Tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ Trung ương đến cơ sở

(TG) - GS.TS Nguyễn Đình Cử khuyến cáo: Việc các đơn vị dân số từ Trung ương đến cơ sở trực thuộc cơ quan y tế cùng cấp, với nhân sự ngày càng "mỏng dần", có thể quản lý các lĩnh vực mang tính chuyên môn nghiệp vụ y tế như: KHHGĐ, sàng lọc trước sinh và sơ sinh... nhưng khó khăn trong việc điều phối các lĩnh vực "Dân số và Phát triển" khác như: Tận dụng cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; di cư và phân bố dân cư hợp lý... Tổ chức bộ máy quản lý dân số thay đổi nhiều nên cán bộ không yên tâm với công việc, một số địa phương không giữ được cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm trong công tác.

Tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ Trung ương đến cơ sở
Ổn định tổ chức bộ máy rất quan trọng với công tác dân số (trong ảnh: Cán bộ Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Bắc Giang truyền thông, tư vấn sức khỏe sinh sản vị thành niên cho học sinh trung học phổ thông). Ảnh: B.G

CÁN BỘ CHỦ ĐỘNG CHUYỂN VIỆC, ĐỊA PHƯƠNG SAO NHÃNG CÔNG TÁC DÂN SỐ

Tại tuyến huyện, thời gian qua, việc sáp nhập đã gây xáo trộn trong bộ máy làm công tác dân số. Theo báo cáo của Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Dân số), tại cấp huyện hiện có 45 tỉnh đã sáp nhập Trung tâm Dân số vào Trung tâm Y tế; 16 tỉnh đã và đang xây dựng đề án sáp nhập; 2 tỉnh chưa có chủ trương sáp nhập.

Cấp xã, hầu hết các tỉnh, viên chức dân số xã thuộc Trạm Y tế xã quản lý trực thuộc Trung tâm Y tế. Riêng đối với đội ngũ cộng tác viên dân số, theo báo cáo, hiện nay tổng số cộng tác viên dân số trên cả nước là 163.686 người, giảm 11.161 người so với năm 2018. Trong đó, khoảng 65% số cộng tác viên dân số hiện tại là kiêm nhiệm, đa số là các cán bộ y tế thôn bản và cán bộ phụ nữ.

Chia sẻ tại Hội nghị chuyên đề công tác dân số 6 tháng đầu năm 2019, lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Kiên Giang cho biết, sau khi thực hiện việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế huyện, 6 lãnh đạo Trung tâm Dân số của tỉnh này đã chủ động xin nghỉ việc để chuyển sang công tác khác. Không những thế, qua quá trình thực địa giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác dân số, lãnh đạo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Kiên Giang vô cùng trăn trở khi có những địa phương đã thể hiện sự sao nhãng, lơ là đối với công tác dân số. Đơn cử, có những xã vài tháng liền không nhập dữ liệu dân số vào kho dữ liệu cơ sở. Đây là rào cản rất lớn trong việc thống kê, đánh giá các chỉ tiêu, kế hoạch trong công tác dân số của tỉnh này.

Ở các tỉnh, thành phố khác cũng có tình trạng tương tự, khiến cho công tác dân số ở địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai các mục tiêu, chỉ tiêu về dân số trong tình hình mới mà Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành.

NHIỀU ĐỊAPHƯƠNG CHƯA NHẬN THỨC ĐÚNG VÀ ĐỦ VỀ CÔNG TÁC DÂN SỐ

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số nhấn mạnh: Những khó khăn, thách thức của công tác dân số trong tình hình mới cũng là hạn chế đã được chỉ rõ trong Nghị quyết 21-NQ/TW. Đó là: Một số cấp ủy, chính quyền chưa nhận thức đúng và đầy đủ về tính chất lâu dài, khó khăn, phức tạp, tầm quan trọng và ý nghĩa của công tác DS-KHHGĐ; lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt, chưa hiệu quả. Một số cơ chế, chính sách về dân số chậm đổi mới. Các nội dung về dân số trong phát triển kinh tế - xã hội còn chưa được chú trọng đúng mức ở địa phương. Tổ chức bộ máy thiếu ổn định, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác dân số ở cấp cơ sở còn thấp. Trong tình hình mới, với nhiều đòi hỏi cao hơn để thực hiện các mục tiêu đề ra, đội ngũ cán bộ làm công tác dân số lại đang bị tinh giản hoặc phải kiêm nhiệm các nhiệm vụ y tế sẽ làm cho việc triển khai công tác dân số ngày càng khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư cho DS-KHHGĐ còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu. Từ nhiều năm nay, ngân sách từ Trung ương cấp cho công tác dân số ngày càng hạn hẹp, trong khi nguồn viện trợ từ các dự án nước ngoài hiện đã cắt giảm tối đa… Nhiều hoạt động bị đình trệ và không được triển khai. Tại địa phương, ngân sách sở tại cấp cho ngành Dân số có sự chênh lệch giữa các tỉnh, các vùng. Thậm chí có tỉnh không hỗ trợ kinh phí cho công tác đặc biệt quan trọng này. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành Dân số ở địa phương ngày càng thiếu thốn, xuống cấp…

Ông Nguyễn Doãn Tú trăn trở: "Những khó khăn trên đang "hiện thực hoá" thực trạng mà Nghị quyết 21 đã chỉ rõ. Cần tìm phương án để triển khai thành công Nghị quyết 21-NQ/TW khi còn quá nhiều khó khăn nêu trên".

ỔN ĐỊNH BỘ MÁY, KHÔNG LÀM XÁO TRỘN ẢNH HƯỞNG TÂM LÝ CÁN BỘ

Nghị quyết 21-NQ/TW đã được ban hành, quan điểm chỉ đạo chỉ rõ: "Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang Dân số và Phát triển. Công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững".

Bên cạnh đó, mục tiêu là phải giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bổ, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

Quan điểm chỉ đạo, mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW rất rõ ràng, trên thực tế việc triển khai đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn. Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, các khó khăn thách thức hiện nay là công tác truyền thông, vận động chưa có được sự chuyển hướng mạnh về Dân số và Phát triển, Nghị quyết 21-NQ/TW chậm được cụ thể hóa, kinh phí hoạt động cho ngành Dân số giảm, mô hình tổ chức cán bộ có sự xáo trộn, thay đổi nhiều nên cán bộ không yên tâm với công việc, một số địa phương không giữ được cán bộ có năng lực, có kinh nghiệm trong công tác.

"Với những khó khăn, thách thức trong 2 năm thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW, nếu không có sự thay đổi, việc đạt được những mục tiêu mà nghị quyết này đề ra đến năm 2030 vẫn còn là một câu hỏi lớn. Rõ ràng, "Đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp" như Nghị quyết số 21-NQ/TW yêu cầu là một đòi hỏi cấp bách hiện nay", GS.TS Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Doãn Tú cho biết, trong khi chờ Chính phủ ban hành Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; Nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp quận/huyện/thị xã/thành phố thuộc tỉnh, trước mắt, các địa phương cần chủ động tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn nội tại của cơ sở mình trước. Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số giao cho Vụ Tổ chức cán bộ của Tổng cục làm đầu mối tiếp nhận ý kiến, phản ánh về những khó khăn của các địa phương để trình lãnh đạo Tổng cục nắm tình hình và tìm các giải pháp một cách phù hợp nhất. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Doãn Tú cũng đề nghị các tỉnh ổn định tâm lý cán bộ, tập trung triển khai, đẩy mạnh thực hiện các mô hình, dự án, đề án về công tác DS-KHHGĐ trong thời gian từ nay đến hết năm 2019 để đạt được các chỉ tiêu được giao.

Trước thực trạng việc sắp xếp lại bộ máy tổ chức cán bộ, các cơ quan chuyên môn có nhiều biến động, thiếu sự đồng bộ ở các địa phương, ngày 08/5/2018, Bộ Y tế đã có văn bản số 2509/BYT-TCDS gửi Sở Y tế các tỉnh/thành phố và Công văn số 4480/BYT-TCDS ngày 03/8/2018 gửi UBND các tỉnh/thành phố về ổn định tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở. Theo đó, Bộ Y tế đề nghị trong khi chờ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định để hướng dẫn tổ chức bộ máy làm công tác dân số ở địa phương, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế, UBND các tỉnh tỉnh/thành phố tiếp tục củng cố, kiện toàn, ổn định bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ ở địa phương đến khi có quy định mới để không ảnh hưởng tới tâm lý của cán bộ, công chức nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Tiếp đó, ngày 5/12/2018, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 5954/BNV-TCBC gửi UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tạm dừng việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn thực hiện việc sáp nhập cơ cấu tổ chức tuyến huyện, thậm chí cả tuyến tỉnh như việc chuyển Chi cục DS-KHHGĐ thành Phòng DS-KHHGĐ thuộc Sở Y tế. Điều này chưa đúng với tinh thần của các văn bản trên./.

Hà Anh

Tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ Trung ương đến cơ sở

Cần sớm ổn định tổ chức bộ máy để công tác dân số đạt hiệu quả cao nhất. Ảnh: TL

Bộ máy xáo trộn…

Tại Hội thảo chuyên đề công tác dân số năm 2020 do Tổng cục Dân số – KHHGĐ vừa tổ chức, chia sẻ về thực trạng mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số của địa phương mình, BS Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Lạng Sơn cho biết: Tổ chức bộ máy thực hiện công tác dân số của tỉnh Lạng Sơn hiện vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức cả về số lượng, chất lượng cán bộ chuyên trách và đặc biệt là đội ngũ cộng tác viên dân số.

Việc sáp nhập Trung tâm DS-KHHGÐ tuyến huyện vào Trung tâm Y tế đa chức năng đã gây nên tư tưởng dao động, không yên tâm trong quá trình công tác của không ít cán bộ dân số tuyến quận, huyện.

Bên cạnh đó, mặc dù số lượng viên chức dân số tuyến huyện kê khai là đủ nhưng do đặc thù của việc khoán tự chủ của Trung tâm Y tế đa chức năng nên những viên chức có chuyên môn y – dược thì phải kiêm nhiệm công tác khám, chữa bệnh, số còn lại kiêm nhiệm công tác hành chính – tổ chức, thậm chí kiêm luôn văn thư – tạp vụ, không có nhiều thời gian, tâm trí và sức lực cho các hoạt động dân số ở cơ sở.

Đồng thời, ở tuyến xã những cán bộ dân số có chuyên môn y – dược cố gắng có giấy phép hành nghề khám, chữa bệnh để tham gia công tác khám, chữa bệnh tại Trạm Y tế và tham gia hoạt động tư nhân. Những cán bộ còn lại thì kiêm nhiệm công tác văn phòng của Trạm Y tế, không dành nhiều thời gian thực hiện công tác dân số ở tuyến thôn, bản.

Với đội ngũ cộng tác viên dân số trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, BS Bằng cho hay, sau khi thực hiện khoán chi cho 6 định biên tuyến thôn, bản (tháng 4/2020) thì hầu hết cộng tác viên không còn mặn mà với công tác dân số. “Để khắc phục tình trạng này, Chi cục DS-KHHGĐ đã tham mưu cho UBND tỉnh quy định nhân viên y tế thôn, bản kiêm cộng tác viên dân số. Nhưng vấn đề này vẫn chưa thể ổn định được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đại đa số cộng tác viên dân số – những người góp phần quan trọng vào sự thành công của công tác dân số hiện nay”, BS Bằng cho hay.

Cũng trăn trở về bộ máy tổ chức làm công tác dân số, BS Nguyễn Bá Tân, Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Nghệ An cho biết: Thực tế vài năm trở lại đây, mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số bị xáo trộn, thiếu đồng bộ giữa các địa phương đã được đề cập rất nhiều tại các diễn đàn, hội thảo, hội nghị về công tác dân số. Tuy nhiên, đến nay, đây vẫn là vấn đề băn khoăn của đại đa số những người làm công tác dân số.

Theo BS Nguyễn Bá Tân, sau khi thực hiện sáp nhập Trung tâm DS-KHHGĐ vào Trung tâm Y tế đa chức năng huyện, đến thời điểm hiện tại, bộ máy làm công tác dân số đã quá tinh gọn rồi, cần được giữ nguyên, không thể tiến hành tinh gọn hơn được nữa. Theo đó, ở Trung ương có Tổng cục DS-KHHGĐ; tuyến tỉnh có Chi cục DS-KHHGĐ; tuyến huyện là Phòng Dân số thuộc Trung tâm Y tế đa chức năng huyện. Trung tâm Y tế cần phân công một Phó Giám đốc phụ trách công tác dân số. Đối với tuyến xã, giữ vững viên chức, chuyên trách dân số ở xã và ở thôn, bản có hệ thống cộng tác viên dân số…

Những kiến nghị

Tổ chức bộ máy làm công tác dân số từ Trung ương đến cơ sở

Viên chức, chuyên trách dân số cấp xã phải được giữ vững.

Để bộ máy làm công tác dân số sớm được ổn định, theo BS Nguyễn Quang Bằng (Chi cục DS-KHHGĐ Lạng Sơn) trong thời gian tới, cần sớm thành lập Ban Chỉ đạo công tác Dân số và Phát triển Trung ương để có sự chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến cơ sở, quy định rõ trong quy chế làm việc của các thành viên Ban Chỉ đạo để chỉ đạo tuyến dưới thực hiện nhiệm vụ công tác dân số trong tình hình mới theo như tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đề ra.

Cùng với đó, sớm thay thế Thông tư 05 của Bộ Y tế năm 2008 về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ ở địa phương cho phù hợp với tình hình tổ chức bộ máy thực hiện công tác dân số hiện nay, nhất là vấn đề quy định rõ chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của đội ngũ cộng tác viên dân số thôn, bản.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng, với tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực thiếu hụt như hiện nay, khó có thể đáp ứng được yêu cầu mà Nghị quyết 21-NQ/TW đã đề ra. Do đó, để đáp ứng được nhu cầu và nhiệm vụ của công tác dân số trong tình hình mới, tổ chức bộ máy làm công tác dân số cần phải được nhanh chóng kiện toàn ổn định.

Đề cập về mô hình tổ chức bộ máy làm công tác dân số dự kiến trong thời gian tới, ông Lê Văn Hợi, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Tổng cục Dân số) cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Y tế – đầu mối là Tổng cục Dân số xây dựng Đề án để hoàn thiện mô hình, tổ chức bộ máy làm công tác dân số. Hiện Tổng cục đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Đề án Nghiên cứu xây dựng mô hình tổ chức bộ máy, mạng lưới và cơ chế phối hợp liên ngành làm công tác Dân số và Phát triển ở các cấp.

Theo nội dung dự thảo Đề án này, ở Trung ương, phương án kiến nghị trước mắt là đổi tên Tổng cục DS-KHHGĐ thành Tổng cục Dân số và Phát triển; Thành lập Ủy ban Quốc gia về Dân số và Phát triển là cơ quan hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm. Phương án lâu dài là thành lập Ủy ban Quốc gia về Dân số và Phát triển là cơ quan chuyên trách ngang Bộ.

Tương tự, ở cấp tỉnh, đổi tên Chi cục DS-KHHGĐ thành Chi cục Dân số và Phát triển và đổi tên Ban chỉ đạo DS-KHHGĐ tỉnh, thành Ban chỉ đạo/Ủy ban Dân số và Phát triển cấp tỉnh (kiêm nhiệm). Sau đó, kiện toàn Ban chỉ đạo DS-KHHGĐ tỉnh, thành Ủy ban Dân số và Phát triển cấp tỉnh (chuyên trách).

Với cấp huyện, trước mắt, kiện toàn Phòng/Khoa Dân số thuộc Trung tâm Y tế huyện đa chức năng; đổi tên Ban chỉ đạo DS-KHHGĐ huyện thành Ban chỉ đạo Dân số và Phát triển cấp huyện (kiêm nhiệm). Về lâu dài, cần thành lập Phòng Dân số và Phát triển thuộc UBND cấp huyện.

Còn ở cấp xã, kiện toàn đội ngũ cán bộ dân số xã gồm một cán bộ thuộc Trạm Y tế xã là cán bộ chuyên trách dân số. Sau này, hướng đến đưa cán bộ chuyên trách dân số xã trực thuộc UBND xã. Riêng với mạng lưới cộng tác viên, Đề án thí điểm và mở rộng mạng lưới công tác viên Dân số, Gia đình và Trẻ em.

“Việc ổn định tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của đội ngũ thực hiện công tác dân số từ tỉnh đến thôn bản là việc làm hết sức quan trọng, quyết định thành bại của tất cả các chương trình nói chung, đặc biệt là công tác dân số nói riêng vì có đặc thù là mang tính xã hội rất cao”, BS Nguyễn Quang Bằng, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Lạng Sơn nhấn mạnh.

 Mai Thùy