Ví dụ vấn đề có đi có lại trong việc áp dụng luật nước ngoài

Áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của nước ngoài

01/09/2017

BÀNH QUỐC TUẤN

khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế Luật, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh

Từ viết tắt In trang Gửi tới bạn

Tóm tắt: Nguyên tắc có đi có lại trong công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của nước ngoài được ghi nhận tại Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 (sửa đổi năm 2011) và tiếp tục được kế thừa trong Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên, để áp dụng nguyên tắc này vào thực tiễn, có nhiều vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu làm rõ. Bài viết phân tích quy định của pháp luật hiện hành về nguyên tắc có đi có lại trong lĩnh vực tư pháp quốc tế và nêu những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để áp dụng nguyên tắc có đi có lại vào thực tiễn.

Từ khoá: tư pháp quốc tế Việt Nam, nguyên tắc có đi có lại, công nhận và cho thi hành bản án, quyết định dân sự.

Abstract: The reciprocity principle in the acceptance and enforcement of foreign civil judgments and decisions in Vietnam is defined in the Civil Procedure Code of 2004 (amended in 2011) and be inheritedly defined in the Civil Procedure Code of 2015. However, in order to apply this principle in practice, several issues need to be further clarified. This article provides analysis the current legislations on the principle of reciprocity in the international justice sector and discussions of the issues that need further reviewing to be applied in the principle of reciprocity into practice.

Keywords: Vietnamese International Private Law, reciprocity principle, acceptance and enforcement of judgments, civil decision.

Ví dụ vấn đề có đi có lại trong việc áp dụng luật nước ngoài

Ảnh minh họa: nguồn internet

1. Quy định của pháp luật hiện hành về nguyên tắc có đi có lại trong lĩnh vực tư pháp quốc tế

Là một trong hai nguyên tắc cơ bản được quy định trong tư pháp quốc tế (TPQT)[1], nguyên tắc có đi có lại được quy định trong nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh các quan hệ trong lĩnh vực TPQT của Việt Nam. Cụ thể, Điều 4 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 quy định nguyên tắc có điều ước quốc tế (ĐƯQT) và nguyên tắc có đi có lại trong hoạt động tương trợ tư pháp. Nguyên tắc này được quy định cụ thể tại Điều 2 Nghị định số 92/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 22/8/2008 “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tương trợ tư pháp”. Điều 465 Bộ luật Tố tụng dân sự(TTDS) năm 2015 quy định việc áp dụng nguyên tắc có ĐƯQT và nguyên tắc có đi có lại trong xác định quyền, nghĩa vụ tố tụng của người nước ngoài, cơ quan, tổ chức nước ngoài, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam của cơ quan, tổ chức nước ngoài và tổ chức quốc tế, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Nhà nước nước ngoài. Trong hoạt động công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của nước ngoài, nguyên tắc có đi có lại được ghi nhận tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 423 Bộ luật TTDS năm 2015. Như vậy, có đi có lại là một nguyên tắc quan trọng của TPQT của Việt Nam.

Khoản 1 Điều 66 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 quy định: Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xem xét, quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong quan hệ tương trợ tư pháp với nước hữu quan và định kỳ thông báo với Bộ Tư pháp tình hình áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong quan hệ tương trợ tư pháp với nước hữu quan. Điều 7 Nghị định số 92/2008/NĐ-CP cũng không quy định chi tiết thêm vấn đề này. Các vấn đề cụ thể liên quan đến việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại chỉ được quy định tương đối chi tiết tại Thông tư liên tịch số 15/2011/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 15/9/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao và Toà án nhân dân tối cao về “Hướng dẫn áp dụng một số quy định về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự của Luật Tương trợ tư pháp” (sau đây gọi là Thông tư số 15). Theo các quy định của Thông tư số 15, cơ chế áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong hoạt động tương trợ tư pháp như sau:

- Về cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại: Thông tư số 15 quy định hai trường hợp: Áp dụng nguyên tắc có đi có lại theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và áp dụng nguyên tắc có đi có lại theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Thứ nhất, áp dụng nguyên tắc có đi có lại theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam (thường là Toà án đang giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài). Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 15 quy định : Đối với những nước mà giữa Việt Nam và nước đó chưa có thỏa thuận hoặc chưa có tiền lệ về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại thì Tòa án của Việt Nam yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài tương trợ tư pháp về dân sự cần có công văn gửi Bộ Tư pháp đề nghị áp dụng nguyên tắc có đi có lại kèm theo hồ sơ ủy thác tư pháp về dân sự. Bộ Tư pháp gửi hồ sơ đề nghị Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định. Nếu cần thiết, Bộ Ngoại giao phải lấy ý kiến của Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại.

Thứ hai, áp dụng nguyên tắc có đi có lại theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (Bộ Ngoại giao là đầu mối tiếp nhận). Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 15 quy định: Đối với những nước mà giữa Việt Nam và nước đó chưa có thỏa thuận hoặc chưa có tiền lệ về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại, Bộ Ngoại giao gửi công văn, kèm theo hồ sơ liên quan (nếu có), đề nghị Bộ Tư pháp và Tòa án nhân dân tối cao phối hợp xem xét việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại.

Như vậy, theo Thông tư số 15, có 3 cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề liên quan đến việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại là Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và Toà án nhân dân có thẩm quyền. Trong đó, quyền quyết định cuối cùng về việc có áp dụng hay không áp dụng nguyên tắc có đi có lại thuộc về Bộ Ngoại giao.

- Căn cứ xem xét, quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại: Điều 5 Thông tư số 15 quy định 4 căn cứ để xem xét, quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp với nước ngoài sau đây :

+ Sự cần thiết, nhu cầu của Việt Nam đối với việc tương trợ tư pháp trong từng trường hợp cụ thể hoặc trong quan hệ chung với nước có liên quan;

+ Không trái với pháp luật Việt Nam, các ĐƯQT liên quan mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với pháp luật, tập quán quốc tế;

+ Sự phù hợp về yêu cầu đối ngoại, tác động chính trị, kinh tế, xã hội và những tác động khác, nếu có;

+ Sự ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của Nhà nước, cá nhân, pháp nhân Việt Nam có liên quan.

- Trách nhiệm cập nhật và thông báo tên các quốc gia, vùng lãnh thổ đã có thỏa thuận hoặc có tiền lệ áp dụng nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam về tương trợ tư pháp về dân sự: Điều 25 Thông tư số 15 quy định: Bộ Ngoại giao có trách nhiệm cập nhật tên các quốc gia, vùng lãnh thổ đã có thỏa thuận hoặc có tiền lệ áp dụng nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và gửi cho Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao. Việc này góp phần cung cấp thông tin về các quốc gia đã áp dụng nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam để các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thuận lợi trong việc quyết định có áp dụng hay không áp dụng nguyên tắc có đi có lại khi nhận được yêu cầu tương trợ tư pháp từ cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

Có thể thấy rằng, về cơ bản, Thông tư số 15 đã quy định tương đối cụ thể một số vấn đề liên quan đến việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trên thực tế. Tuy nhiên, Điều 5 Thông tư số 12/2016/TTLT-BTP-BNG-TANDTC ngày 19/10/2016 “Quy định về trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự” thay thế Thông tư số 15, về “Áp dụng nguyên tắc có đi có lại trong tương trợ tư pháp về dân sự” chỉ quy định ngắn gọn hai trường hợp cơ quan có thẩm quyền Việt Nam có thể từ chối thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự cho nước ngoài trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại: Khi có căn cứ cho thấy phía nước ngoài không thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự cho Việt Nam; Khi việc thực hiện tương trợ tư pháp đó trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Các nội dung khác đều không được đề cập đến. Như vậy, đến thời điểm hiện tại, trong hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam không có quy định cụ thể nào về việc áp dụng nguyên tắc có đi có lại trên thực tế.

2. Những vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu để áp dụng nguyên tắc có đi có lại vào thực tiễn

2.1 Vai trò của nguyên tắc có đi có lại trong công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của nước ngoài

Trong lĩnh vực công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của nước ngoài, nguyên tắc có đi có lại đóng một vai trò quan trọng và đã được quy định tại khoản 3 Điều 343 Bộ luật TTDS năm 2004 (sửa đổi năm 2011) và tiếp tục được quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 423 Bộ luật TTDS năm 2015. Theo đó, vai trò của nguyên tắc có đi có lại trong công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của nước ngoài được thể hiện cụ thể như sau:

Thứ nhất, đối với những bản án, quyết định dân sự của nước ngoài có yêu cầu thi hành tại Việt Nam chỉ được công nhận khi giữa Việt Nam và nước đó có ký kết ĐƯQT về vấn đề này. Đến thời điểm hiện tại Việt Nam đã ký kết 18 Hiệp định tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự có nội dung quy định về vấn đề công nhận lẫn nhau bản án, quyết định trong lĩnh vực dân sự[2]. Như vậy, đối với bản án, quyết định dân sự của những quốc gia còn lại nếu không áp dụng nguyên tắc có đi có lại sẽ không có cơ hội được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bởi lẽ Việt Nam không áp dụng nguyên tắc đương nhiên công nhận đối với các bản án, quyết định dân sự của nước ngoài như mô hình của một số nước trên thế giới như Đức[3], Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai - len[4],…

Thứ hai, các hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam đã ký kết phần lớn với những nước XHCN Đông Âu trước đây nay được tiếp tục kế thừa (Ba Lan, Bungary, Hungary…) và nhiều hiệp định trong số này đã phát sinh nhiều bất cập phải sửa đổi nhưng chưa thực hiện được nên gần như không áp dụng được trên thực tế[5]. Bên cạnh đó, có những hiệp định ký với những quốc gia ít phát sinh quan hệ dân sự với Việt Nam như Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, Cu Ba… Trong khi đó, những quốc gia có đông người Việt Nam sinh sống thì lại chưa có hiệp định như Hoa Kỳ, Úc, Nhật Bản… Bất cập này đã dẫn đến thực tế là, nếu chỉ áp dụng nguyên tắc có ĐƯQT mà không áp dụng nguyên tắc có đi có lại thì trong nhiều trường hợp, bản án, quyết định dân sự của nước ngoài liên quan đến người Việt Nam sẽ không được công nhận tại Việt Nam, không bảo vệ được lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam, đặc biệt là bản án, quyết định trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình[6]. Ở đây, nguyên tắc có đi có lại chính là giải pháp khắc phục hạn chế của nguyên tắc có ĐƯQT.

Thứ ba, đối với các bản án, quyết định không có yêu cầu thi hành tại Việt Nam chỉ được đương nhiên công nhận tại Việt Nam nếu có nội dung liên quan “về hôn nhân và gia đình của Tòa án nước ngoài, quyết định về hôn nhân và gia đình của cơ quan khác có thẩm quyền của nước ngoài” (khoản 2 Điều 431 Bộ luật TTDS năm 2015). Như vậy, đối với các bản án, quyết định còn lại, chỉ được đương nhiên công nhận tại Việt Nam khi giữa Việt Nam và nước đó có ĐƯQT quy định (khoản 1 Điều 431 Bộ luật TTDS năm 2015). Như vậy, nếu không áp dụng nguyên tắc có đi có lại, thì các bản án, quyết định này cũng không có cơ hội được công nhận tại Việt Nam theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật TTDS năm 2015.

Tóm lại, với tư cách là một nguyên tắc của tư pháp quốc tế nói chung, tương trợ tư pháp nói riêng, nguyên tắc có đi có lại đã mở rộng phạm vi các trường hợp công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài, bảo vệ hiệu quả hơn trên thực tế lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam trong các quan hệ TTDS quốc tế. Nguyên tắc có đi có lại còn là cơ sở để Việt Nam bảo vệ các lợi ích công cộng của mình trong trường hợp có quốc gia nước ngoài từ chối công nhận bản án, quyết định dân sự của Toà án Việt Nam với lý do giữa Việt Nam và nước đó chưa có ĐƯQT điều chỉnh vấn đề này.

2.2 Những vấn đề cần tiếp tục cụ thể hoá trong văn bản pháp luật

Xuất phát từ vai trò quan trọng của nguyên tắc có đi có lại trong công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của nước ngoài, để đáp ứng yêu cầu triển khai Bộ luật TTDS năm 2015, việc nghiên cứu xây dựng cơ chế cụ thể để áp dụng nguyên tắc này vào thực tiễn là chính đáng và có tính cấp thiết. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, cần ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết một số vấn đề sau đây:

Thứ nhất, về cơ quan có thẩm quyền quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại.

Cần chuyển giao thẩm quyền quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại từ Bộ Ngoại giao cho Bộ Tư pháp. Bởi lẽ, thẩm quyền này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tư pháp; tận dụng được trí tuệ của đội ngũ chuyên gia pháp lý đang công tác tại Bộ Tư pháp. Khi đó, Bộ Ngoại giao sẽ là đầu mối để thông báo kết quả giải quyết với cơ quan có thẩm quyền nước ngoài sau khi nhận được kết quả từ Bộ Tư pháp. Việc giao Bộ Tư pháp quyền quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại còn góp phần đảm bảo tính pháp lý của kết quả áp dụng pháp luật, phù hợp với vai trò của Bộ Tư pháp là cơ quan trực tiếp tham mưu cho Chính phủ thẩm định các vấn đề liên quan đến pháp lý trong hoạt động của Chính phủ.

Thứ hai, về căn cứ xem xét, quyết định áp dụng nguyên tắc có đi có lại.

Cần quy định cơ chế áp dụng linh hoạt nguyên tắc có đi có lại theo hướng: Việt Nam có thể chủ động áp dụng nguyên tắc có đi có lại khi nhận được yêu cầu tương trợ tư pháp của cơ quan có thẩm quyền nước ngoài hoặc yêu cầu công nhận bản án, quyết định dân sự của nước ngoài của công dân Việt Nam mà không cần xem xét giữa Việt Nam và nước đó đã áp dụng hoặc có thoả thuận áp dụng nguyên tắc có đi có lại hay chưa. Dĩ nhiên, việc áp dụng linh hoạt trong trường hợp này cần có những quy định chi tiết về phạm vi áp dụng, cơ quan có thẩm quyền thẩm tra, quyết định và những trường hợp dù có thể bảo vệ được lợi ích của công dân Việt Nam nhưng cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam vẫn từ chối áp dụng nguyên tắc có đi có lại do vi phạm trật tự công cộng của Việt Nam.

Thứ ba, về trách nhiệm theo dõi, tổng kết danh sách các quốc gia đã áp dụng hoặc thoả thuận áp dụng nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam để đề xuất ký kết hiệp định về áp dụng nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam.

Nguyên tắc có đi có lại về bản chất là những trường hợp cụ thể trên thực tế cơ quan có thẩm quyền của các quốc gia quyết định việc tương trợ tư pháp lẫn nhau khi giữa hai quốc gia chưa có ĐƯQT ràng buộc nghĩa vụ này. Vì vậy, để đảm bảo việc ký kết được thực hiện theo một định hướng thống nhất, bảo vệ lợi ích hợp pháp của chủ thể Việt Nam, bảo đảm trật tự công cũng như chính sách đối ngoại của Việt Nam, cần có một cơ quan đảm nhận việc theo dõi, tổng kết danh sách các quốc gia đã áp dụng hoặc thoả thuận áp dụng nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam để đề xuất ký kết hiệp định về áp dụng nguyên tắc có đi có lại với Việt Nam.

Xét về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, Bộ Tư pháp là cơ quan phù hợp để đảm nhận trách nhiệm này.

Tóm lại, với vai trò là một trong hai nguyên tắc của công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của nước ngoài được Bộ luật TTDS năm 2015 quy định, việc xây dựng cơ chế cụ thể để áp dụng nguyên tắc này vào thực tiễn là cần thiết nhằm triển khai thi hành Bộ luật TTDS năm 2015 cũng như góp phần hoàn thiện pháp luật về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự nói chung./.


[1] Nguyên tắc còn lại là nguyên tắc có ĐƯQT

[2] Bộ Tư pháp, “Báo cáo đánh giá tình hình ký kết Hiệp định Tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự giữa Việt Nam và các nước và sự cần thiết gia nhập Hội nghị La Haye về TPQT năm 2011, 2012, 2013, 2014”.

[3] Thomasrauscher (2005), “Công nhận và thi hành phán quyết về tài sản của Tòa án nước ngoài ở Đức”, Tạp chí Khoa học Pháp lý (3), tr. 33-37.

[4] The British Foreign Judg-ments Act of 1933. Nguồn: http://www.legislation.gov.uk/ukpga/Geo5/23-24/13/contents.

[5] Xem thêm: Bành Quốc Tuấn (2016), “Đánh giá tổng quan các hiệp định tương trợ tưpháp về dân sự giữa Việt Nam với một số quốc gia”, Tạp chí Quản lý nhà nước, (245), tr. 66 – 70.

[6] Xem thêm: Bành Quốc Tuấn (2015), Công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Toà án nước ngoài (Sách chuyên khảo), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 204 - 212.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 18(346)-tháng 9/2017)