Khoảng trống nghiên cứu là gì

Tải file: Hướng dẫn quy trình tham gia NCKH – Ban chuyên môn (Link 1)

Hướng dẫn quy trình tham gia NCKH – ĐH KTQD (Link 2)

Nhằm giúp đỡ các em sinh viên lần đầu tham gia NCKH, Ban chuyên môn trực thuộc Đoàn trường ĐH KTQD gợi ý quy trình tham gia NCKH cho các em hiểu rõ về cuộc thi, cách thức tham gia, cách thức thực hiện 1 đề tài NCKH. Thông thường, việc nghiên cứu khoa học của sinh viên ĐH KTQD trải qua các bước dưới đây:

Khoảng trống nghiên cứu là gì

BƯỚC 1: TÌM HIỂU KỸ THÔNG TIN VỀ CUỘC THI NCKH

Trước khi tham gia, các em nên tìm hiểu kỹ về cuộc thi NCKH theo link dưới đây:

+ Thông báo NCKH của trường: https://www.neu.edu.vn/ViewThongBao.aspx?ID=1997

+ Tham khảo trên group NCKH: https://www.facebook.com/groups/nckh.neu

+ Cập nhật thông tin trên Fanpage NCKH: https://www.facebook.com/nckh.neu

+ Xem các bài viết trên Website NCKH: https://nghiencuukinhtetre.com/

Trên group này các em có thể hỏi đáp bất cứ vấn đề gì liên quan đến học tập và NCKH.

Kinh nghiệm trước khi tham gia NCKH là các em phải tìm hiểu kỹ thông tin về cuộc thi, gặp gỡ các anh chị đã từng tham gia NCKH trước đây (cùng khoa thì càng tốt) để xin tư vấn về cách thức chọn đề tài, lựa chọn các thầy cô hướng dẫn, cách thức thực hiện các đề tài, làm việc nhóm hiệu quả, …

BƯỚC 2: LẬP NHÓM CÁC SINH VIÊN CÓ CHUNG Ý TƯỞNG

Khi lập 1 nhóm tốt hơn hết các em hãy tìm những bạn có cùng ý tưởng, cùng chí hướng và phải đảm bảo thời gian rảnh rỗi có thể tham gia được các hoạt động của nhóm trong thời gian thực hiện nghiên cứu. Rất nhiều nhóm sinh viên phải bỏ cuộc vì một vài bạn trong nhóm tham gia bỏ dở giữa chừng vì nhóm không có chung quan điểm, hoặc có việc bận không thể tham gia tiếp cùng nhóm, đó là điều cực kỳ đáng tiếc. NCKH được thực hiện trong khoảng thời gian tương đối dài, khoảng gần nửa năm, do đó các em nên lập kế hoạch đăng ký học và kế hoạch về các hoạt động trong kỳ tiếp theo để đảm bảo thời gian có thể thực hiện nghiên cứu.

Nhóm sinh viên:

Không nhất thiết phải cùng khoa, cùng lớp tuy nhiên nếu cùng khoa thì sẽ có nhiều thuận lợi về mặt chuyên môn và thời gian hơn.

Theo quy định mỗi nhóm có từ 1 – 5 thành viên, linh động thì vẫn có thể có 6 thành viên (nên xin phép khoa/viện và thầy cô hướng dẫn trước), tuy nhiên thường chỉ nên có tối đa 5 thành viên để làm việc nhóm hiệu quả. Khuyến nghị các nhóm NÊN có 3 thành viên là nhóm quy mô tối ưu và có thể đạt hiệu quả làm việc nhóm trong nghiên cứu khoa học.

 BƯỚC 3: ĐĂNG KÝ THAM GIA Ở CÁC KHOA/VIỆN

3.1. Lựa chọn đề tài và lập đề cương nghiên cứu

(Tham khảo chia sẻ kinh nghiệm NCKH của Viện NHTC: https://goo.gl/9VWDLI )

3.1.1. Đề tài

Nội dung đề tài của từng khoa/viện sẽ tương ứng với các chủ đề trong khoa/viện đó, nếu ngoài các chủ đề này thì các thầy cô trong khoa/viện sẽ khó hướng dẫn vì không đủ chuyên môn ngoài ngành.

Vấn đề chọn đề tài thì các em chọn chủ đề vừa sức, không quá rộng và cũng không quá hẹp, đề tài không được trùng với các đề tài của các năm trước, có ý nghĩa về kinh tế – xã hội, giáo dục, nhân văn và an ninh quốc phòng,… Các em có thể tham khảo nguồn tài liệu đề tài NCKH của các năm trước để xem cách chọn đề tài của các anh chị khoá trên.

Để chọn đề tài phù hợp các em có thể tham khảo các anh chị khoá trên đã từng tham gia NCKH hoặc các thầy cô trên khoa/viện để có định hướng tốt nhất. Nếu cảm thấy khó định hướng thì các em có thể nhờ các thầy cô gợi ý cho 1 chủ đề phù hợp.

Thông thường các khoa/viện sẽ có 1 buổi gặp gỡ các sinh viên để tư vấn, hướng dẫn các em lựa chọn đề tài nghiên cứu và cách thức NCKH cho phù hợp. Các em chú ý tham gia để có thể nắm rõ được các thông tin về cuộc thi, cách thức tham gia, phương pháp nghiên cứu cho phù hợp.

*Chú ý: Tham khảo danh mục các đề tài trong phần 4.1. dưới đây.

3.1.2. Đề cương nghiên cứu:

*Chú ý: Có thể các thầy cô hướng dẫn khác nhau sẽ chỉnh sửa đề cương riêng có bố cục khác nhau cho từng đề tài. Không nhất thiết một đề tài phải bao gồm tất cả những phần khuyến nghị dưới đây, tuy nhiên những phần chính phải có: Lý do chọn đề tài, Tổng quan nghiên cứu, Mục tiêu nghiên cứu, Cơ sở lý luận, Phương pháp nghiên cứu, Kết quả nghiên cứu, Giải pháp và kiến nghị, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo.

Gợi ý các đề mục trong Đề cương nghiên cứu:

A) PHẦN MỞ ĐẦU:

  1. Nêu lý do chọn đề tài: Chứng minh vấn đề nghiên cứu là vấn đề quan trọng, được giới nghiên cứu và thực tiễn quan tâm (có ý nghĩa thực tiễn).
  2. Tổng quan nghiên cứu: Các nghiên cứu trước đây về chủ đề nghiên cứu này, các nghiên cứu này đã đạt được gì và có những hạn chế gì?
  3. Mục tiêu nghiên cứu của đề tài.
  4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
  5. Phương pháp nghiên cứu: Nói sơ bộ về phương pháp nghiên cứu
  6. Kết cấu đề tài: Đề tài gồm các phần nào

B) NỘI DUNG: Phần nội dung đề tài có thể bao gồm các phần sau: (Có thể chia theo Phần hoặc Chương tuỳ thói quen của người nghiên cứu)

Phần I: Cơ sở lý luận: Trình bày các khái niệm liên quan và các vấn đề liên quan đến các khái niệm được đề cập trong đề tài. Bên cạnh đó, phần này bao gồm những kiến thức nền tảng được nhóm nghiên cứu lựa chọn và đưa vào vận dụng phù hợp với mục tiêu nghiên cứu để qua đó phân tích thực tế.

Phần II: Thực trạng về vấn đề nghiên cứu trong thời gian gần đây liên hệ số liệu để minh họa cho điều mình nói (nếu có). Nếu nhóm nghiên cứu về đề tài có liên hệ thực tế và có số liệu minh hoạ thì nên có thêm thực trạng để tóm lược tình hình

Phần III. Phương pháp nghiên cứu: Trình bày cụ thể về phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong đề tài: (Đối với nghiên cứu định lượng gồm các phần dưới đây)

  1. Xây dựng mô hình nghiên cứu
  2. Xác định biến số: Xây dựng hệ thống biến số
  3. Xác định thước đo cho các biến số
  4. Xác định nguồn số liệu và phương pháp thu thập số liệu
  5. Xác định phương pháp phân tích số liệu: công cụ phân tích số liệu

Phần IV. Kết quả nghiên cứu:

Phần V. Giải pháp hoặc kiến nghị

C) KẾT LUẬN:Đánh giá tổng quát lại các kết quả đề tài đạt được, đưa ra kiến nghị về hướng mở rộng đề tài nghiên cứu (mở rộng về quy mô dọc, ngang: Điều tra diện rộng hơn để có số liệu chính xác, mở rộng đối tượng nghiên cứu)

D) Danh mục tài liệu tham khảo:

Theo tiêu chí viết danh mục tài liệu tham khảo của Tạp chí Kinh tế và Phát triển (Xem ở phần 4.6.2 ở dưới)

E) Phụ lục

3.2. Đăng ký tham gia:

Trước ngày 15/10/2016, các em NÊN nộp tên đề tài và đề cương nghiên cứu cho khoa/viện để các thầy cô phân công giảng viên hướng dẫn. Mọi vấn đề liên quan đến chuyên môn, đề tài các em chủ động liên hệ với thầy cô trực tiếp hướng dẫn để có định hướng cụ thể.

Nếu nhóm có nhiều thành viên thì đề tài tham dự sẽ được nộp ở khoa/viện có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực được đề cập trong đề tài.

Chú ý: Khi đăng ký tham gia, chúng ta sẽ có 2 cách:

Cách 1. Lập nhóm và có đề tài sẵn rồi thì đi tìm giảng viên hướng dẫn, giảng viên hướng dẫn có thể tự tìm hoặc cứ đăng ký đề tài lên khoa rồi khoa tự phân.

Nếu các em có quen biết thầy cô nào có chuyên môn sâu về đề tài mình đang thực hiện có thể liên hệ trực tiếp với các thầy cô nhờ thầy cô hướng dẫn chứ không nhất thiết phải thông qua phân công giảng viên hướng dẫn ở khoa.

Cách 2. Nếu các em có nhóm nhưng chưa xác định được đề tài thì tìm GVHD rồi nhờ thầy cô tư vấn đề tài mà thầy cô quan tâm.

Tuy nhiên có thể gặp trường hợp các khoa viện yêu cầu phải có đề tài trước mới được đăng ký thì các em hãy lựa chọn 1 chủ đề nghiên cứu bất kỳ để đăng ký trước cho đúng thủ tục. Sau khi gặp thầy cô hướng dẫn thì nhờ thầy cô tư vấn đề chủ đề đã chọn có phù hợp không? Nếu không, nhờ thầy cô tư vấn cho chủ đề nghiên cứu phù hợp với nhóm.

BƯỚC 4: TRIỂN KHAI ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU

Chi tiết hơn về các bước này, các em có thể tham khảo các tài liệu dưới đây:

Để thực hiện nghiên cứu các em nên thực hiện theo trình tự sau đây:

4.1. Tìm, đọc tài liệu, xác định hướng nghiên cứu và viết tổng quan nghiên cứu

4.1.1. Tìm và đọc tài liệu

Tìm những tài liệu nghiên cứu uy tín, có giá trị liên quan đến đề tài của nhóm và đọc kỹ tìm ra điểm mới, khoảng trống nghiên cứu mà đề tài của nhóm có thể khai thác. Các tài liệu nghiên cứu uy tín bao gồm:

a) Luận văn Thạc sĩ, luận án Tiến sĩ có liên quan đến đề tài nghiên cứu. Tham khảo các luận án TS của các trường ĐH uy tín:

  • ĐH KTQD: http://gsneu.edu.vn/tien-si__10161.html

Tra cứu các bản cứng luận văn, luận án trên thư viện ĐH KTQD: Để vào được thư viện ĐH KTQD bạn phải có thẻ sinh viên, qua cổng gửi thẻ SV cho nhân viên trực để lấy ô khoá gửi đồ rồi qua gần cầu thang có sơ đồ thư viện, xem phòng tra cứu tên các tài liệu, tìm được tên tài liệu mình cần tham khảo thì ghi lại mã số để qua phòng tương ứng mượn đọc.

b) Các tạp chí uy tín trong và ngoài nước:

Tạp chí Kinh tế Phát triển (Website: http://www.ktpt.edu.vn/ )

c) Các bài viết Hội thảo khoa học liên quan đến chủ đề nghiên cứu.

d) Đề tài NCKH đạt giải Nhất, Nhì các năm trước. Tham khảo nguồn đề tài tư liệu NCKH của sinh viên ĐH KTQD các năm trước:

e) Các nguồn tài liệu khoa học, đầu sách khoa học khổng lồ trên các website lớn trên thế giới.

  • LIBGEN: http://gen.lib.rus.ec/
  • SCIENCE DIRECT: http://www.sciencedirect.com

Đây là khoa thư viện khổng lồ chứa rất nhiều tài liệu nghiên cứu và đầu sách quý, giúp ích rất nhiều cho việc nghiên cứu tuy nhiên các nguồn tài liệu ở đây muốn tải về thường mất phí và khá chát so với sinh viên Việt Nam. Các em vào tìm kiếm tên sách hoặc tài liệu, nếu muốn tải về miễn phí, hãy lên group NCKH (https://www.facebook.com/groups/nckh.neu) xin tài liệu, các admin sẽ cố gắng tải về và inbox miễn phí cho các bạn.

f) Ngoài ra các em có thể sử dụng một công cụ phục vụ cho việc nghiên cứu vô cùng hữu ích:

Sử dụng https://scholar.google.com.vn/ để tìm kiếm các tài liệu khoa học, công cụ này cho phép tìm kiếm, hiển thị trích dẫn rất nhiều tài liệu khoa học.

4.1.2. Xác định hướng nghiên cứu

Sau khi đọc các tài liệu liên quan đến chủ đề nghiên cứu, các em xác định hướng nghiên cứu của đề tài, tìm ra điểm mới mình có thể khai thác (điểm mới này hay còn gọi là khoảng trống nghiên cứu, tức là vấn đề mà chưa có nghiên cứu nào làm trước đây). Có thể ví dụ về khoảng trống nghiên cứu như sau:

Mới về địa lý: Đề tài được nghiên cứu ở Mỹ, mình có thể sử dụng nghiên cứu ở Việt Nam xem những kết luận rút ra ở Mỹ có đúng khi ở Việt Nam không, có sự khác biệt gì không? Vì sao có sự khác biệt đó?

Mới về lĩnh vực: Đề tài được nghiên cứu trong lĩnh vực này, mình có thể sử dụng nghiên cứu trong lĩnh vực khác xem có còn đúng đắn hay không? Hay nói cách khác, ứng dụng nội dung của ngành này sang ngành khác: Ứng dụng các nghiên cứu Martketing trong các ngành khác nhau: ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, dịch vụ khác, …

Mới về nội dung: Tìm được hạn chế của các đề tài đã nghiên cứu trước => Đề xuất bổ sung thêm ý tưởng mới để khắc phục hạn chế đó.

Quá trình đọc tài liệu và xác định hướng đi, khoảng trống nghiên cứu là một phần trong quá trình viết Tổng quan nghiên cứu.

Sau khi xác định được hướng đi của đề tài thì bắt tay hoàn thiện PHẦN MỞ ĐẦU TRONG ĐỀ TÀI: Nêu lý do chọn đề tài, Tổng quan nghiên cứu, Mục tiêu nghiên cứu của đề tài, Đối tượng và phạm vi nghiên cứu, Phương pháp nghiên cứu, Kết cấu đề tài.

4.1.3. Viết tổng quan nghiên cứu

Tổng quan nghiên cứu là phần cực kỳ quan trọng, khi xem một đề tài người ta chỉ cần nhìn vào tổng quan nghiên cứu là có thể biết được đề tài sẽ làm được những gì, từ tổng quan nghiên cứu người ta có thể đánh giá được mức độ hiểu biết và tư duy logic của nhà nghiên cứu đối với chủ đề nghiên cứu đồng thời tổng quan nghiên cứu còn tạo ra cơ sở lý thuyết chắc chắn cho đề tài nghiên cứu. Về cơ bản, tổng quan nghiên cứu cần nêu được:

  • Các trường phái lý thuyết thường được sử dụng: Các trường phái lý thuyết là cơ sở lý luận để nghiên cứu đề tài, nó là nền tảng để đưa ra các lập luận, các mô hình và phương pháp nghiên cứu trong đề tài. VD: Trong tài chính thì có Lý thuyết thị trường hiệu quả, Trong Kinh tế học có các trường phái kinh tế học: Kinh tế học tân cổ điển, Kinh tế học Keynes, …
  • Bối cảnh nghiên cứu: Các nghiên cứu trước đây đã được thực hiện trong những bối cảnh nào và đưa ra được những nhân tố đã được các công trình nghiên cứu trước đề cập đến. Bối cảnh là điều kiện rất quan trọng trong nghiên cứu, đặt trong bối cảnh này thì có thể lý luận này đúng, nhưng trong bối cảnh khác thì chưa chắc. Bối cảnh ở đây có thể là tình hình kinh tế, chính trị – xã hội, luật pháp và phát triển của ngành, vùng, quốc gia hay nhóm đối tượng đang được nghiên cứu. Có thể ví dụ về các nhân tố: Nhân tố vi mô (cung – cầu hàng hoá, các chỉ số chi phí, doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp,…); Nhân tố vĩ mô (tăng trưởng kinh tế, lạm phát, thất nghiệp, …)
  • Các phương pháp nghiên cứu chính: Các nghiên cứu trước đây đã sử dụng những phương pháp nghiên cứu nào? Nghiên cứu hiện tại cần điểm lại các phương pháp nghiên cứu – tương ứng với bối cảnh và mô hình mà các nghiên cứu trước đây đã áp dụng.
  • Các kết quả nghiên cứu chính: Các nghiên cứu trước đây đã đạt được kết quả gì? Các kết quả này ủng hộ quan điểm nào? Có mâu thuẫn gì so với lý thuyết không? Tại sao có sự mâu thuẫn đó?
  • Hạn chế của các nghiên cứu trước và khoảng trống tri thức: Phân tích các nghiên cứu trước đây và rút ra hạn chế của các nghiên cứu đó, trên cơ sở đó đề xuất các hướng nghiên cứu mới: có thể là chủ đề nghiên cứu mới hoặc câu hỏi nghiên cứu mới hoặc bối cảnh nghiên cứu mới hoặc mô hình nghiên cứu mới hoặc phương pháp nghiên cứu mới.

4.2. Hoàn thiện sơ bộ các nội dung lý thuyết của đề tài:

(Trước khi viết đề tài, các em tham khảo quy định bố cục trình bày và dàn trang (font, cỡ chữ, lề, cách lề, … ở đây: https://goo.gl/gQ0mKf )

Các phần lý thuyết của đề tài bao gồm: Cơ sở lý thuyết, Thực trạng (nếu có), Phương pháp nghiên cứu. Nội dung sơ bộ của phần này đã được giới thiệu ở trên, kinh nghiệm là các nhóm nên tham khảo các đề tài trước đây để xem nội dung phần này những đề tài này họ viết gồm những nội dung nào và ứng dụng cách viết của họ vào đề tài của nhóm.

4.3. Thu thập số liệu:

Các em có thể sử dụng số liệu thứ cấp (số liệu có sẵn) hoặc số liệu sơ cấp (số liệu phải khảo sát) tuỳ vào đề tài nghiên cứu.

Số liệu thứ cấp: Các em có thể thu thập từ báo đài, tạp chí, mạng internet, các bản báo cáo tài chính của các công ty, hoặc qua một nguồn khác (worlbank, imf, tổng cục thống kê, …)

Số liệu sơ cấp: Thu được từ khảo sát thực tế của nhóm, trước khi khảo sát các em phải thiết kế bảng hỏi theo ý tưởng nghiên cứu từ định hướng nghiên cứu của nhóm. Số liệu sơ cấp là số liệu thô chưa qua xử lý để thu được các sơ đồ, bảng biểu, đồ thị. Các em phải sử dụng các công cụ phân tích số liệu để xử lý các số liệu này thành số liệu phụ thuộc vào mục đích phân tích của nhóm. Một số phần mềm phân tích số liệu thông dụng: Excel, Eviews, SPSS, STATA, R, …

Thiết kế bảng hỏi: Nếu đề tài có sử dụng đến số liệu sơ cấp cần thu được khi tiến hành khảo sát thì các em phải tiến hành thiết kế bảng hỏi, công việc thiết kế bảng hỏi là vô cùng quan trọng. Muốn thiết kế bảng hỏi chuẩn, các em hãy tham khảo nguồn đề tài uy tín (đã giới thiệu ở trên), sau đó phải cân nhắc mục tiêu phân tích của đề tài là gì để đưa ra các câu hỏi, loại câu hỏi cho phù hợp. Nên tham khảo các anh/chị khoá trên đã từng tham gia NCKH hoặc nhờ gợi ý của thầy cô hướng dẫn.

4.4. Phân tích số liệu đưa ra kết quả nghiên cứu

Sau khi phân tích số liệu, các em đưa ra được các bảng biểu, đồ thị, sơ đồ. Dựa vào mô tả các thông tin trong bảng biểu, đồ thị, sơ đồ này các em tổng hợp và phân tích các vấn đề đưa ra trong mục đích nghiên cứu. Từ đó các em thu được KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU.

4.5. Kiến nghị và giải pháp

4.5.1. Đánh giá kết quả nghiên cứu

Dựa vào các Kết quả nghiên cứu, các em rút ra các kết luận, phân tích sâu đưa ra các vấn đề, so sánh với thực tế, có phù hợp với thực trạng hiện nay hay không, có đúng với các nhận định trước đó của nhóm nghiên cứu hay không, từ đó rút ra hạn chế còn tồn đọng đối với chủ đề nghiên cứu.

4.5.2. Kiến nghị và giải pháp

Sau đó đề xuất giải pháp, kiến nghị để khắc phục các hạn chế đã được rút ra ở trên.

4.6. Kết luận, Tài liệu tham khảo, Phụ lục

4.6.1. Kết luận:

Đánh giá tổng quan về đề tài: đánh giá tổng quát lại các kết quả đề tài đạt được, đưa ra kiến nghị về hướng mở rộng đề tài nghiên cứu (mở rộng về quy mô dọc, ngang: Điều tra diện rộng hơn để có số liệu chính xác, mở rộng đối tượng nghiên cứu)

4.6.2. Viết Danh mục tài liệu tham khảo:

Mỗi khi các em tham khảo tài liệu, trích dẫn tài liệu ở nguồn nào, hãy điền vào đây. Có nhiều quy định về trình bày bố cục, dàn trang và tài liệu tham khảo, tuy nhiên các nhóm nghiên cứu có thể trình bày theo quy định viết bài của Tạp chí Kinh tế Phát triển ở link dưới đây:

http://ktpt.edu.vn/Uploads/documents/Quy%20dinh%20ky%20thuat%20trinh%20bay%20bai%20viet.pdf

4.6.3. Phụ lục

Nếu có nhiều bảng biểu, đồ thị, sơ đồ các em có thẻ đưa vào phần PHỤ LỤC để giảm số lượng trang trong phần chính nghiên cứu.

Mục tiêu của phụ lục là đưa những phần phụ (Bảng biểu, đồ thị, sơ đồ) vào Phụ lục để giảm tải, đơn giản hoá những phân tích không bị loãng bởi các bảng biểu xen ngang (Bảng biểu quá dài gây mất mỹ quan), người đọc đỡ cảm thấy nhàm chán khi xem quá nhiều bảng biểu. Bên cạnh đó, Phụ lục còn giúp giảm thiểu số trang quy định trong phần nội dung chính.

4.7. Hoàn thiện lại, chỉnh sửa lại các phần

Sau khi hoàn thành sơ bộ các nội dung, các nhóm xem lại toàn bộ các phần chỉnh sửa lại cho câu chữ mượt hơn, logic và liên kết giữa các phần với nhau, thống nhất từ trên xuống dưới.

Hoàn thiện nội dung rồi thì xem lại về phần hình thức, dàn trang (font, cỡ chữ, cách lề, …) đã đúng chuẩn chưa, kiểm tra các lỗi chính tả trong đề tài. Xem các quy định trình bày đề tài ở đây: https://goo.gl/gQ0mKf

Khi hoàn thiện đề tài, các em nên hoàn thành trước hạn để giảng viên hướng dẫn có thể chỉnh sửa sao cho hoàn chỉnh nhất để nộp đi dự thi cấp khoa.

BƯỚC 5: NỘP ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU LÊN KHOA/VIỆN

Trước ngày 15/04/2016, các em nộp đề tài lên khoa viện để xét giải cấp Khoa/Viện và cấp trường. Tuy nhiên, thời gian nộp có thể thay đổi theo từng khoa/viện vì vậy lưu ý các em cần theo dõi lịch và hướng dẫn của khoa/viện để nộp các đề tài đúng hạn, nếu không nộp đúng hạn, đề tài không được xét giải sẽ rất lãng phí.

– Từ ngày 15/04 đến 25/04/2017: Khoa/Viện họp Hội đồng khoa học tổ chức đánh giá chấm điểm, xét giải các công trình dự thi ở cấp Khoa/Viện và xét chọn các công trình có kết quả đánh giá từ 80 điểm trở lên gửi dự thi giải thưởng “Sinh viên nghiên cứu khoa học” cấp Trường. (Chấm theo thang điểm quy định trong phụ lục kèm theo)

– Từ ngày 02/05 – 15/05/2017: Thành lập Hội đồng chấm công trình và tổ chức xét giải “Sinh viên nghiên cứu khoa học” cấp Trường.

BƯỚC 6: XÉT GIẢI CẤP BỘ

+ B1: Chỉ những công trình nào đạt giải Nhất, Nhì cấp trường mới được tham gia xét đánh giá để nộp NCKH cấp Bộ

– Từ ngày 16/5 – 26/05/2017: Thành lập Hội đồng giám khảo chấm điểm 20 công trình có kết quả tốt nhất để xét chọn 10 công trình gửi dự thi cấp Bộ. Tổ chức Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường và trao giải thưởng sinh viên NCKH cấp trường.

Các đề tài tham gia chấm điểm nộp cấp Bộ sẽ được các thầy cô góp ý để sau này nếu có thể tham gia cấp Bộ, sẽ chỉnh sửa lại theo các góp ý này để có được kết quả tốt nhất.

+ B2: 10 đề tài được gửi dự thi cấp Bộ sẽ được các nhóm chỉnh sửa 1 lần nữa dưới sự góp ý của Hội đồng giám khảo. Sau khi chỉnh sửa hoàn chỉnh, các nhóm sinh viên nộp Bản hoàn chỉnh đề tài cho phòng Quản lý Khoa học. Về bố cục trình bày bài NCKH, các thông tin quy định về dàn trang, số trang, kích cỡ sẽ được phòng Quản lý Khoa học hướng dẫn cụ thể.

– Từ ngày 15/6/2017: Sinh viên nộp công trình dự thi cấp Bộ (qua phòng Quản lý Khoa học).

– Từ ngày 16/06/2017 đến trước ngày 30/06/2017: Gửi công trình dự thi cấp Bộ.


Page 2

Ban chuyên môn Đoàn trường Kinh tế quốc dân xin được gửi đến các bạn nguồn dữ liệu mềm của các công trình nghiên cứu khoa học, là thành quả nghiên cứu của các giảng viên trẻ và sinh viên thuộc các viện, khoa tại Đại học Kinh tế quốc dân 2015. Chúng tôi hy vọng đây là nguồn tài liệu hữu ích đối với tất cả các giảng viên, sinh viên và những người quan tâm.

Tất cả các hoạt động liên quan đến sao chép nội dung mong các bạn độc giả ghi rõ nguồn trích dẫn.

Tiếp tục đọc