 7, đánh địch từ phía Đông Bãi Bầu đến Tà Nốt, ngã ba sông Cự. Trên hướng trọng điểm Quân khu 9, Bộ Tổng Tham mưu điều Trung đoàn 270 và Đại đội Pháo binh của Sư đoàn 341 tác chiến ở Hà Tiên; Trung đoàn 141, Trung đoàn Pháo binh 210 (thiếu) và Đại đội Thiết giáp của Sư đoàn 7 xuống tác chiến ở An Giang. Đồng thời, chỉ đạo, gấp rút tổ chức củng cố lại các đơn vị bộ đội địa phương, dân quân tự vệ xã, ấp, buôn làng; phối hợp với các đơn vị công an vũ trang, củng cố hệ thống công sự, trận địa, hàng rào, vật cản, giành lại thế chủ động, ngăn chặn, khống chế xâm nhập của địch, bảo vệ nhân dân, ổn định tình hình an ninh, trật tự biên giới, sẵn sàng đánh địch.

Hai là, phối hợp lực lượng tại chỗ với lực lượng cơ động chiến dịch, chiến lược đánh địch trên các hướng. Tháng 7/1977, quân Pôn Pốt mở cuộc tiến công lớn thứ hai đánh sang địa bàn các tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp phát triển lên hướng Tây Ninh, gây nhiều tội ác với nhân dân Việt Nam, tàn sát hơn 1.000 dân thường thuộc huyện Tân Biên, Bến Cầu (Tây Ninh). Trong điều kiện ta chưa tổ chức được tuyến phòng thủ biên giới vững chắc, Bộ Tổng Tham mưu quyết định sử dụng một lực lượng cơ động chủ lực của Bộ đánh lui các cuộc tiến công của địch ở nhiều khu vực trên biên giới, giành lại những khu vực bị lấn chiếm. Do điều kiện thời gian gấp, ta không tổ chức thành các chiến dịch tiến công hay phản công mà tổ chức lực lượng cơ động quy mô chiến dịch, chiến lược tiến công, phản công trên các hướng. Trong đó, sử dụng Quân đoàn 4 (thiếu) phối hợp với lực lượng vũ trang Quân khu 7, tiến công tiêu diệt địch trên hướng Đường số 1; cụm Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) và Sư đoàn 5 (Quân khu 7) tiến công địch trên hướng Xa Mát, hai cụm lực lượng này đồng thời mở cuộc tiến công đầu tiên sang đất Campuchia, đẩy lùi các đợt tiến công của địch trên hướng Tây Ninh, sau đó lui về củng cố lực lượng. Phát hiện ta lui quân về phía sau, tháng 11/1977, Pôn Pốt tiếp tục mở cuộc tiến công mới nhằm đánh chiếm thị xã Tây Ninh, Bộ Tổng Tham mưu đã sử dụng lực lượng cơ động chiến lược của Bộ (Quân đoàn 3, Quân đoàn 4) phối hợp với các sư đoàn chủ lực của Quân khu 7, Quân khu 9 (gồm 08 sư đoàn) mở đợt phản công đồng thời trên các hướng Đường số 7, Đường số 1, Đường số 13, đuổi quân Pôn Pốt ra khỏi biên giới và truy kích sâu vào đất Campuchia 20 km - 30 km; đánh chiếm các bàn đạp tiến công của địch và dừng lại ở Mimốt, một số điểm trên Đường số 7, vùng Mỏ Vẹt trên Đường số 1,… đánh thiệt hại 05 sư đoàn, làm thất bại kế hoạch đánh chiếm thị xã Tây Ninh của địch. Giai đoạn này ta chủ yếu sử dụng cụm lực lượng sư đoàn cơ động chiến lược của Bộ và các sư đoàn của các quân khu tiến hành tác chiến độc lập trên từng hướng, thực hành đột phá, tiến công trong hành tiến, đánh chiếm mục tiêu theo quyết tâm, kế hoạch đã xác định, tương tự như cụm lực lượng trên các hướng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Ba là, sử dụng lực lượng tập trung, vượt trội, phát huy sức mạnh hiệp đồng quân binh chủng, tổ chức phản công, tiến công đồng loạt, kết thúc chiến tranh. Năm 1978, mặc dù bị thiệt hại nặng, nhưng do được hỗ trợ về vũ khí, trang bị và cố vấn quân sự từ bên ngoài, quân Pôn Pốt vẫn đưa thêm lực lượng sát biên giới nước ta gây chiến, tiến công, lấn chiếm. Đặc biệt, giai đoạn cuối năm, Pôn Pốt tổ chức 05 sư đoàn và 04 trung đoàn chuẩn bị tiến công Tây Ninh, ý định mở rộng địa bàn đánh chiếm lãnh thổ nước ta. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã khẩn trương thông qua quyết tâm Tổng phản công - tiến công chiến lược tiêu diệt toàn bộ quân địch, hoàn thành cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc; đồng thời, hỗ trợ lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia nổi dậy đánh đổ tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt, giành chính quyền về tay nhân dân. Nắm được ý định Tổng phản công - tiến công của ta, ngày 23/12/1978, quân Pôn Pốt huy động 10 trong số 19 sư đoàn đang bố trí ở biên giới, mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới nước ta. Trước tình hình đó, Tiền phương Bộ Quốc phòng ở Mặt trận Tây Nam đã chỉ huy Quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc Tổng phản công - tiến công quyết định trên toàn tuyến biên giới. Ta sử dụng tổng hợp các lực lượng cả lục quân, không quân, hải quân4, liên tục phản công, tiến công địch bằng mọi quy mô, hình thức, đánh đuổi quân Pôn Pốt, giành lại toàn bộ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng thời, tiếp tục tiến công, nhanh chóng chọc thủng tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch, phát triển tiêu diệt 03 cụm quân chủ lực Pôn Pốt (mỗi cụm 04 đến 05 sư đoàn) án ngữ trục đường số 1, số 7, số 2 tiến về PhnômPênh, phối hợp với các hướng và lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia tổng công kích vào giải phóng thủ đô PhnômPênh. Ta và lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia đã tiêu diệt và làm tan rã 18 sư đoàn quân Pôn Pốt (trong đó xóa sổ 05 sư đoàn), diệt 12.000 tên, bắt sống 8.800 tên,... giải phóng 04 triệu dân Campuchia, đập tan bộ máy thống trị của tập đoàn Pôn Pốt, thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân Campuchia.

Cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam đã lùi xa, nhưng những bài học quý về nghệ thuật quân sự, nhất là nghệ thuật sử dụng lực lượng trong tác chiến vẫn còn nguyên giá trị để chúng ta nghiên cứu, vận dụng vào chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Thượng tá, ThS. NGUYỄN HOÀNG TÙNG
______________

1 - Tài liệu thu được của địch, hồ sơ số KC 559, tài liệu lưu tại Thư viện Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam.

2 - Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam – Lịch sử Quân sự Việt Nam, Tập 13, Nxb CTQG, H. 2014, tr. 99.

3 - Sđd, tr. 104.

4 - Từ ngày 24/12/1978 - 02/01/1979, ta sử dụng 03 quân đoàn (2, 3 ,4), 03 quân khu (5, 7, 9), 173 máy bay các loại, 160 tàu, thuyền chiến đấu và vận tải, với tổng số khoảng 25 vạn quân.